Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với một số địa phương trong nước

(Mặt trận) - Lần đầu tiên Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kết hợp với Cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức một đoàn doanh nhân kiều bào với số lượng lớn về nước, gắn kết kiều bào quê hương đất nước và kết nối với địa phương nhằm thúc đẩy tiềm năng về hợp tác, thương mại, du lịch trong và ngoài nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

 

Từ ngày 3 - 11/7, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương” tại 6 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang (Phú Quốc), thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Hà Nội. Tham dự cùng đoàn có ông Phan Chí Thành, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan; ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao và hơn 50 doanh nhân kiều bào Thái Lan.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Nhà nước về NVNONN kết hợp với Cơ quan đại diện Ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức một đoàn doanh nhân kiều bào với số lượng lớn về nước, gắn kết kiều bào quê hương đất nước và kết nối với địa phương nhằm thúc đẩy tiềm năng về hợp tác, thương mại, du lịch trong và ngoài nước. Điểm nhấn của chuỗi chương trình là các Diễn đàn kết nối kiều bào Thái Lan với các địa phương tại 6 tỉnh, thành phố.

Tại các diễn đàn, ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho biết cộng đồng NVNONN, đặc biệt là các doanh nhân kiều bào, ngày càng quan tâm đến việc kết nối, hợp tác với các địa phương trong nước. Chương trình kết nối kiều bào với địa phương là một trong những hoạt động của Ủy ban Nhà nước về NVNONN để triển khai Quyết định 1797/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024” và quán triệt Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 trong đó có công tác về thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Sau chương trình này, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các chương trình kết nối kiều bào với địa phương, với chủ trương thúc đẩy công tác NVNONN gắn với Ngoại giao kinh tế.

Đại sứ Phan Chí Thành cảm ơn lãnh đạo địa phương đã ủng hộ nhiệt tình và phối hợp chặt chẽ với đoàn trong việc tổ chức các hoạt động kết nối có ý nghĩa này. Đại sứ cho biết hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp của kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, có nhiều doanh nghiệp rất thành công, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa... Đại sứ Phan Chí Thành đề nghị các địa phương quan tâm, có cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp kiều bào trên thế giới nói chung và tại Thái Lan nói riêng muốn về đầu tư và làm việc tại địa phương; đồng thời giới thiệu các lợi thế về sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch nổi bật của địa phương cho doanh nghiệp Thái Lan; giới thiệu các doanh nghiệp thành phố quan tâm đến thị trường Thái Lan, có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp kiều bào để có thể kết nối nhanh chóng và hiệu quả.

Tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan - Đà Nẵng 2022” tổ chức ngày 4/7 ở Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã giới thiệu về chính sách xúc tiến, khuyến khích đầu tư, thương mại, du lịch của thành phố với đoàn doanh nghiệp Việt kiều tại Thái Lan, các dự án khuyến khích thu hút đầu tư, các lợi thế về sản phẩm hàng hóa, du lịch dịch vụ của Đà Nẵng.

Tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Quảng Nam - Thái Lan” tổ chức ngày 5/7 ở tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, đã khái quát những lợi thế khi kiều bào đầu tư vào Quảng Nam và kêu gọi kiều bào kết nối vào các lĩnh vực như: phân phối sản phẩm nông sản và các sản phẩm đặc trưng của địa phương Quảng Nam sang thị trường Thái Lan; phối hợp chuyển giao công nghệ bảo tồn, nhân giống các loại dược liệu quý; dịch vụ du lịch; thủ công, mỹ nghệ…

Tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan - Kiên Giang 2022” tổ chức ngày 7/7 ở thành phố Phú Quốc, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã thông tin trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, hiện có 5 dự án của doanh nghiệp Thái Lan đang triển khai đầu tư với số vốn khoảng 470 triệu USD và kêu gọi doanh nghiệp Thái Lan và doanh nghiệp địa phương gặp gỡ trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang. Ông hy vọng Đại sứ quán cũng như Hội doanh nhân kiều bào tại Thái Lan sẽ phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối cho sự giao lưu, hợp tác kinh tế giữa tỉnh Kiên Giang và Thái Lan. Hiệp hội doanh nhân Kiên Giang sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp qua Thái Lan khảo sát thị trường vào quý III năm 2022.

Tại "Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan - TP. Hồ Chí Minh 2022" tổ chức ngày 8/7 ở thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết trong nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh là đối tác quan trọng của các nhà đầu tư Thái Lan và đề nghị đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp Thái Lan và thành phố mạnh dạn chia sẻ những vướng mắc; đồng thời đưa ra những ý kiến, góp ý cụ thể về chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương cũng như thành phố, hướng tới xây dựng môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện.

Trong chương trình tại Bắc Giang ngày 10/7, tiếp và làm việc với đoàn, ông Mai Sơn và ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang bày tỏ mong muốn đoàn doanh nhân kiều bào Thái Lan quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu và kết nối các doanh nhân kiều bào Thái Lan và các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ, thương nhân nhập khẩu từ Thái để tìm hiểu, hợp tác, thu mua vải thiều và nông sản của tỉnh; đầu tư dây chuyền chế biến nông sản để xuất khẩu, hỗ trợ Bắc Giang thông tin về thị trường, chính sách nhập khẩu, yêu cầu về sản phẩm nhập khẩu vào Thái Lan đối với các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.

Diễn đàn tại Hà Nội ngày 11/7 là chặng cuối cùng của đoàn doanh nhân kiều bào Thái Lan. Diễn đàn có sự tham dự của bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và hơn 40 doanh nghiệp thành viên. Tại diễn đàn, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan là cộng đồng có truyền thống cách mạng, các Hội đoàn người Việt tại Thái thời gian qua hoạt động tích cực giúp nâng cao vị thế, uy tín của cộng đồng với chính quyền và nhân dân sở tại. Sự thành công của diễn đàn và chuỗi sự kiện lần này là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nhân kiều bào tại Thái Lan và các địa phương, cộng đồng doanh nhân trong nước. Bà Lê Thị Thu Hằng hy vọng cộng đồng doanh nhân Thái Lan tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” và “cánh tay nối dài” cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước thời gian tới.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến đi, Hiệp hội doanh nhân Thái Lan - Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hơp tác với Hiệp hội doanh nhân Đà Nẵng, Quảng Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội. Bên cạnh đó, khoảng 20 biên bản thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên, trong nhiều lĩnh vực như may mặc, du lịch khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao, đặc sản địa phương…

Nhân dịp này, đoàn doanh nghiệp kiều bào Thái Lan cũng đã được tham quan một số danh lam, thắng cảnh nổi tiếng tại các địa phương như Bà Nà Hill (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam), Hòn Thơm và Vinpearl Grand World (Phú Quốc), Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)./.