Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo quốc gia

(Mặt trận) - Chiều 4/12, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” và ra mắt “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ”.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

 

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, phát huy hiệu quả các nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho phát triển đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới, nhấn mạnh nhiệm vụ “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào VNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ trưởng khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phát huy vai trò kết nối các chuyên gia trí thức kiều bào tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động khoa học công nghệ trong nước và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc thành lập “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ”. Đây là Mạng lưới được Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Ngoại giao bảo trợ.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu bày tỏ hy vọng thông qua Mạng lưới này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cũng như về tiềm năng và vai trò của các Hội trí thức kiều bào trong công tác hỗ trợ, kết nối đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Phân tích các tác động của dịch COVID-19 tới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng đại dịch đã tạo áp lực lên tất cả các quốc gia về việc thay đổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN, thực hiện chuyển đổi số. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Do vậy, từ các tập đoàn lớn, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều phải có điều chỉnh trong phương thức vận hành, ứng dụng KHCN trong quản lý, điều hành, sản xuất, tương tác, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng thích ứng, linh động hơn với bối cảnh. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải có những giải pháp ứng dụng KHCN để bảo đảm công việc, hoạt động của tổ chức.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, đây chính là cơ hội lớn để các giải pháp sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng, thương mại hóa, đưa vào đời sống thực tiễn.

Trong bối cảnh này, sự ra đời của “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ” sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) cho biết, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp này đã nhận được tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ USD tập trung ở các lĩnh vực tài chính, sức khỏe và giáo dục.... Cả nước hiện có 208 quỹ đầu tư đang hoạt động, 108 tổ chức đầu tư kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường đại học, cao đẳng có tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Thông qua Mạng lưới, thông tin về hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật đến cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng sẽ được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng.