Người Việt ở Nga trong dịch Covid-19: Hoạt động kinh doanh bắt đầu trở lại

(Mặt trận) - Tình hình dịch Covid-19 tại Nga đang được cải thiện khi nước này triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 từ giữa tháng 1 năm nay. Hiện nhiều hoạt động đã được khôi phục trong điều kiện bình thường mới. Bà con tiểu thương người Việt sau một thời gian lao đao vì Covid-19 giờ cũng bắt đầu hoạt động trở lại…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

 Những người Việt Nam đầu tiên tại Nga tiêm vaccine phòng Covid-19.

Hiện nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc tại Nga đã đi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Không chỉ ở Moscow, ở nhiều tỉnh, thành phố khác của Nga, bà con người Việt đi tiêm vaccine ngày càng tăng. Lúc đầu bà con cũng lo sợ phản ứng phụ, tuy nhiên nhiều người sau khi tiêm mũi 2 thì thấy yên tâm hơn về độ an toàn của vaccine và vẫn ý thức việc phòng dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và sát khuẩn. Như tại tỉnh Pscov, vùng Tây Bắc nước Nga tới thời điểm này có khoảng hơn 200 người trên tổng số hơn 800 người đã đi tiêm ngừa Covid-19.

Nguyễn Hải, hiện đang sống và làm việc tại thủ đô Moscow cho biết, em đã tiêm mũi 1 và bị sốt nhẹ trong hai ngày. Theo lời Hải, các bác sĩ cũng tư vấn rằng các phản ứng phụ có thể có trong vòng 1-3 ngày như sốt nhẹ, đau đầu, đau họng…và hướng dẫn các cách xử lý phù hợp nên em hoàn toàn yên tâm và mong càng nhiều người tiêm thì miễn dịch trong cộng đồng càng tốt, để nhanh chóng khống chế dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Cùng với việc tiêm vaccine thì việc buôn bán của bà con cũng bắt đầu có dấu hiệu trở lại. Tại thành phố Vladivostok (tỉnh Primorie) hiện có khoảng 1.500 người Việt sinh sống. Đây cũng được cho là một trong những điểm nóng dịch Covid-19 nên khó khăn càng nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, nhờ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, bà con vẫn cầm cự vượt qua khó khăn. Với số ca mắc mới giảm từng ngày, số người tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày một tăng (đạt mức 4 triệu lượt), các ngành dịch vụ bắt đầu có cơ hội dần khôi phục hoạt động trở lại.

ở Vladivostok có khoảng 50 cửa hàng cắt tóc, gội đầu, làm móng, chăm sóc sắc đẹp do người Việt kinh doanh. Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên đây là những cơ sở đầu tiên phải đóng cửa. Không có nguồn thu nhập nhưng họ vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ lương cho nhân viên nên sự ảnh hưởng là không nhỏ.

Thời gian này, khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu chững lại, nhiều người bắt đầu tiêm vaccine phòng dịch mũi 2 thì những cửa hàng dịch vụ bắt đầu mở cửa trở lại. Bà con cũng rất ý thức việc đảm bảo an toàn phòng dịch, chủ động phát khẩu trang miễn phí, cung cấp dung dịch sát khuẩn ở vị trí thuận lợi, đo nhiệt độ cho khách hàng trước khi vào làm dịch vụ. Anh Tiến Mạnh, chủ một cửa hàng làm đẹp ở Vladivostok cho biết, nếu một người nhiễm bệnh là chúng tôi phải đóng cửa ít nhất 14 ngày, con số thiệt hại là rất lớn. Mặc dù việc chữa bệnh Covid-19 được chính quyền Nga đảm bảo miễn phí, nhưng để duy trì cuộc sống, trả lương cho nhân viên thì khoản tiền cũng không nhỏ, bởi vậy phòng bệnh còn hơn chữa bệnh.

Còn tại Saint Peterburg - thành phố lớn thứ hai của Nga, có khoảng hơn 1.000 người Việt, trong đó có khoảng hơn 300 người thuộc diện định cư, hơn 200 người sang làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, còn lại là sinh viên đang học tại các trường đại học của thành phố. Đến thời điểm này có khoảng hơn 200 người Việt, bao gồm cả sinh viên mắc Covid-19.

Dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động kinh tế-xã hội đình trệ, sức mua, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường giảm. Du lịch đóng băng, nhà hàng ít khách, buôn bán ở các chợ, trung tâm thương mại là nghề chính của đa số bà con người Việt thì vắng khách, ế ẩm. Hơn 1 năm qua chống chọi vừa chống chọi với dịch, vừa phải túc tắc công việc kinh doanh để đảm bảo cuộc sống, bà con tiểu thương ở đây cho biết: Không ra chợ thì không được mà ra thì cả ngày chẳng có khách. Thế nhưng tiền thuê cửa hàng và các khoản phí vẫn phải đóng đầy đủ. Thôi cứ xác định là khó khăn hết năm nay. Cũng có nhiều người không cầm cự được phải giảm bớt số quầy thuê, cắt giảm nhân viên.

Tuy nhiên, trong khó khăn tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của bà con người Việt vẫn tỏa sáng. Ban chấp hành Hội người Việt ở Saint Peterburg, cùng với các đại diện sinh viên đã tổ chức họp online, đánh giá tình hình để tư vấn cho bà con về cách phòng tránh cũng như hỗ trợ gọi cấp cứu, tiếp tế đồ ăn cho những trường hợp phải cách ly hoặc mắc bệnh nặng cần đi bệnh viện điều trị.

Ngoài ra, mạng lưới người Việt tại Nga chống đại dịch Covid-19 được Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga thành lập những ngày đầu xuất hiện dịch cũng hỗ trợ người Việt rất nhiều. Đến nay, mạng lưới đã hình thành 5 nhóm công tác với nòng cốt là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cùng với các thành viên tích cực trong cộng đồng, cũng như sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ đang sinh sống, học tập và làm việc tại LB Nga cũng như tại Việt Nam luôn sát cánh cùng cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga vượt qua đại dịch.