Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới

(Mặt trận) - Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là quy luật, bài học quý giá của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhất là những thách thức an ninh phi truyền thống, việc nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo quy luật kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa cấp thiết, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo Bộ Quốc phòng dự Lễ Tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2023_Ảnh: TTXVN 

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam là gắn kết chặt chẽ toàn bộ sức mạnh quốc gia - dân tộc với sức mạnh của xu thế, mục tiêu quốc tế là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của văn minh nhân loại, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trong thời đại cách mạng vô sản, chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, giai cấp vô sản ở mỗi nước phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi cho cách mạng. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848, C. Mác và Ph. Ăng-ghen kêu gọi: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”(1). Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lê-nin đã bổ sung khẩu hiệu đó và đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”(2).

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của nhân tố thời đại đối với cách mạng nước nhà. Ngay từ những ngày đầu của hành trình tìm đường cứu nước, Người khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”(3). Theo đó, phải giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản cho nhân dân lao động nước mình, làm cho tinh thần yêu nước trở thành một bộ phận của tinh thần quốc tế vô sản. Người kêu gọi: “Vì nền hòa bình thế giới, vì tự do và ấm no, những người bị bóc lột thuộc mọi chủng tộc cần đoàn kết lại và chống bọn áp bức”(4).

Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh, giữ vai trò quyết định; sức mạnh thời đại là nguồn lực bên ngoài chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nhân tố bên trong là sức mạnh dân tộc, và khi nó được phát huy thì sẽ làm cho sức mạnh dân tộc tăng lên. Người chỉ rõ: “phải tự lực cánh sinh. Trông vào sức mình”(5); “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(6). “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(7). Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc với các mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trở thành bài học kinh nghiệm xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, qua hơn 36 năm đổi mới đất nước, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã để lại dấu ấn đặc sắc qua các kết quả, thành tựu to lớn, có tính bước ngoặt. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận ngặt nghèo, đến nay, nước ta đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối diện với những thách thức lớn: rơi vào bẫy thu nhập trung bình; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các nhân tố của an ninh phi truyền thống và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…

Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, việc vận dụng quy luật kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là đòi hỏi mang tính tất yếu khách quan. Theo đó, cần chú ý thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nhận thức đúng về sức mạnh quốc gia - dân tộc, tình hình thế giới và việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Sức mạnh quốc gia - dân tộc được tạo nên bởi nhiều yếu tố, như quy mô và chất lượng của dân số cả nước; nguồn tài nguyên thiên nhiên; vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế; truyền thống văn hóa; sự ổn định chính trị - xã hội; đường lối đúng đắn của Đảng và sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị thế quốc gia trên trường quốc tế...

Hiện nay, tình hình thế giới đang có những biến chuyển hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Toàn cầu hóa đã trở thành một hiện thực khách quan được hầu hết quốc gia chấp nhận. Toàn cầu hóa diễn ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh. Theo đó, mỗi quốc gia không thể tách rời mà luôn là một bộ phận cấu thành của môi trường quốc tế, chịu sự tác động đa dạng, nhiều chiều của môi trường quốc tế. Quan niệm chung về vai trò, ý nghĩa của các quốc gia - dân tộc và mối quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc trong hệ thống quốc tế cũng đang có sự phát triển mới.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến nhiều thành tựu đột phá, như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông minh (Smart technology), công nghệ in 3D và internet kết nối vạn vật (IoT). Cùng với quá trình toàn cầu hóa, khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, theo đó, người lao động có trình độ chuyên môn cao ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh, tình hình mới, chúng ta càng phải xác định rõ, cách mạng Việt Nam vẫn luôn luôn là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, vì vậy cần tiếp tục đoàn kết, ủng hộ các phong trào, trào lưu tiến bộ trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng thời, tận dụng tối đa sức mạnh thời đại, vượt qua nguy cơ, thách thức, không ngừng gia tăng nguồn lực để nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan_Nguồn: toquoc.vn 

Hai là, biết cách ứng xử và điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các xu thế, chuẩn mực chung của quốc tế và khu vực, nhất là các chuẩn mực đã được quốc tế thừa nhận và áp dụng rộng rãi.

Trong môi trường toàn cầu hóa, các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong nhiều trường hợp trở thành tiêu chí quan trọng, chi phối sự hợp tác và đấu tranh giữa các quốc gia. Do vậy, chúng ta cần nhạy bén và có cách ứng xử để vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với các chuẩn mực của khu vực và quốc tế. Theo đó, cần bám sát, theo dõi chặt chẽ, nhận định kịp thời, chính xác tình hình thế giới và khu vực, dự đoán xu thế phát triển của nó để xác định thời cơ và thách thức đối với việc kết hợp các nhân tố bên trong với các nhân tố bên ngoài.

Trong quan hệ quốc tế, cần quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng trong tình hình mới. “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(8). Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại.

Chủ động tham gia và đóng góp tích cực trong xây dựng các “luật chơi” chung trong môi trường quốc tế, qua đó, tăng cường uy tín, vị thế quốc gia và gia tăng sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Ba là, chú trọng xây dựng và tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc.

Đây là nội dung, biện pháp quan trọng và cần thiết để tăng cường sức mạnh tự cường bên trong, là sự vận dụng bài học quý báu về “dựa vào sức mình là chính” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đồng thuận xã hội là sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, giữa các vùng, miền, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung; là sự chia sẻ, phối hợp hài hòa lợi ích tổng thể của quốc gia - dân tộc trong mỗi mục tiêu, chính sách. Điều này còn được thể hiện qua việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để Nhà nước ta thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có đồng thuận xã hội, sức mạnh dân tộc sẽ được nhân lên bội phần, từ đó dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài.

Để xây dựng sự đồng thuận xã hội, cần coi trọng phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, với tư cách là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, Đảng cần không ngừng tự đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc trong lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, bảo đảm lực lượng vũ trang luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân đối với chủ trương, chính sách bảo vệ Tổ quốc để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước.../.

TS LÊ VĂN HẢI
Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

--------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 646

(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 42, tr. 86

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 329

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 487

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 445

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 320

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 445

(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161 - 162