Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài

(Mặt trận) - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nâng cao hiệu quả vận động, đoàn kết, tập hợp đồng bào hội nhập xã hội sở tại, gắn kết cộng đồng, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước và luôn hướng về trong nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga _Ảnh: TTXVN 

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài qua các thời kỳ cách mạng

Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp quan trọng, luôn đồng hành, sát cánh cùng đồng bào trong nước, góp phần vào thắng lợi chung. Hội đoàn chính là “điểm tựa”, là lực lượng “nòng cốt” trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vận động kiều bào hướng về quê hương.

Hiện nay, có hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 1.000 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới, trong đó trên 500 hội đoàn có sự gắn bó mật thiết với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Có thể nói, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển cả về số lượng và thành phần tại nhiều khu vực với hình thức, tính chất hoạt động đa dạng, phong phú, cơ cấu tổ chức tiếp tục được kiện toàn, củng cố. Đại đa số các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đều tích cực triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, tạo sự gắn kết, duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, lan tỏa niềm tự hào dân tộc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, công tác hội đoàn nói riêng. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, Đảng luôn xác định phương thức lãnh đạo phù hợp đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động sự đóng góp của kiều bào cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp gây dựng các phong trào Việt kiều yêu nước, sau đó phát triển thành các hội Việt kiều yêu nước. Trong bối cảnh cục diện thế giới lưỡng cực, đấu tranh ý thức hệ trở thành lý do khiến chính quyền một số nước cấm hội Việt kiều yêu nước hoạt động, nên các hội đoàn chủ yếu hoạt động bí mật. Trước tình hình đó, Đảng trực tiếp lãnh đạo các hội đoàn thông qua lực lượng cốt cán gồm những người yêu nước, đảng viên và trí thức với hình thức chủ yếu là tuyên truyền, thuyết phục, vận động. Các tổ chức cơ sở đảng ở nước ngoài cũng chịu sự quản lý và lãnh đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Mục tiêu cao nhất trong giai đoạn này là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và hoạt động tích cực của những cốt cán, phong trào yêu nước do các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài phát động đã huy động mạnh mẽ sự tham gia của kiều bào, hỗ trợ tích cực phong trào cách mạng ở trong nước. Như tại Thái Lan, hơn 6.000 kiều bào tham gia trực tiếp kháng chiến trong lực lượng vũ trang tại mặt trận Lào. Nhiều người đã hy sinh cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Nhiều sinh viên Việt Nam du học tại các nước phương Tây đã dấy lên phong trào phản chiến, đòi độc lập, tự do cho đất nước. Phần đông những sinh viên cốt cán sau này là trụ cột trong các phong trào Việt kiều yêu nước.

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và bước vào giai đoạn xây dựng, phát triển, nhưng đây cũng là thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các hội Việt kiều yêu nước tìm cách thay đổi phương thức hoạt động, tiến hành đại hội đổi tên thành hội người Việt Nam để thu hút hội viên, mở rộng hoạt động. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, hoạt động của các tổ chức hội Việt kiều yêu nước chững lại và một số đi vào thoái trào. Trong cộng đồng bắt đầu hình thành một số hội đoàn mới với mục đích tăng cường giao lưu, hỗ trợ, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống ở nước sở tại. Đến nay, khi cuộc sống của bà con ổn định hơn, nhu cầu gắn kết cộng đồng với quê hương ngày càng tăng, rất nhiều hội đoàn được thành lập, hoạt động với sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và được chính quyền sở tại công nhận.

Trong bối cảnh đó, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn cũng có sự điều chỉnh phù hợp. Chỉ thị số 09/CT-TW, ngày 4-10-1982, của Ban Bí thư về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh: Phong trào Việt kiều yêu nước là một lực lượng quần chúng cách mạng người Việt Nam ở nước ngoài, là chỗ dựa của Đảng và Nhà nước ta trong công tác vận động đồng bào ta ở nước ngoài, là người trợ thủ trên mặt trận chính trị và ngoại giao của ta ở nước ngoài.... Chỉ thị cũng nêu rõ sự cần thiết kiện toàn tổ chức các phong trào Việt kiều yêu nước... củng cố và phát triển các hội người Việt Nam yêu nước... tổ chức lực lượng nòng cốt làm hạt nhân lãnh đạo phong trào. Mặc dù Đảng ta vẫn chủ trương hỗ trợ lực lượng nòng cốt là kiều bào tiến bộ trong cộng đồng, nhưng không trực tiếp như trước, mà tập trung định hướng, hỗ trợ và đồng hành cùng các hoạt động của hội đoàn với hình thức tuyên truyền, thuyết phục, vận động cả về vật chất và tinh thần. Mục tiêu chung là xây dựng cộng đồng đoàn kết, phát triển, hội nhập vào xã hội sở tại và hướng về quê hương, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ khi hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ củng cố và phát triển các tổ chức xã hội làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, như Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các hội thân nhân kiều bào và các hình thức tập hợp chính đáng khác, phù hợp với ý nguyện và đặc điểm của cộng đồng ở địa bàn cư trú. Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19-5-2015, của Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng cốt trong cộng đồng; nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg, ngày 6-6-2008, của Thủ tướng Chính phủ đề ra nhiệm vụ tổ chức, thành lập các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tại địa bàn có thể triển khai được, định hướng và phát triển các hoạt động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

 Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu trao Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho 8 em học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, tập hợp đoàn kết cộng đồng và có những hoạt động nổi bật hướng về quê hương đất nước 

Tình hình mới đặt ra những yêu cầu mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài

Hiện nay, tình hình thế giới và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang đặt ra những yêu cầu mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn.

Về tình hình thế giới, cục diện thế giới đang chuyển dần sang đa cực, đa trung tâm; tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh giữa các nước diễn ra phức tạp; các nước có chế độ chính trị##- xã hội khác nhau vừa hợp tác, vừa đấu tranh cùng tồn tại hòa bình. Trong bối cảnh đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài cần nhấn mạnh hơn vào mục tiêu huy động sự tham gia của kiều bào nhằm góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; huy động nguồn lực đóng góp trực tiếp cho phát triển đất nước; đồng thời, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước sở tại, qua đó giúp nâng cao vị thế đất nước.

Về tình hình trong nước, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố và tăng cường; quan hệ giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu. Do vậy, bên cạnh việc vận động các hội đoàn hướng về quê hương, Đảng ta xác định trách nhiệm chăm lo, hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kiều bào, nâng cao vị thế, uy tín trong xã hội sở tại. Điều này cũng đặt ra yêu cầu mới đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cấp ủy, tổ chức đảng ở nước ngoài, bên cạnh triển khai các mặt ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, cần quan tâm và chú trọng hơn việc triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Về tình hình cộng đồng và hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài: Sự lớn mạnh, mở rộng về địa bàn, hình thành các thế hệ mới người Việt Nam ở nước ngoài với tính đa dạng, phức tạp về thái độ chính trị đòi hỏi Đảng ta cần tăng cường vai trò lãnh đạo, định hướng, dẫn dắt đối với các hội đoàn.

Những năm gần đây, nhiều tổ chức hội đoàn mới được thành lập và đóng vai trò lớn hơn trong việc đoàn kết, tập hợp cộng đồng, trong đó đã và đang xuất hiện thêm các tổ chức liên quốc gia. Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg, ngày 6-6-2008, của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) thẩm định và ra quyết định chuẩn y danh sách ban chấp hành các hội trên cơ sở giới thiệu của các hội và cơ quan đại diện ngoại giao tại địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai còn mang tính hình thức và ít tính định hướng, lãnh đạo. Bên cạnh đó, việc thí điểm công nhận các chi hội người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của một số tổ chức chính trị - xã hội trong nước như chỉ đạo tại Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị chưa đạt được kết quả như mong muốn, do chưa có cơ chế và hướng dẫn cụ thể(1).

Một điểm đáng chú ý khác là, các hội đoàn truyền thống tiếp tục được kiện toàn về tổ chức, nhưng đang gặp khó khăn trong việc duy trì và mở rộng hoạt động, xây dựng nòng cốt và phát triển thế hệ kế cận. Thế hệ lãnh đạo nòng cốt đa số đã cao tuổi, sức khỏe yếu, trong khi đó thế hệ trẻ lại quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống mưu sinh, chưa tích cực tham gia công tác hội đoàn nói riêng và các hoạt động cộng đồng nói chung. Việc xây dựng lực lượng nòng cốt, tìm kiếm các hạt nhân trong phong trào cộng đồng đã và đang đặt ra những vấn đề cấp bách trong công tác hội đoàn.

Mặt khác, hiện chưa có cơ chế về hỗ trợ nguồn lực các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị yêu cầu: Nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng cốt trong cộng đồng và vấn đề này đã được thảo luận nhiều, nhưng đến nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa đề cập tới việc hỗ trợ các hội đoàn và lực lượng nòng cốt. Chính vì vậy, hầu hết kinh phí duy trì và tổ chức các hoạt động của hội đoàn do bà con tự đóng góp hoặc huy động từ các nguồn tài trợ. Do nguồn lực có hạn, công tác hội đoàn mới chỉ dừng lại ở việc động viên, khuyến khích về mặt tinh thần; chưa đáp ứng được nhu cầu về hỗ trợ kinh phí, tổ chức các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương, đất nước của bà con... Ở một số nơi, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chưa quan tâm đúng mức tới việc gây dựng và phát triển lực lượng nòng cốt trong cộng đồng. Điều này ảnh hưởng tới việc định hướng, hỗ trợ và đồng hành các hoạt động của hội đoàn, nhất là các hội đoàn của sinh viên và người lao động - lực lượng nòng cốt để triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam cực đoan ở nước ngoài liên tục thay đổi hình thức hoạt động, ngày càng tinh vi hơn, ra sức lợi dụng những vấn đề “nóng, bất cập” ở trong nước để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Các phần tử cực đoan thường xuyên chống phá, đe dọa, tìm cách phá hoại những hội đoàn, cá nhân tích cực.

Trước tình hình nêu trên, Đảng và Nhà nước đã đặt ra những yêu cầu mới về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và công tác hội đoàn nói riêng. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, thời gian tới cần “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn” công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” đã yêu cầu những nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới phải thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó có yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hoạt động, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt trong cộng đồng.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài

Tình hình mới và những yêu cầu nêu trên đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và các hội đoàn nói riêng, thể hiện trên một số phương diện chính sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua nghị quyết và các định hướng chủ trương, chính sách lớn về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Đảng lãnh đạo Nhà nước tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách liên quan đến việc hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm, có đông người Việt Nam, nhất là về vấn đề nguồn lực, kinh phí. Đối với một số hội đoàn hoạt động hiệu quả, có ảnh hưởng với chính quyền sở tại, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước, cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí theo cơ chế đặc thù trên nguyên tắc các hội hoạt động tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải tài chính, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, trong trao đổi với chính quyền các nước, cần tiếp tục vận động chính quyền tạo điều kiện cho hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động, đóng góp cho nước sở tại, cho phép người Việt Nam ở nước ngoài thành lập hội phù hợp với luật pháp nước sở tại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài.

Về dài hạn, trên cơ sở tổng kết 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần tính tới việc ban hành nghị quyết mới của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Thứ hai, đổi mới công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, trong đó quan tâm, động viên cả về vật chất và tinh thần.

Trước hết, cần đổi mới nội dung, phương thức và tư duy công tác thông tin, tuyên truyền tới người Việt Nam ở nước ngoài và các hội đoàn. Về tư duy, coi kiều bào vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của công tác thông tin, tuyên truyền. Về nội dung, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng của cán bộ hội đoàn, hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt chú trọng quán triệt các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về công tác đại đoàn kết dân tộc nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính cộng đồng và các hội đoàn. Điều hết sức quan trọng là cần kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng cách thức phù hợp đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài nhằm nuôi dưỡng và phát huy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào. Về phương thức, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông điện tử chính thống từ trong nước, các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng số, các phương tiện truyền thông xã hội để các tổ chức và cá nhân hội đoàn có thể tiếp cận nguồn tin chính thống, khách quan mọi lúc, mọi nơi. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời, đấu tranh phản bác có hiệu quả trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình đất nước.

Ngoài ra, cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thuyết phục, vận động người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và các hội đoàn nói riêng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Thông qua chủ trương chăm lo của Đảng, Nhà nước, cần tăng cường các biện pháp thuyết phục tổ chức và cá nhân kiều bào, cả về vật chất và tinh thần. Tăng cường vai trò đồng hành, định hướng hoạt động đối với các hội đoàn, không can thiệp quá sâu, chỉ đạo, áp đặt, không hành chính hóa hoạt động của các hội đoàn. Chú trọng đối thoại trực tiếp, tiếp xúc với các bên nhằm giải quyết những mâu thuẫn hiện có trong nội bộ một số hội đoàn. Do đặc thù cộng đồng ở mỗi địa bàn không giống nhau, trong công tác vận động, lãnh đạo của Đảng đối với hội đoàn cần có những cách tiếp cận phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa bàn, tăng cường tính định hướng, đồng hành, không áp đặt một mô hình chung. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện, phát huy quyền tự chủ, tự quản, chủ động, sáng tạo của các hội đoàn.

Về đối tượng, các biện pháp thuyết phục, vận động cần tập trung hướng tới lực lượng nòng cốt, kiều bào trẻ, người có uy tín, ảnh hưởng và kiều bào còn định kiến. Trong đó, tiếp tục triển khai các chính sách khen thưởng, động viên các hội đoàn, cá nhân lãnh đạo hội, cán bộ nòng cốt có nhiều thành tích trong xây dựng cộng đồng và đóng góp cho đất nước; chú trọng tổ chức các hoạt động ý nghĩa, hướng về cội nguồn dành cho thanh niên kiều bào để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó, yêu quê hương, đất nước; vận động và phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân kiều bào có uy tín, ảnh hưởng trong tập hợp, đoàn kết cộng đồng. Đối với những tổ chức và cá nhân kiều bào còn định kiến, cần có những biện pháp mang tính tổng thể và chủ động hơn nhằm mở rộng phạm vi tiếp xúc, kiên trì vận động, thuyết phục trên cơ sở gia tăng điểm tương đồng, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết dân tộc, đó là: Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn thông qua các tổ chức đảng, đảng viên ở nước ngoài và bằng công tác tổ chức, cán bộ.

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan đại diện đối với công tác hội đoàn. Sau khi Đảng bộ Ngoài nước hợp nhất với Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo Quyết định số 209-QĐ/TW, ngày 26-11-2019, của Bộ Chính trị, hiện Đảng ủy Bộ Ngoại giao là cấp ủy phụ trách trực tiếp các đảng bộ, chi bộ cơ sở ở ngoài nước. Hiện nay, có gần 11.000 đảng viên đang làm việc, học tập, sinh sống ở nước ngoài, được bố trí sinh hoạt tại 69 tổ chức đảng ở cơ sở, gồm 30 đảng bộ và 39 chi bộ, cùng hơn 500 tổ chức đảng trực thuộc. Đây chính là lực lượng nòng cốt trực tiếp thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh chi bộ, đảng bộ tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các đảng viên sinh hoạt trong các đảng bộ bộ phận, chi bộ ở nước sở tại, như chi bộ lưu học sinh, lao động xuất khẩu, chuyên gia,... phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu, luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tích cực đầu tư, chăm lo xây dựng tổ chức đảng ở những nơi có đông kiều bào sinh sống, nhiều học sinh, sinh viên, lao động xuất khẩu... Đảng ủy, chi bộ cơ quan đại diện có trách nhiệm giữ mối liên hệ và lãnh đạo chặt chẽ các tổ chức đảng và đảng viên nơi có đông người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống.

Về công tác tổ chức, cán bộ, cần nâng cao vai trò chuyên trách, quản lý nhà nước thống nhất về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để có một cơ quan chuyên trách xứng tầm, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của kiều bào. Tăng cường lực lượng và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác cộng đồng; trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp tại nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Thực tiễn cho thấy, các cơ quan đại diện nào có cán bộ chuyên trách cộng đồng hoặc có thành lập ban công tác cộng đồng, công tác người Việt Nam ở nước ngoài ở đó được triển khai tích cực, chủ động, sáng tạo. Vì vậy, mô hình ban công tác cộng đồng tại các cơ quan đại diện cần được nhân rộng ở các địa bàn, đặc biệt là những nơi có đông người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống.

Bên cạnh đó, cần tập trung chăm lo, củng cố, xây dựng các tổ chức hội đoàn truyền thống vững mạnh, khuyến khích các hình thức tập hợp mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, dân chủ, công khai, minh bạch. Kiện toàn bộ máy ban chấp hành, chú trọng vận động những kiều bào là đảng viên, kiều bào nòng cốt, có uy tín, ảnh hưởng tham gia ban chấp hành và tích cực đóng góp cho công tác hội đoàn, qua đó kịp thời nắm được diễn biến tư tưởng của các hội viên, phục vụ việc chuẩn y ban chấp hành hội đoàn sát với tình hình thực tiễn, cũng như bảo đảm định hướng hoạt động của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, cần chú trọng, chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ; đồng hành, định hướng hoạt động của các hội sinh viên, hội lưu học sinh, du học sinh, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong việc thu hút và gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, vận động để thu hút thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hội đoàn, tạo dựng đội ngũ lãnh đạo hội đoàn kế cận. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội đoàn, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng dân vận; phát huy vai trò sự nhiệt tình, gương mẫu của cán bộ hội đoàn.

Thứ tư, đổi mới và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, công tác hội đoàn nói riêng.

Nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng là căn cứ để đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của tổ chức đảng, đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Do vậy, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm minh và phát huy được vai trò giám sát của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài. Kịp thời xử lý những trường hợp đảng viên ở nước ngoài vi phạm quy định của Đảng.

Như vậy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay để Đảng ta tăng cường sự lãnh đạo, quan tâm, hỗ trợ, dẫn dắt nhằm xây dựng các hội đoàn mạnh, giàu sức sống, phát huy hiệu quả vai trò đoàn kết và tập hợp đông đảo đồng bào, xứng đáng là “điểm tựa” trong công tác vận động kiều bào hướng về quê hương, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng./.

Phạm Quang Hiệu
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

-------------------

(1) Hiện nay mới chỉ có 4 Ban cán sự Đoàn tại Nga, Cu Ba, Lào và Trung Quốc trực thuộc Trung ương Đoàn; 11 Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Hung-ga-ri, Hàn Quốc, Thái Lan, Xin-ga-po, Áo, Ôx-trây-li-a trực thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; 4 Hội Thanh niên - sinh viên tại Nhật Bản, Mỹ, Séc và Ru-ma-ni là thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.