Nghĩa cử người Việt ở Nepal

(Mặt trận) - Dịch Covid-19 ở Nepal tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc và tử vong tăng cao cùng với số người lâm vào cảnh khốn khó, thậm chí đang bị đói vì trong nhà không còn tiền mua gạo… “Chúng tôi cần 400 bao gạo, 400 tấm lòng, 400 sự phát tâm từ bi để giúp những người dân nghèo Nepal” – một số người Việt Nam đã đứng ra quyên góp để ủng hộ người nghèo ở Nepal. Những bao gạo nghĩa tình như thế đã đang và tiếp tục được trao tận tay người nghèo với niềm xúc động khôn xiết…

Thúc đẩy hợp tác trong công tác mặt trận giữa Hà Nội - Thượng Hải

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Vun đắp quan hệ Việt Nam - Phần Lan vì lợi ích thiết thực của người dân hai nước

Thủ tướng: Cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ bằng những chương trình cụ thể

 Người nghèo Nepal nhận quà cứu trợ từ chị Võ Thị Kim Cương và những người bạn..

Tính đến ngày 1/10/2020, Nepal đã có 1.775 người bị nhiễm mới Covid-19. Đa phần người bệnh không được test nên khi đưa vào viện thường nặng và rất nhiều trường hợp tử vong.

Theo chị Võ Thị Kim Cương, hiện đang sống ở TP Kathmandu thì để nằm máy trợ thở ở bệnh viện Nepal mỗi ngày bệnh nhân phải trả gần 2 lakh rupee (tương đương 1.700 USD). Trong khi đó, đa số người lao động chỉ kiếm được khoảng 10 USD mỗi ngày nên con số 1.700 USD vô cùng khủng khiếp với họ, nhiều người đành chấp nhận buông xuôi chứ không thể làm gì hơn.

Nepal là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, nơi mà đặc sản chủ yếu là núi và tuyết, nơi GDP quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và lượng ngoại tệ từ nước ngoài gửi về bởi những người Nepal đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, Dubai, Qatar, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Những năm gần đây, khi du lịch bắt đầu nở rộ, lượng khách tìm đến Nepal nhiều hơn thì đời sống người dân cũng cải thiện hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn vô vàn khó khăn.

Và với một nước nghèo, cơ sở y tế thiếu và yếu thì sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 là vô cùng nặng nề. Nepal có 4.150 bệnh viện, trong đó 150 bệnh viện tư. Hiện có 450 phòng ICU nhưng toàn dùng chữa cho bệnh nhân chung, chưa có bệnh viện riêng nào dùng để chữa và cách ly cho người nhiễm Covid-19 nên khó càng khó hơn.

Chính phủ Nepal cũng đang rất nỗ lực trong điều kiện có thể để kiểm soát dịch bệnh như khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, rửa tay liên tục và giữ khoảng cách nơi công cộng...

Về người Việt đang ở Nepal thì hiện có khoảng 40 đến 50 người. Trong đó, một số chị em lấy chồng và mở cửa hàng kinh doanh nhỏ như quần áo, hàng ăn. Ngoài ra, một số người sang tu tập tại các tu viện, còn lại ở nhà làm nội trợ.

“Mình sang Nepal định cư đã được chục năm. Nếu hỏi vì sao chọn nơi đây làm quê hương thứ hai thì đó chính là bởi tình người phóng khoáng và ấm áp. Nepal có dân số đô thị thấp nhất trên thế giới (14%) còn lại hầu hết người dân sống ở vùng núi hoặc nông thôn. Cuộc sống nghèo khó đủ bề nhưng người dân rất thân thiện và tốt bụng. Họ sẵn sàng giúp đỡ những người phương xa một bữa ăn, một đêm ngủ trọ và những nụ cười vô tư, nồng hậu”, Võ Thị Kim Cương chia sẻ.

“Chiều nay 5h Nepal, 100 gói cứu trợ đã đến với người nghèo, người vô gia cư, người thất nghiệp do Covid. Mặc dù “Phở 99 kathmandu” đang trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi có mặt tại Nepal nhưng mình cùng những người bạn và gia đình đã quyên góp 100 phần cứu trợ bao gồm gạo và dầu ăn để phát cho người nghèo, người vô gia cư và người thất nghiệp do bệnh dịch và phong tỏa kéo dài ở thành phố” – Võ Thị Kim Cương gọi điện cho tôi và bày tỏ mong muốn, có thêm nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ người nghèo ở Nepal.

“Chúng tôi cần 400 bao gạo, 400 tấm lòng, 400 sự phát tâm từ bi để giúp những người dân nghèo Nepal đang bị mất việc, lâm vào cảnh khốn khó, thậm chí đang bị đói vì trong nhà không còn tiền đong gạo. 400 bao gạo tương đương với 10 tấn gạo sẽ được phát trực tiếp cho người Nepal ở 3 khu vực: Thủ đô Kathmandu, Lumbini (nơi Đức Phật đản sinh) và một vùng nông thôn nghèo”.

Đây là lời chia sẻ trên mạng xã hội của nhóm Himalayas Vietnam - một nhóm các bạn người Việt đã từng đến Nepal và thương yêu mảnh đất này, nên khi biết nhiều người dân Nepal đang gặp khó khăn đã đứng ra quyên góp.

Theo lời chia sẻ của anh Nguyễn Mạnh Duy, người sáng lập nhóm thì: “Lumbini có một ngôi làng với 60 gia đình và vài trăm người đang bị đói, rất cần hỗ trợ lương thực. Ngay tại ngoại vi thủ đô Kathmandu những người lao động nghèo hàng ngày đều xếp hàng chờ thức ăn được phát từ những nhóm tình nguyện. Sau khi phát động gây quỹ 10 tấn gạo giúp đỡ người Nepal, nhóm đã nhận được những phát tâm từ một số tấm lòng…”.

Anh Duy cho biết, những người phát động chương trình này hiểu rằng trong dịch bệnh tất cả đều bị giảm thu nhập, gặp nhiều khó khăn. Như những người bạn của nhóm Himalayas Vietnam tại Nepal đang làm trong ngành du lịch dịch vụ cũng vậy, nhưng họ bảo: Chúng tôi còn may mắn hơn nhiều người Nepal vì không bị đói vì thế chúng tôi tình nguyện giúp đỡ họ và cũng là cách để tri ân các nhà hảo tâm từ Việt Nam đã giúp đỡ người dân đất nước chúng tôi. Chương trình quyên góp gạo ủng hộ người nghèo Nepal sẽ được thực hiện trong 1 tháng tính từ ngày 22/9 đến hết 22/10. Cứ sau mỗi 15 ngày nhóm sẽ chuyển tiền mua gạo sang Nepal 1 lần.

Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, người dân Nepal còn đối diện với vô vàn khó khăn, nhưng họ cũng thấy thật ấm lòng vì có rất nhiều người bạn - những người đang ở Nepal hay đã về Việt Nam với nghĩa cử cao đẹp, đúng với truyền thống “tương thân tương ái” của người Việt Nam.