Kiều bào bình tĩnh, sáng suốt, tuân thủ quy định phòng, chống COVID-19

(Mặt trận) -Kiều bào nên bình tĩnh, tiến hành các biện pháp tự cách ly, chủ động phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi và cập nhật thường xuyên khuyến cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Thủ tướng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Qatar

Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhất trong bảo hộ công dân

Nhiều người nước ngoài xếp hàng bên ngoài văn phòng Cục Di trú Thái Lan ở Bangkok để xin gia hạn thị thực nhập cảnh ngày 23/3. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến nhanh và phức tạp với 197 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu có người mắc.

Tính đến 10 giờ ngày 25/3, thế giới ghi nhận 422.614 người mắc, 18.804 người tử vong. Việt Nam ghi nhận 134 người mắc COVID-19, chủ yếu là các trường hợp xâm nhập từ bên ngoài.

Chiều 25/3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về những nội dung liên quan đến tình hình du học sinh, người lao động, người sinh sống và làm việc tại nước ngoài trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

- Xin ông cho biết tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị: Cùng với xu hướng toàn cầu hóa và di cư tự do quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gia tăng về số lượng, địa bàn sinh sống cũng như thành phần ngày càng đa dạng.

Tính đến cuối năm 2019, theo số liệu của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và thống kê của các nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, hơn 300.000 người là du học sinh các cấp học, ngắn hạn và dài hạn; khoảng 600.000 lao động Việt Nam bao gồm lao động có tay nghề và lao động phổ thông làm việc tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á và Trung Đông.

- Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nên làm gì để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị: Trước hết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần theo dõi chặt chẽ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, tích cực hợp tác và tuân thủ nghiêm túc các quy định, biện pháp khẩn cấp của các cấp chính quyền sở tại.

Đồng thời, tất cả mọi người nên bình tĩnh, tiến hành các biện pháp tự cách ly, chủ động phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi và cập nhật thường xuyên khuyến cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn.

Theo đó, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã liên tục khuyến cáo, động viên, thăm hỏi, cập nhật thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, các quy định của nước sở tại cũng như của Chính phủ Việt Nam cho cộng đồng và công dân ta.

Tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng hỗ trợ và thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Bên cạnh đó, qua thông tin của các cơ quan đại diện, các hội đoàn người Việt và hội thanh niên, sinh viên Việt Nam ở các nước, cộng đồng người Việt Nam về cơ bản bình tĩnh, tuân thủ nghiêm các quy định của sở tại, áp dụng các biện pháp y tế để tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Hiện số lượng người Việt ở các địa bàn bị lây nhiễm là rất ít. Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng đang thực thi nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho công dân nước sở tại và người nước ngoài, trong đó có hoạt động xét nghiệm và điều trị miễn phí nếu dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ở nước ngoài, bà con kiều bào luôn động viên, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và các địa bàn khác đã tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch thiết thực như may khẩu trang kháng khuẩn, hỗ trợ các vật tư y tế, thực phẩm... cho chính quyền địa phương, các cơ sở y tế và người dân nơi cộng đồng đang sinh sống.

Với tinh thần tương thân, tương ái, ngay từ đầu mùa dịch, nhiều cộng đồng ta tại Ba Lan, Séc, Nga... đã quyên góp được gần 100.000 khẩu trang, vật tư y tế như nước sát trùng, quần áo bảo hộ để hỗ trợ bà con xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và một số bệnh viện ở Hà Nội.

- Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước và quốc tế hiện nay, thời gian qua, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước rất lớn. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị: Trên thực tế, khi chưa có dịch, hàng ngày đã có hàng nghìn người Việt Nam từ nước ngoài về nước với các mục đích khác nhau như du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh hoặc do kết thúc hợp đồng lao động, kết thúc các khóa học hay hết hạn thị thực...

Khi dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến nhanh và phức tạp, nhiều nước đã thực thi các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới; đóng cửa nhiều trường học, ký túc xá, một số công ty và nhà máy; hạn chế các chuyến bay quốc tế đi và đến... số lượng người Việt Nam, chủ yếu là du học sinh và người lao động, trở về nước đông hơn.

Việc công dân Việt Nam về nước cũng có thể hiểu được với những lý do nêu trên, đồng thời nhiều người cũng có tâm lý yên tâm, an toàn khi trở về quê hương, được ở nhà bên cạnh ông bà, cha mẹ và người thân.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, bà con ta cần bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn về Việt Nam hay ở lại nước ngoài. Do trong quá trình di chuyển bằng các phương tiện công cộng, tại sân bay hoặc trên máy bay, nguy cơ lây nhiễm là cao nhất.

Mặt khác, hiện hầu hết các quốc gia đều thắt chặt kiểm soát, hạn chế nhập cảnh, quá cảnh; nhiều hãng hàng không hủy chuyến bay đột ngột không thông báo trước... dẫn đến tình trạng hàng trăm công dân ta bị “kẹt” tại nhiều sân bay, thậm chí có những nhóm người Việt phải bay nối chuyến “vòng vèo” mất tới 6 ngày mới về được Việt Nam.

Ở trong nước, tuy nguồn lực còn hạn chế, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, tình hình tạm thời vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có hàng chục nghìn con người đang ở tuyến đầu chống dịch, phải “gồng mình” làm việc vì sự an toàn của cộng đồng, bình yên của đất nước.

Do đó, việc bà con hạn chế di chuyển, kể cả về nước, nếu không cấp bách, cũng là cách tự bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội, đáp lại lời kêu gọi của đội ngũ y, bác sĩ trên khắp thế giới “Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn ở nhà vì chúng tôi”.

- Vậy ông có khuyến cáo gì đối với những bà con bắt buộc phải trở về nước trong giai đoạn hiện nay?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị: Hiện đã có hàng vạn công dân Việt Nam về nước, tuyệt đại đa số bà con tuân thủ nghiêm túc các quy định của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trong thời gian gia, đáng tiếc một vài cá nhân có những ứng xử và phát ngôn không phù hợp. Một số người không khai báo, thậm chí khai báo không trung thực đã để lại hậu quả khôn lường, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Do đó, để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và Tổ quốc, người Việt Nam khi về nước cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hợp tác và chia sẻ với các lực lượng chức năng. Trước hết, tại các cửa khẩu đường bộ cũng như đường không, bà con cần tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, khai báo y tế và cách ly tập trung bắt buộc.

Việc khai báo trung thực, hợp tác với cơ quan chức năng trong nước trong việc thực hiện cách ly cũng như áp dụng các biện pháp y tế cần thiết theo hướng dẫn.

Tôi hy vọng, thông qua những hành động thiết thực và cụ thể, bà con hãy chia sẻ những khó khăn, chung tay góp phần vào nỗ lực phòng chống, ngăn chặn dịch COVID-19 hiệu quả của Chính phủ và người dân trong nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)