Nâng cao trình độ cho các giáo viên Việt Nam ở nước ngoài

(Mặt trận) - Sáng 9/10, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Đại biểu tham dự buổi lễ 

Phát biểu khai mạc Khóa tập huấn, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết năm 2020 và 2021, do đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài không tổ chức được các khóa tập huấn tại Việt Nam; các giáo viên cũng không thể tham dự trực tiếp như thường lệ.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Khóa tập huấn lần này thu hút số lượng giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đông nhất từ trước đến nay.

"Điều này cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển và ngày càng nhiều giáo viên có nhu cầu được đào tạo, nâng cao phương pháp giảng dạy," ông Lương Thanh Nghị khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt tiếng mẹ đẻ, là sức mạnh, tài sản “vô hình” của mỗi quốc gia. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.”

Do đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Mới đây, tại Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh, phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng vẫn ngày càng lan tỏa và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Các giáo viên kiều bào luôn tận tình, sáng tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ tại nhiều địa bàn.

Đại sứ Lương Thanh Nghị khẳng định, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô trong sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” cao cả.

 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài” và Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho Người Việt Nam ở nước ngoài,” Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài vào tháng Tám hằng năm tại Việt Nam hoặc tại nước sở tại nếu có nhu cầu.

Từ năm 2013 đến 2019, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia về tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở các nước sở tại.

Tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thường niên, với mục đích nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng.

Cho đến nay, hơn 200 lượt giáo viên kiều bào đã về nước tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của các giảng viên - những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lên lớp, giảng dạy.

Khóa tập huấn lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến, bao gồm 2 lớp chia theo địa bàn châu Á-Australia và địa bàn châu Âu-Bắc Mỹ. Lớp học thứ nhất dự kiến diễn ra từ ngày 9/10 đến 7/11 với 258 học viên đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc địa bàn châu Á (Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia) và Australia.

Khóa tập huấn được kỳ vọng sẽ mang lại những kiến thức chuyên môn bổ ích, là dịp để các giáo viên Việt Nam ở nước ngoài cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về giảng dạy tiếng Việt, từ đó tiếp tục đóng góp cho phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước sở tại.

Ngay sau lễ khai mạc, tại tọa đàm “Thực trạng dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và biện pháp thúc đẩy.”

Các ý kiến đều thống nhất, nhu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn.

Tuy nhiên, các giáo viên kiều bào trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn như thiếu giáo trình và thiếu tài liệu tham khảo phù hợp với địa bàn; sự đa dạng về cấp học và kỹ năng sư phạm của các giáo viên kiều bào còn hạn chế…

Ghi nhận các ý kiến đóng góp xác đáng của các giáo viên kiều bào tại Tọa đàm, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trao đổi các biện pháp, phương hướng tháo gỡ khó khăn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.