Hàng nghìn người gốc Việt tại Campuchia gặp khó vì quyết định giải tỏa của chính quyền

(Mặt trận) - Chính quyền thành phố Phnom Penh mới đây bất ngờ yêu cầu tháo dỡ toàn bộ nhà nổi ven sông Mekong, trong đó có hàng nghìn người Campuchia gốc Việt đã sinh sống từ đời này qua đời khác.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Đại sứ Vũ Quang Minh (phía trái) tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con tại khu vực bị di dời 

Ngày 4/6 đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia do Đại sứ Vũ Quang Minh dẫn đầu đã có chuyến thị sát, nắm tình hình và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con tại khu vực bị di dời.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Sym Chi, Chủ tịch hội Khmer – Việt Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 1.000 hộ bà con gốc Việt đang sinh sống trên thuyền, bè tại khu vực thủ đô Phnom Penh thuộc diện buộc phải di dời trong ít ngày tới.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có kế hoạch di dời những hộ dân này từ vài năm qua nhưng đây là lần đầu tiên họ ra thông báo yêu cầu bà con phải di dời, đặc biệt chỉ cho thời hạn thực hiện di dời trong vòng 1 tuần, khiến bà con không kịp trở tay.

Mặt khác, quyết định này được đưa ra trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh, khiến bà con lại càng khó khăn hơn.

Ông Phạm Văn Quân, 61 tuổi, một người dân thuộc diện bị giải tỏa cho biết, gia đình ông đã sinh sống tại Campuchia trải qua 4 thế hệ, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp tại Campuchia. Cả mấy thế hệ gia đình ông đều sống bám nhờ sông nước nên không nghĩ đến chuyện tìm đất, lên bờ sinh sống. Nay chính quyền địa phương thông báo phải di dời gấp trong thời gian 1 tuần kể từ ngày thông báo, khiến cả gia đình hoang mang, không biết xoay xở ra sao, chỉ mong chính quyền gia hạn cho thêm thời gian để tính toán thu xếp.

Ông Tô Văn Trọng, đại diện một số hộ dân cho biết gia đình ông cũng như đa số bà con đã sinh sống trên nhà nổi tại khúc sông thuộc quận Prek Pnov, thành phố Phnom Penh này từ năm 1980 sau khi quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng vẫn bám trụ tại đây từ hàng chục năm qua. Nếu buộc phải di dời trong ít ngày tới thì nhiều hộ bà con sẽ rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí nợ nần vì nhiều người vẫn phải đi vay lãi để nuôi cá bè.

Các nhà nổi trên sông thuộc khu vực thủ đô Phnom Penh 

Nguyện vọng của bà con mong muốn chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch di dời hợp lý, tạo điều kiện cho người dân tìm chỗ ở mới và chuyển đổi công việc, không đẩy cuộc sống của bà con đang khó khăn lại càng khó khăn hơn. 

“Bây giờ chúng tôi không thể đi được đường nào hết, từ đây vào Biển Hồ cũng không được ở, lên bờ toàn đất của người ta cũng không có chỗ nào cho mình ở. Trong một tuần lễ chúng tôi không biết đi về đâu. Bè cá mới nuôi được dăm ba tháng, nếu dỡ liền thì không thể nào bán được và lại ngay mùa Covid-19 nữa”, ông Trọng cho biết.

Đại sứ Vũ Quang Minh đã lắng nghe và bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà các hộ gia đình trong diện di dời đang phải đối mặt, động viên bà con giữ bình tĩnh, tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyết định của chính quyền địa phương và cùng tính toán các phương án di dời đến nơi ở mới. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng sẽ cố gắng tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ngày 2/6 vừa qua, Chính quyền thành phố Phnom Penh ra quyết định buộc người dân phải tự tháo dỡ hoặc di dời toàn bộ nhà nổi, bè cá, nhà thuyền trên mặt sông Mekong tại tất cả các quận trên địa bàn thành phố trong vòng 7 ngày. Lý do đưa ra là để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và sức khỏe. Chính quyền cũng tuyên bố sẽ xử lý theo luật pháp những người không tuân theo quyết định trên.

Thời gian trước đây, Chính quyền một số tỉnh khác tại Campuchia như Kampong Chhnang, Pursat cũng đã tiến hành nhiều đợt giải tỏa người dân sinh sống trên sông nước khiến hàng chục nghìn người Campuchia gốc Việt sinh sống lâu đời tại địa phương phải di dời./.