Người Việt ở Ba Lan trong bão Covid

(Mặt trận) - Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết: “Tình hình dịch Covid-19 ở bên này đang căng thẳng lắm, số ca mắc và tử vong ngày càng tăng cao. Anh em chúng tôi quay cuồng từ sáng tới tối”.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

“Tình hình dịch Covid-19 ở bên này đang căng thẳng lắm, số ca mắc và tử vong ngày càng tăng cao. Anh em chúng tôi quay cuồng từ sáng tới tối”, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan nói với chúng tôi ngay khi bắt đầu cuộc trao đổi và không quên thông tin: Mặc dù phải cấp bách đối phó với dịch Covid, nhưng bà con mình ở đây cũng đang nóng lòng hướng về miền Trung mưa lũ.

PV: Thưa, ông có thể nói qua về tình hình dịch Covid-19 ở Ba Lan hiện nay?

Ông Trần Anh Tuấn: Dịch Covid-19 ở Ba Lan cũng như châu Âu rất căng thẳng, mỗi ngày là một kỷ lục mới về số người nhiễm và tử vong. Ở Ba Lan hôm 21/10, số người nhiễm đã tăng trên 10.000 và ngày 22/10 là hơn 12.000.

Trước tình hình này, Chính phủ Ba Lan bắt buộc phải đưa ra những quyết định giãn cách xã hội, học sinh, sinh viên chuyển sang học trực tuyến, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông, hạn chế số lượng người trong các cửa hàng, nhà hàng, quán bar, hạn chế giờ hoạt động của một số hình thức kinh doanh....

Với số lượng ca nhiễm hơn 10 ngàn người/ngày, số giường bệnh và máy thở cho bệnh nhân thiếu trầm trọng. Các bệnh viện không chỉ quá tải bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà có rất nhiều bệnh nhân nhiễm cúm mùa. Chính phủ Ba Lan thành lập những bệnh viện dã chiến, tăng thêm giường bệnh... Cùng với đó là giãn cách xã hội, hạn chế tụ họp đông người, bắt buộc đeo khẩu trang và phạt nặng đối với những người vi phạm.

Vậy còn bà con người Việt mình lúc này thế nào, thưa ông?

- Những ngày này, những người làm công tác tại các hội đoàn rất bận rộn. Tuy nhiên, nhờ công tác vận động tuyên truyền hiệu quả nên bà con rất có ý thức và trách nhiệm phòng chống dịch bệnh, tuân thủ mọi quy định của chính quyền sở tại. Việc đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách được thực hiện triệt để nên số người Việt lây nhiễm rất ít. Tính đến ngày 22/10, có 90 người Việt bị lây nhiễm nhưng phần lớn đã được điều trị khỏi, còn 5-6 bệnh nhân đang được điều trị.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên  8 tháng qua, mọi hoạt động kinh doanh của bà con người Việt tại Ba Lan bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài kinh doanh tại các trung tâm thương mại, nhiều người Việt ở Ba Lan đã chuyển sang làm quán bar, nhà hàng và đầu tư kinh doanh khách sạn. Việc chuyển hình thức kinh doanh là xu thế chung.

Tuy nhiên, vào thời điểm này hình thức kinh doanh mới cũng phải giảm lượng khách phục vụ xuống 50%, giảm giờ phục vụ khách tại chỗ. Nhiều quán bar, nhà hàng trong thời gian này không trụ được, đã phải sang nhượng hoặc đóng cửa. Trong các trung tâm thương mại, số lượng khách hàng giảm đi rõ rệt, nhiều doanh nghiệp đã phải sang nhượng hoặc đóng cửa. Nói chung tình hình làm ăn của cộng động đang rất khó khăn.

Vậy thưa ông, Chính phủ Ba Lan có các chính sách hỗ trợ gì cho người nước ngoài nói chung, người Việt nói riêng trong đợt dịch này không?

- Tại Ba Lan, những doanh nghiệp nào đăng ký hoạt động đúng theo luật pháp (không phân biệt là công ty Ba Lan hay nước ngoài) đều được hỗ trợ tài chính theo tiêu chí của Quỹ phát triển của Ba Lan. Nhiều công ty người Việt được hỗ trợ tài chính, đã giúp họ trụ được và đi tiếp trong thời gian vừa qua.

Được biết Ba Lan là một trong những nơi các hội đoàn người Việt có sự tập trung sớm nhất các phương án phòng dịch Covid-19 cho cộng đồng và hướng về quê hương?

- Vâng, đúng như vậy, chúng tôi đã có một tổ chức với các thành viên rất tích cực và trách nhiệm. Ngay từ tháng 2, các tổ chức này đã thành lập Ban hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, trong Ban có 3 tiểu ban là Tiểu ban Y tế, Tiểu ban Hỗ trợ những gia đình trong thời gian cách ly, có đường dây nóng hoạt động 24/24 để hỗ trợ bà con. Và cuối tháng 8 chúng tôi thành lập thêm Tiểu ban Hỗ trợ học đường thời Covid-19.

Mục đích hoạt động của Ban là giúp đỡ bà con cập nhật mọi thông tin về dịch bệnh tại Ba Lan, các thay đổi và chính sách, hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con trong cách phòng chống bệnh dịch. Do nhiều bà con không hiểu tiếng nên Ban luôn là cầu nối giữa các bệnh nhân với các cơ sở y tế, cơ sở vệ sinh dịch tễ của Ba Lan. Ban cũng hỗ trợ các gia đình neo người, cung cấp nhu yếu phẩm trong thời gian bị cách ly.

Còn Ban Hỗ trợ học đường, là cầu nối giữa gia đình và nhà trường, trao đổi thông tin giúp các em học sinh gặp khó khăn trong học tập, nhất là các em học sinh cấp cơ sở, các em còn quá nhỏ, nên việc học tập trực tuyến gặp rất nhiều trở ngại, phụ huynh hạn chế về ngôn ngữ, nên không giúp được các con nhiều.

Mặc dù khó khăn vậy nhưng bà con vẫn dành tình cảm hướng về quê nhà. Ngay từ đầu khi châu Âu mới chớm có dấu hiệu dịch bệnh và ở Việt Nam có ổ dịch đầu tiên ở Vĩnh Phúc, Ban Hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cùng Hội người Việt tại Ba Lan và các nhóm thiện nguyện khác đã kêu gọi bà con gửi về ủng hộ xã Sơn Lôi hơn 50 ngàn chiếc khẩu trang, 200 hộp vitamin, 200 hộp nước sát trùng...

Sau đó, khi dịch bệnh ở Ba Lan bùng phát dữ dội, chúng tôi cũng kêu gọi bà con ủng hộ các bệnh viện, các cơ sở y tế Ba Lan trang thiết bị y tế và kit thử virus SARS-CoV-2 . Với 4.100 kit thử, trị giá hơn 100 ngàn USD.

Trân trọng cảm ơn ông!