(Mặt trận) - Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2011, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ukraine đã phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực. Có được những kết quả này phải kể đến vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine trong suốt thời gian qua. Đó không chỉ là những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và với quê hương, mà cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine còn là cầu nối hữu hiệu, nhân tố thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
|
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine_Ảnh: baoquocte.vn |
Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Ukraine
Về quan hệ chính trị, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, Việt Nam và Ukraine đã ký kết nhiều văn bản song phương (tính đến năm 2019 có khoảng 50 văn bản pháp lý song phương ở các cấp). Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Ukraine đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, năm 2011, hai nước đã ký kết Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đưa quan hệ Việt Nam - Ukraine lên tầm cao mới. Theo đó, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, làm cơ sở tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo... Bên cạnh đó, trên các diễn đàn khu vực và đa phương, Việt Nam và Ukraine luôn có sự hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế,
Trong hợp tác kinh tế, thương mại, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng liên tục. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 644,65 triệu USD. Tính trung bình giai đoạn 2017 - 2020, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 31%(1).
Về đầu tư, tính đến tháng 9-2020, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 30,1 triệu USD, đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 6 dự án đầu tư sang Ukraine với tổng vốn đầu tư là 4 triệu USD(2).
Hợp tác khoa học - công nghệ là một trong những lĩnh vực có nhiều triển vọng giữa hai nước. Từ năm 2010, Việt Nam và Ukraine đã triển khai một số đề tài, dự án chung, như “Hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu khinh khí cầu có điều khiển với hình dạng tối ưu”, “Cơ sở địa lý học trong quản lý và khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường theo lưu vực sông phục vụ mục đích phát triển bền vững (sông Hương và sông Bug - Ukraine)”…(3). Kết quả của một số đề tài, dự án hợp tác chung đã được ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của hai nước.
Đối với hợp tác quốc phòng, Ukraine là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Việt Nam và Ukraine đã đặt Cơ quan Tùy viên quốc phòng tại Kiev năm 1994 và tại Hà Nội năm 2003 để thúc đẩy quan hệ giữa hai Bộ Quốc phòng(4). Ukraine cũng cử cán bộ tham gia các lớp học tiếng Việt và khóa học dành cho quan chức quốc phòng các nước tại Việt Nam. Hiện cả Việt Nam và Ukraine đều mong muốn tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trao đổi đoàn các cấp, hợp tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm xây dựng quân đội. Việc hợp tác sâu, rộng hơn nữa trong tình hình mới góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, an ninh biên giới của mỗi nước, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
Để khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam và Ukraine ký kết Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Ngoài ra, hai nước thường xuyên tổ chức những ngày văn hóa, tuần lễ văn hóa, triển lãm tranh ảnh, hội thảo giới thiệu về đất nước, con người của mỗi nước.
Trong hợp tác giáo dục, năm 2021 có 30 suất học bổng Chính phủ Ukraine dành cho Việt Nam, bao gồm: 25 suất học bổng đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ, 5 suất học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ theo các khối ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn(5). Nhằm tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo, năm 2018, Trung tâm hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo Việt Nam - Ukraine (CUVC) đã được thành lập.
Một số đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine
Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine hình thành, phát triển gắn liền với quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước. Đây là cộng đồng gồm nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, các khuynh hướng chính trị, nhóm nghề nghiệp khác nhau. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine đang từng bước ổn định, hòa nhập vào đời sống xã hội và có nhiều đóng góp ngày càng to lớn, thiết thực và đa dạng hơn, trong đó phải kể đến vai trò thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Ukraine. Đề cập đến khía cạnh này, Bà Yulia Kovaliv, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Phát triển kinh tế và thương mại Ukraine cho rằng, người dân Việt Nam hiện sinh sống ở Ukraine đang góp phần quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hai nước, là một lực lượng tiềm năng thúc đẩy kinh tế Ukraine.
Trên thực tế, mặc dù người Việt Nam tại Ukraine chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng có những tác động quan trọng đến thị trường lao động, có thể góp phần làm thay đổi phân phối thu nhập của quốc gia và ảnh hưởng đến các ưu tiên đầu tư của Ukraine. Với tư cách là người tiêu dùng, họ còn góp phần làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nước, nước ngoài, do đó ảnh hưởng đến giá cả và mức sản xuất, cũng như cán cân thương mại của Ukraine.
Ngoài ra, người Việt Nam tại Ukraine còn sớm đầu tư vào sản xuất, dịch vụ và đã đạt được nhiều thành công, tạo việc làm và đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế địa phương. Các Tập đoàn Technocom ở Kharkov, Công ty VESNA-Z ở Ternov, Công ty Vinasun ở Kaniev thuộc Tsercas, Công ty Svit Print ở Kiev là của người Việt Nam tại Ukraine. Tại Ternov và Kaniev, các công ty trên đã xây dựng hai nhà máy sản xuất mì ăn liền, thực phẩm, tạo hàng nghìn công ăn, việc làm cho người địa phương(6). Nổi bật hơn cả là Tập đoàn Technocom. Từ khi được thành lập vào thập niên đầu thế kỷ XXI với một cơ sở sản xuất nhỏ, cùng vài chục công nhân, Technocom đã trở thành một tập đoàn lớn mạnh với nhiều nhà máy hiện đại, trong đó có một số nhà máy được đặt tại Ukraine, Việt Nam và Ba Lan. Các nhà máy sản xuất thực phẩm ăn nhanh và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga, Ba Lan, các nước vùng Baltic, Czech, Ðức, với số lượng đáng kể. Bên cạnh đó, có khá nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ khác của cộng đồng người Việt Nam đang hoạt động tại Ukraine, như Sun City Plaza, Nhà hàng Hương Việt, Nhà hàng G7 của Công ty Vinaprogress và Trung tâm ẩm thực Á Châu(7).
Không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Ukraine, cộng đồng người Việt Nam còn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ukraine thông qua các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, một trong những hình thức mà người Việt Nam đóng góp cho quê hương đó là nguồn kiều hối. Trong các năm 2017, 2018, số lượng kiều hối gửi về Việt Nam lần lượt là 13,8 tỷ USD và 15,9 tỷ USD. Năm 2019 là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới(8). Tuy vậy, nguồn kiều hối từ người Việt Nam tại Ukraine chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lượng kiều hối về Việt Nam, chủ yếu đầu tư cho sản xuất. Tập đoàn Technocom đã cùng một số doanh nghiệp khác đầu tư về quê hương hàng chục triệu USD, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ngoài kiều hối, người Việt Nam sau khi trở về từ Ukraine, không chỉ sử dụng nguồn tài chính mà còn cả vốn văn hóa, xã hội có được khi sinh sống ở Ukraine - còn được gọi là “kiều hối xã hội” trong các hoạt động phát triển kinh tế. Đó là những kỹ năng mà người Việt Nam thu được trong thời gian ở nước ngoài như thông thạo ngoại ngữ, trình độ học vấn và kỹ năng kinh doanh, những điều này rất quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam(9).
Cùng với đó, cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine góp phần làm tăng nguồn cung vốn nhân lực và lan tỏa chất xám. Với truyền thống hiếu học của dân tộc, đội ngũ trí thức người Việt Nam ở Ukraine ngày càng tăng, nhất là những người thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4(10). Người Việt Nam ở Ukraine được đào tạo ở trình độ đại học và trên đại học, nhiều người là chuyên gia kỹ thuật có tay nghề cao, có kiến thức cập nhật về khoa học - công nghệ, quản lý kinh tế..., đã có những đóng góp thiết thực vào việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho hoạt động phát triển trong nước. Đóng góp chuyên môn chủ yếu trên các lĩnh vực tư vấn trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, nhất là trong các ngành kinh tế, khoa học, chuyển giao công nghệ, giáo dục - đào tạo; làm cầu nối hợp tác, tìm kiếm nguồn đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước…
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song, cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine là một trong số những cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thành công với việc giữ gìn tiếng Việt, văn hóa và bản sắc dân tộc trong thế hệ trẻ, không chỉ xây dựng được thương hiệu, uy tín, duy trì phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam, mà còn tạo dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của Hội người Việt Nam, đồng thời thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền sở tại. Người Việt Nam tại Ukraine là nhân tố quan trọng, là cầu nối thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết giữa hai dân tộc Việt Nam và Ukraine(11). Cộng đồng người Việt Nam được công nhận là 1 trong 53 cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Odessa - là một trong các khu vực ở Ukraine có cộng đồng người Việt Nam sinh sống đông đảo. Với nỗ lực hình thành Khu đô thị Làng Sen ở Odessa, cộng đồng người Việt Nam không chỉ có đóng góp vào việc ổn định địa vị pháp lý của mình mà còn góp phần vào quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách sinh động tới bạn bè Ukraine và châu Âu(12).
Người Việt Nam cũng đã coi Ukraine là quê hương thứ hai và mong muốn được chia sẻ và hỗ trợ người dân nước sở tại trong những giai đoạn khó khăn. Các chiến dịch từ thiện được tổ chức hằng năm ở một số địa phương của Ukraine trong những giai đoạn khủng hoảng hay những hoạt động đóng góp thiết thực cho nước sở tại trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đồng thời, người Việt Nam tại Ukraine mặc dù đang gặp phải những khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng họ luôn hướng về Tổ quốc, chia sẻ, đồng hành và ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong nước. Người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Ukraine nói riêng, luôn thắp sáng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sức mạnh gắn kết cộng đồng, đồng lòng góp sức cùng quê hương trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Để thúc đẩy hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine
Đối với Ukraine, việc thực hiện các khuôn khổ pháp lý về di cư dựa trên nhu cầu của thị trường lao động sẽ giúp Ukraine tăng tỷ lệ nhập cư hợp pháp của người Việt Nam nói riêng và người nhập cư nói chung. Bên cạnh đó, việc giám sát, theo dõi các biến động của chỉ số thị trường lao động cùng với việc xây dựng cơ chế tham vấn, đặc biệt là với khu vực tư nhân, có thể hỗ trợ cho hệ thống quản lý di cư của Ukraine. Điều này góp phần làm tăng đáng kể sự đóng góp của người Việt Nam (người nhập cư) vào nền kinh tế của Ukraine. Do đó, Ukraine cần điều chỉnh chính sách di cư phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Việc điều chỉnh các chính sách di cư cũng thúc đẩy khả năng lao động của người Việt Nam nói riêng, người nhập cư nói chung, như mở rộng các dịch vụ việc làm, đào tạo và tạo cơ hội học tập suốt đời để nâng cao các kỹ năng lao động, khuyến khích đầu tư của người Việt Nam bằng cách dỡ bỏ các rào cản đầu tư và thành lập doanh nghiệp, tối đa hóa đóng góp tài chính của người Việt Nam thông qua hỗ trợ tăng trưởng của khu vực chính thức hoặc mở rộng cơ sở thuế và các khoản đóng góp từ khu vực phi chính thức.
Ukraine cũng cần đưa ra các chính sách nhằm tăng cường bảo vệ quyền của người di cư và chống phân biệt đối xử. Bởi điều kiện sống và làm việc của người nhập cư nói chung, người Việt Nam nói riêng có mối liên hệ chặt chẽ với cách thức mà họ đóng góp cho nền kinh tế của nước sở tại. Do đó, các cơ quan công quyền cũng như các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động ở các nước nói chung và của Ukraine nói riêng cần ưu tiên bảo vệ quyền của người nhập cư, ngăn chặn mọi hình thức kỳ thị, phân biệt chủng tộc.
Sự thiếu hụt các chính sách tạo điều kiện cho sự hòa nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sự gắn kết xã hội và làm giảm khả năng đóng góp của cộng đồng người Việt Nam vào sự phát triển của nước sở tại, cũng như vai trò của họ trong gắn kết, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ukraine. Do đó, Ukraine cần có chính sách toàn diện nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập xã hội, trong đó cần lưu ý đến vai trò của chính quyền địa phương trong thúc đẩy thực hiện chính sách.
Đối với Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều nỗ lực trong việc phát huy sự tham gia xây dựng đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine nói riêng. Với việc triển khai Nghị quyết 36/NQ-TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” và việc thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19-5-2015, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong tình hình mới”, Việt Nam đã hình thành được hệ thống khung pháp lý và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thực của người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để kiều bào yên tâm đóng góp cho quê hương. Bên cạnh đó, công tác vận động kiều bào đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú gắn liền với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước. Những hoạt động trên góp phần khuyến khích, động viên kiều bào về nước làm ăn, ngày càng có nhiều dự án đầu tư về nước.
Đánh giá về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong tình hình mới, báo cáo Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW (tháng 11-2020) đã khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 18% trong vòng 5 năm - tính đến năm 2020). Trong 5 năm gần đây, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD (tăng trưởng trung bình 6%/năm), góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước(13).
Trong 5 năm tới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục lớn mạnh về số lượng, mở rộng hơn về địa bàn và có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, cuộc sống của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn còn khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc; một số tổ chức hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức, kinh phí hoạt động, việc ban hành và triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập…
Quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số /NQ-TW và Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, sự tham gia xây dựng đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, người Việt Nam ở Ukraine nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng của kiều bào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số định hướng: (1) Tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ; (2) Tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; (3) Tăng cường các biện pháp mang tính căn cơ, lâu dài nhằm hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài (như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại, triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn để đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại)(14); (4) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; (5) Đẩy mạnh việc phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài; (6) Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức dạy và học tiếng Việt, tăng cường hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc…(15).
Đặc biệt, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài(16).
Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine hình thành và phát triển gắn liền với quá trình phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và trong tổng thể quan hệ Việt Nam với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ngày nay. Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine có tính tổ chức cao, khả năng hội nhập tốt, song tiềm lực kinh tế vẫn còn hạn chế so với mức thu nhập bình quân của người dân của nước sở tại. Với gần 10.000 người Việt Nam tại Ukraine(17), cộng đồng đang có những đóng góp thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại cũng như với quê hương. Trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Ukraine với tư cách đối tác toàn diện, là điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine ổn định và phát triển, tiếp tục là nhân tố quan trọng góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vị thế đất nước, là cầu nối hiệu quả thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ukraine ngày càng phát triển sâu rộng./.
--------------
(1) Trúc Thanh Lê: “Báo Ukraine nói về tiềm năng hợp tác với Việt Nam và mong muốn mở rộng trên các lĩnh vực”, ngày 9-4-2021, https://ngkt.mofa.gov.vn/bao-ukraine-noi-ve-tiem-nang-hop-tac-voi-viet-nam-va-mong-muon-mo-rong-tren-cac-linh-vuc/
(2) Uyên Hương: “Việt Nam và Ukraine thúc đẩy hợp tác tăng trưởng thương mại”, ngày 25-1-2021, https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-va-ukraine-thuc-day-hop-tac-tang-truong-thuong-mai/691504.vnp
(3) Bộ Khoa học và Công nghệ: “Việt Nam - Ucraina: Thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực khoa học và công nghệ”, ngày 20-8-2012, https://www.most.gov.vn/cchc/tin-tuc/493/5478/viet-nam---ucraina--thuc-day-hop-tac-ve-linh-vuc-khcn.aspx
(4) Duy Trinh: “Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Ukraine”, ngày 13-12-2019, https://www.vietnamplus.vn/ky-niem-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-tai-ukraine/612902.vnp
(5) Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Thông báo tuyển sinh du học tại U-crai-na diện Hiệp định năm 2021”, ngày 22-2-2021, http://icd.edu.vn/372/thong-bao-tuyen-sinh-di-hoc-tai-ucraina-dien-hiep-dinh-nam-2021.html/BPF/vi-VN/CMS_Cat/Thong-Tin-Tuyen-Sinh/CMS_Detail/1918
(6), (7) Vũ Dương Huân: “Nét độc đáo của người Việt Nam ở Ukraine”, ngày 17-10-2015, https://nhandan.vn/nguoi-viet-xa-xu/net-doc-dao-cua-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-ukraine-420580
(8) Thanh Hoa: “Đón dòng chảy kiều hối”, ngày 10-12-20219, http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/don-dong-chay-kieu-hoi-316355.html
(9) Grazyna Szymanska Matusiewicz: “Vietnamese from Eastern Europe as a transnational migrant community”, https://www.academia.edu/9059920/Vietnamese_from_Eastern_Europe_as_a_Transnational_ Migrant_Community
(10) The Consular Department of the Ministry of Foreign Affairs of Viet Nam: “Review of Vietnamese migration abroad”, May 2021, https://eeas.europa.eu/archives/delegations/vietnam/documents/eu_vietnam/vn_migration_abroad_en.pdf
(11) VOVNEWS: “Kiều bào đóng góp tích cực vào quan hệ Việt Nam - Ukraine”, ngày 5-10-2011, http://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/kieu-bao-dong-gop-tich-cuc-vao-quan-he-viet-namukraine-56059-97.html
(12) Dương Trí: “Nỗ lực xây dựng cộng đồng người Việt tại Ukraine vũng mạnh, đoàn kết”, ngày 5-8-2019, https://www.vietnamplus.vn/no-luc-xay-dung-cong-dong-nguoi-viet-tai-ukraine-vung-manh-doan-ket/587385.vnp
(13), (15) Mai Khôi: “Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45 - CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, ngày 27-11-2020, http://danvan.vn/Home/Nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/13078/So-ket-05-nam-thuc-hien-Chi-thi-so-45-CTTW-ve-cong-tac-doi-voi-nguoi-Viet-Nam-o-nuoc-ngoai
(14), (16) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác của người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”
(17) Duy Trinh: “Covid-19 và điểm tựa người Việt tại Ukraine”, ngày 30-3-2021, https://baoquocte.vn/covid-19-va-diem-tua-nguoi-viet-tai-ukraine-140757.html
Trịnh Thị Hiền
Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Theo Tạp chí Cộng sản