Góc nhìn Việt Nam qua chuyến đi của luật sư Hoàng Duy Hùng, kiều bào tại Mỹ

(Mặt trận) - Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết ghi lại cảm nhận của luật sư Hoàng Duy Hùng, kiều bào tại Mỹ sau chuyến thăm Việt Nam. Luật sư Hoàng Duy Hùng là chủ kênh YouTube "Góc nhìn Hoàng Duy Hùng".

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Khu phố đi bộ ở Hà Nội. Ảnh minh họa. 

Vừa qua, đầu năm 2022, tôi có chuyến đi Việt Nam 76 ngày. Tôi về lại Mỹ vào những ngày đầu của tháng Tư. Tôi đi được các tỉnh Trung và Bắc bộ, 6 tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc. Tôi cũng đã đi Ninh Bình và Nghệ An. Trong Nam, tôi đã đến TP Hồ Chí Minh, Đất Mũi Cà Mau và Tây Ninh.

Tôi có những nhận xét về đất nước Việt Nam thân yêu của tôi như sau:

Thứ nhất, về tình người, tôi thấy người Việt Nam rất tình cảm. Tôi đã được các tầng lớp đón tiếp một cách chân tình. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các vị nguyên lãnh đạo khác đã gặp và có những lời động viên tôi rất sâu sắc để tôi vững tin trên con đường trở về Tổ quốc mà đừng ái ngại, sờn lòng trước bao mũi công phá ở trong cũng như ngoài nước.

Tôi đến các cơ quan chính quyền thì ở đâu cũng niềm nở tiếp đón tận tình, lắng nghe những nhu cầu và góp ý thật tâm của tôi. Đâu đâu tôi cũng thấy mọi người nhiệt tình cổ súy cho Nghị quyết 36 và tinh thần hòa hợp dân tộc trong và ngoài nước. 

Anh bán vé số dạo khuyết tật ở TP HCM đã nói quý mến tôi vì “anh Hùng nhận ra được sự thật để trở về với Tổ quốc nên tôi và đại đa số dân Việt Nam thương mến anh” làm cho tôi xúc động vô cùng.

Kênh YouTube 283k người đăng ký của tôi cho biết, có khoảng 98% ủng hộ, có khoảng 2% chống đối tôi. Sự ủng hộ lớn này cũng nói lên chính sách Hòa hợp Dân tộc của Nghị quyết 36 là đúng với nguyện vọng của đa số người dân Việt Nam. Tình cảm chân tình này, tôi nghĩ khó mà có dân tộc nào bày tỏ ra cách thân thương như thế.

Thứ hai, về vấn đề an ninh, tôi thấy Việt Nam rất thanh bình và an toàn, hầu như tuyệt đối vì không có nạn bạo loạn do tự do mang súng ống xả đạn bừa bãi như ở Mỹ và các nước phương Tây.

Tôi đi dạo Phố đi bộ ban đêm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người đông như nêm cối mà không thấy có bất kỳ sự cố nào, người người vui vẻ trong trật tự, tới gần sáng, đám đông từ từ ra về. Tôi ngồi ở nhà hàng, ở quán café hay quán nhậu đông người mà không có cảm giác bất an như khi tôi ở Mỹ, vì tôi biết không có ai tới xả súng hàng loạt. Đây chính là cảnh thái bình mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Qua tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội, tôi thấy người dân đa số rất tin yêu Đảng Cộng sản vì họ thấu hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam có chủ trương đường lối và sách lược đúng đắn đã đưa đất nước qua khỏi bao khó khăn trở thành một trong 20 quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới hiện nay.  Đương nhiên cũng có thành phần thiểu số “dân chủ cuội” chống đối Đảng, nhưng kỳ này tôi không còn thấy họ tụ tập ở tượng đài Lý Thái Tổ ở Thủ đô Hà Nội như trước đây họ thường làm, cho thấy Việt Nam rất ổn định chính trị để phát triển mọi mặt.

Thứ ba, về mặt nhân quyền, tôi thấy ở Việt Nam theo đơn đảng nhưng dân chủ tập trung và rất quy củ y như tự do lái xe nhưng có làn đi của xe chứ không phải phóng túng bừa bãi gây ra tai nạn. Tôi lại thích kiểu dân chủ tập trung trong đơn đảng này hơn là phóng túng hạ bệ lẫn nhau trong đa đảng mà tôi sinh hoạt ở nước Mỹ: Mỗi lần ra tranh cử là moi móc bịa chuyện nói xấu đối phương, đạp họ xuống để mình tiến lên.

Ngoài vấn đề chính trị ra, tôi lại thấy Việt Nam quá dễ dãi trong vấn đề xã hội để cho tự do ngôn luận đi quá trớn, nhiều người dùng mạng xã hội để khoe “cái tôi” và khi bất đồng một chút với ai đó thì sẵn sàng quy chụp vu khống với những lời chửi thề tục tĩu, mất văn hóa vô cùng. Có người còn mặc áo quân phục với quân hàm lên mạng xã hội mà nói chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân trong khi đó lại quy chụp những người khác đủ thứ tội danh mà không biết rằng ở bất kỳ nước nào khi mặc quân phục của công an, cảnh sát, hay quân đội thì lúc đó phát biểu với tư cách là chức sắc (under the color of law) chứ không còn là phát biểu cá nhân.

Nhưng, tôi thấy các cơ quan liên quan, trong mấy năm trời, không có những biện pháp kỷ luật, hoặc có mà tôi không biết hoặc có kỷ luật trễ, thì cũng lạ.

Có người lại nhân danh là cán bộ về hưu, viết bài cho một tờ báo lưu hành nội bộ, lại luồn lách đưa bài ra ngoài cho những người khác phát tán trên mạng xã hội lập lờ “đánh lận con đen” đó là nhận định chính thức của bộ hoặc cơ quan mà cũng không thấy bộ hoặc cơ quan lên tiếng thì tôi cho rằng tự do ngôn luận như thế là quá trớn cần phải chấn chỉnh ngay trước khi gây những ra những thiệt hại xa hơn. Tôi ủng hộ Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh tay hơn nữa trong việc làm sạch các “rác rưởi”, thông tin độc hại trên mạng xã hội, vì đó mới chính là nhân quyền đúng đắn.

Thứ tư, về vấn đề giáo dục, tôi thấy có nhiều trường đại học quốc tế nổi danh đã có mặt ở Việt Nam cho thấy đất nước đang cùng nhịp bước với các quốc gia đã phát triển trong phạm vi này. Rất tiếc học phí quá mắc nên người dân bình thường khó mà bước chân vào những đại học này. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn vì ở những vùng sâu vùng xa hạ tầng cơ sở cho ngành giáo dục còn yếu và lại thiếu thầy cô nên tôi kiến nghị mong lãnh đạo Việt Nam chú tâm hơn về vấn đề này.

Với mục tiêu canh tân hóa ngành giáo dục cho có chất lượng hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho môn Sử là một tự chọn cho các học sinh trung học cấp 3. Tôi biết ở 2 cấp trước, học sinh đã được đào tạo cơ bản về Lịch sử và vẫn có số đông học sinh cấp 3 chọn môn Sử, nhưng nó không được đồng bộ. Tôi cho rằng như vậy trong tương lai một bộ phận giới trẻ Việt Nam dễ bị lầm đường lạc lối và những thế lực phản động nhân cơ hội đó kích động họ gây ra bất ổn cho đất nước.

Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như lãnh đạo Việt Nam nhận thức tầm quan trọng của môn Lịch sử vì như Bác Hồ đã nói “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” thì việc môn sử là môn học bắt buộc của cấp 3 là một cần thiết cho vận mệnh đất nước trong tương lai.

Thứ năm, về sự phát triển kinh tế, tôi thấy đất nước phát triển mọi mặt, nhiều đường sá mới hoàn thành, nhất là các cao tốc Nội Bài – Lào Cai hay Hà Nội – Hải Phòng thì không thua kém gì ở các nước phát triển. Tôi thấy nhiều cao ốc và nhà nhà mọc lên như nấm từ nông thôn cho đến thành thị. Tôi đến công ty may mặc Itas ở Ninh Bình do chị Hồng Thịnh sáng lập và làm Giám đốc, tôi thấy nhiều hãng thời trang ở Mỹ và Tây phương đã đặt hàng nơi đây cho thấy các công ty của Việt Nam rất có uy tín với thế giới. Như vậy, đối với tôi, Việt Nam đã có nội lực để xây dựng hạ tầng kinh tế thì chắc chắn trong những năm tới Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tôi thấy Việt Nam có một số tồn tại như: Thứ nhất, giá sinh hoạt thì thấp mà giá bất động sản cao ngất thật phi lý. Trường hợp này xảy ra là vì hai lý do: Một, Việt Nam đánh thuế bất động sản quá thấp nên những người có tiền đi “lướt sóng” trên bất động sản kiếm lời nhanh chóng thì bất động sản nóng lên. Hai, các cán bộ thoái hóa biến chất ở một số cơ quan nhà nước cấu kết với doanh nghiệp làm nhiều dự án treo để nhóm lợi ích phân lô bán đất, đẩy đưa bất động sản thành trái bong bóng căng hơi mà không phản ảnh được nhu cầu thực tế của xã hội. Việt Nam cần có chính sách để hạ giá bất động sản như đánh thuế hàng năm vào căn nhà thứ hai trở lên cũng như phải có chính sách tiêu diệt tệ nạn “quy hoạch treo” vô thời hạn hay quá thời hạn.

Tồn tại thứ hai tôi thấy đó là hạ tầng cơ sở của các tỉnh miền núi như đường sá và trường học còn chưa được tốt như các tỉnh và thành phố lớn. Việt Nam cần có những chính sách quan tâm hơn đến các hạ tầng cơ sở của các tỉnh miền núi và cần có những chính sách sáng tạo để các tỉnh miền núi thu hút đầu tư của các công ty nội địa cũng như của thế giới phù hợp với điều kiện, thế mạnh và ưu tiên phát triển của mỗi địa phương.

Tồn tại thứ ba tôi thấy đó là một số quan chức, nhất là tại những vùng xa xôi - nơi quan niệm “phép vua thua lệ làng” còn tồn tại, vẫn lạm dụng quyền lực và người dân thì sợ uy quyền, như trường hợp một công ty xây dựng chở nặng làm cho đường bị cày lên lở loét, và dân ngại không dám nói vì chủ công ty này có liên quan đến một vị quan chức ở địa phương! Theo tôi, công ty đó dùng tài sản quốc gia và làm hư hại thì phải đền bồi, phải trích quỹ ra tu bổ và người dân thì phải “uy vũ bất năng khuất” đưa câu chuyện ra công khai và đề đạt vấn đề đến các vị có trách nhiệm để cho các vị này phải thi hành nhiệm vụ của mình, giải quyết việc làm hỏng đường.

Đó là nhận xét của tôi về những ưu và khuyết điểm trong nước qua chuyến đi vừa qua.

Trở về Houston, tôi nhận xét phản ứng của người hải ngoại như sau:

Thứ nhất, tôi thấy đại đa số người hải ngoại âm thầm ủng hộ chuyến đi của tôi, qua tiếp xúc, qua các tin nhắn và điện thoại riêng, họ cho tôi biết là tôi đã cung cấp cho họ những hình ảnh và nhận xét chân thật về đất nước, không thêm không bớt, nên họ hiểu hơn về đất nước.

Họ nói, nhờ chuyến đi này của tôi, nhìn ra Nghị quyết 36 hòa hợp dân tộc của Đảng là sự thành tâm chớ không phải là chiêu bài dụ dỗ như họ suy nghĩ trước đây. Họ không muốn công khai vì không muốn những thành phần cực đoan chửi bới đánh phá. Những người bạn chống Cộng cực đoan của tôi trước đây có cho tôi biết họ rất rúng động và quyết định âm thầm từ bỏ con đường chống Cộng. Có những người sau hơn 40 năm chưa về Việt Nam thì mùa hè năm nay sẽ về Việt Nam để chứng thực những gì tôi đã truyền tải.

Thứ hai, thiểu số chống đối chuyến đi của tôi nhưng không còn kịch liệt lên mạng nữa. Trong những người lên tiếng chống đối thì chỉ còn lèo tèo vài người như Tôn Thất Sơn ở Na Uy, Phạm Trung Kiên và Đỗ Xuân Sơn ở California, nhưng cách lên tiếng của họ không có lý luận sâu sắc nên không có ảnh hưởng nhiều và bị tôi lập tức làm clips phản biện lại ngay trên mạng nên xẹp xuống liền. Tôi về lại Mỹ trong tháng Tư, tháng mà ở hải ngoại họ hay rêu rao là Tháng Tư đen. Như thường lệ, các cộng đồng như Dallas/Forth Worth, Nam & Bắc California tổ chức Quốc hận 30-4 nhưng Houston chỉ tổ chức Tưởng niệm 30-4.

Từ ngữ rất quan trọng vì “Tưởng niệm 30-4” thì không còn cực đoan như trước nữa, tuy rằng họ vẫn dự trù tổ chức biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán của Việt Nam ở Houston. 

Sau chuyến đi của tôi cộng thêm với nhiều bài tôi liên tục phản biện trên kênh Góc Nhìn Hoàng Duy Hùng, nhiều người cho tôi biết họ không tham gia nữa cái gọi là Quốc hận hoặc Tháng Tư đen và nếu có thì chỉ đi vì văn nghệ và ham vui thôi, thì dự trù con số tham dự năm nay sẽ giảm đi và đó là khuynh hướng trong những năm tới.

Đó là nhận xét của tôi về Việt Nam qua chuyến đi đầu năm 2022. Nhận xét này chắc chắn có những phần chủ quan vì nó là trải nghiệm của bản thân tôi nhưng tôi tin nó phản ảnh sự thật về đất nước và tôi hy vọng nó giúp cho quý độc giả những thông tin chính xác, nhất là những phản ứng ở trong và ngoài nước về chuyến đi này của tôi. 

Houston ngày 23/4/2022.