Nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng “6 hơn”

(Mặt trận) - Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8/2024, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã trả lời phỏng vấn về mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm.

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai - Ảnh: TTXVN 

Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược?

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18-20/8/2024.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm then chốt đối với mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ Việt - Trung. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới và từng bước triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV. Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển, đi sâu cải cách đã xác định tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua duy trì đà phát triển rất tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc lần này là dịp lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước tiếp tục đi sâu trao đổi chiến lược, xác định các phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đại sứ có thể chia sẻ những nội dung điểm nhấn trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước? Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai: Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc được hai bên Việt Nam và Trung Quốc hết sức coi trọng, thu xếp, chuẩn bị rất kỹ lưỡng về cả chương trình và nội dung. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc. Hai bên sẽ thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, đi sâu trao đổi việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, bao gồm phát huy truyền thống giao lưu trao đổi cấp cao thường xuyên, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác theo định hướng “6 hơn”, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc diễn ra vào thời điểm rất đặc biệt, đúng vào năm kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Moskva đến Quảng Châu với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản để hoạt động cách mạng. Đây là những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, nhất là trong việc thành lập “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” - tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (6/1925). 

Thông qua chuyến thăm, hai bên cùng ôn lại lịch sử phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước; đồng thời thể hiện Việt Nam luôn trân trọng, cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Trung Quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc xác định việc tham gia chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm nay. Đại sứ quán duy trì liên hệ mật thiết với các cơ quan và địa phương liên quan hai bên để trao đổi, phối hợp xây dựng các chương trình và nội dung chuyến thăm, cùng nỗ lực đóng góp để chuyến thăm thành công tốt đẹp.

Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trong khi quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên còn nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác mới. Đại sứ có thể cho biết hai bên cần làm gì, nỗ lực ra sao để tiếp tục đưa hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư song phương đạt những thành tựu mới?

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai: Thời gian qua, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD và 7 tháng đầu năm 2024 đạt 112,6 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh, đạt  4,47 tỷ USD trong năm 2023 và 1,524 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.

Trong bối cảnh hai nước đang tiến hành đổi mới, đi sâu cải cách mở cửa, phát triển chất lượng cao, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trên đà phát triển tích cực của quan hệ song phương, hai bên có nhiều cơ hội và tiềm năng để tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư. Về thương mại, hai bên cần tiếp tục nỗ lực duy trì xu thế phát triển ổn định, cân bằng, bền vững; tích cực thúc đẩy, sớm hoàn tất các thủ tục để đưa thêm các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là sản phẩm nông, thủy sản; tăng cường khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng ở các địa phương phía Bắc, Đông Bắc, Hoa Đông, miền Trung, miền Tây của Trung Quốc; tận dụng, khai thác tốt vai trò các thỏa thuận hợp tác như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và các cơ chế Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE), Hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO), Hội chợ hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair)... nhằm tăng cường quảng bá, kết nối hợp tác cho doanh nghiệp hai bên. Bên cạnh đó, hai bên cần tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thương thông qua gia tăng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, kết hợp hiệu quả với vận tải đường biển; tận dụng thương mại điện tử, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống logistics; nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa thông qua hợp tác xây dựng hạ tầng thương mại biên giới, đặc biệt là các cặp cửa khẩu thông minh; duy trì và bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa giữa hai bên; tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc.

Về đầu tư, hai bên cần tăng cường khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng, kinh tế số, năng lượng xanh. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo môi trường đầu tư lành mạnh, ổn định cho các doanh nghiệp có thực lực, uy tín của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam. Hai nước còn có những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kết nối hạ tầng biên giới, hạ tầng đường bộ, đường sắt và dự án công nghệ cao. Ngoài ra, cần tích cực đẩy nhanh phối hợp xử lý các vướng mắc, tồn đọng trong một số dự án đầu tư trước đây nhằm tạo không khí tích cực cho các dự án hợp tác mới giữa hai nước.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển, gặt hái thêm nhiều thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với tầm mức quan hệ song phương Việt - Trung hiện nay.

Trong những năm gần đây, hoạt động hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng phát triển. Theo Đại sứ, sự hợp tác này có ý nghĩa như thế nào trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước nói riêng, cũng như thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc nói chung?

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, ủng hộ, tạo điều kiện để các địa phương và nhân dân Việt Nam tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác với các địa phương và nhân dân Trung Quốc, góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, không ngừng nỗ lực củng cố, vun đắp vững chắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp với mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.

Có thể nói, với các ưu thế như khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, hợp tác địa phương ngày càng trở thành một phần quan trọng trong tổng thể hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước. Thời gian qua, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các địa phương và nhân dân hai nước diễn ra rất sôi động, đạt nhiều kết quả tích cực. Các cơ chế giao lưu thường niên như Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh và Quảng Tây; Hội nghị giữa Bí thư các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên với Vân Nam; Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc)… được duy trì thường xuyên. Lãnh đạo các địa phương hai nước mở rộng giao lưu, trao đổi, thăm lẫn nhau, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương của hai bên, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Cùng với đó, giao lưu nhân dân giữa hai nước được khôi phục mạnh mẽ. Các hoạt động giao lưu định kỳ như Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, giao lưu hữu nghị thanh niên… được tổ chức ngày một hiệu quả, thực chất đã góp phần gia tăng hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị của thế hệ trẻ, củng cố vững chắc nền tảng xã hội của quan hệ hai nước. Hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch có nhiều kết quả đáng khích lệ, hiện có hơn 23.000 du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Trung Quốc; khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam không ngừng gia tăng, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt khoảng 2,1 triệu lượt.

Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, cùng với đà phát triển ổn định, tích cực trong quan hệ hai Đảng, hai nước, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương, trở thành một trong những động lực phát triển của mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Xin cảm ơn Đại sứ!