Điềm tĩnh trong bão, đó là Việt Nam

(Mặt trận) - Đó là nhận xét của truyền thông quốc tế khi nói về việc Việt Nam chống đại dịch COVID-19. Nhiều bài báo cho rằng, Việt Nam từng làm nên những điều thần kỳ thì nay lại tiếp tục có thêm một điều thần kỳ nữa trong khi thế giới chao đảo vì COVID-19. Đó chính là điều phi thường của Việt Nam, khi là nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông với Trung Quốc- nơi khởi phát dịch bệnh. Làm được điều đó thực sự phải là “thần kinh thép”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Người dân đeo khẩu trang nơi công cộng nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Nguồn: AFP. 

Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử nhân loại khi thế giới đánh giá dịch COVID-19 là thảm họa kinh hoàng nhất kể từ sau Thế chiến 2. Nhưng trong tình thế đó, vẫn có một Việt Nam bình tĩnh từng bước đẩy lùi đại dịch bằng những quyết sách, bằng sự vào cuộc kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Điều này được truyền thông thế giới đánh giá cao.

Hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) đã có bài viết mà từ tiêu đề đến các câu hỏi đặt ra trong bài đều như lời khẳng định. Đó là “Việt Nam đã chiến thắng trong ‘cuộc chiến’ chống virus SARS-CoV-2 như thế nào?”; “Bằng cách nào Việt Nam có thể giữ tỷ lệ mắc COVID-19 thấp như vậy?”. Còn Hãng tin Ðức DPA thì cho rằng “biện pháp ứng phó của Việt Nam có thể được xem như bài học cho các nước trong cuộc chiến chống đại dịch”. Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đăng bài viết đánh giá Việt Nam trở thành “ngọn hải đăng”, với hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.

Nước Pháp, nơi dịch bệnh đang diễn ra vô cùng căng thẳng thì tuần báo l’Obs quả quyết, Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu trong cuộc chiến này. Việt Nam, một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, thể hiện được vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn.

Giãn cách xã hội nhưng lại gắn kết xã hội

Ngày 16/4, National Public (Mỹ), đăng bài viết của ông John MacArthur- Giám đốc Văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Thái Lan, với nhận xét trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á có hàng nghìn ca mắc COVID-19 thì Việt Nam đã nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới. “Chính sự minh bạch cùng với quyết tâm chính trị nhất quán đã giúp Việt Nam làm nên thành công này”- ông John viết và cho rằng, đó cũng là thành công nhờ kinh nghiệm đối phó với các đại dịch trước đó, sự quyết liệt trong thực hiện giãn cách xã hội, quyết tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, được triển khai nhất quán từ cấp Trung ương xuống địa phương.

Tác giả bài viết mô tả tại các thành phố lớn của Việt Nam, đường phố thường ngày tấp nập thì trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội gần như vắng bóng xe cộ qua lại. Khi những tác động về kinh tế của việc giãn cách xã hội ngày càng rõ ràng, một số doanh nhân đang đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện. Những cây “ATM gạo” xuất hiện ở nhiều nơi để phân phát gạo miễn phí cho những người thất nghiệp.

Cũng nói về biện pháp cách ly, giãn cách xã hội rất quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam, trang mạng Lenta.ru của Nga cho rằng đối với cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 Việt Nam xứng đáng nhận được đánh giá cao từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, phản ứng sớm của Việt Nam đối với khủng hoảng là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công. Lenta.ru dẫn lời Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park rằng: “Việt Nam đã phản ứng với sự bùng phát dịch bệnh này từ sớm và tích cực. Nghiên cứu đánh giá rủi ro đầu tiên được Việt Nam thực hiện từ đầu tháng 1 - ngay sau khi bắt đầu có những thông tin về các trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc”.

Lenta-ru cũng cho rằng sự giãn cách xã hội như một biện pháp bắt buộc để chống dịch lại đã gắn kết xã hội khi người dân đã thể hiện tính kỷ luật của mình, vì cộng đồng.

Các nhân viên y tế xét nghiệm nhanh cho những người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Hà Nội hôm 31/3 (Ảnh: Reuters) 

“Giải mã” sự thành công của Việt Nam

Trong những cơn sóng truyền thông nhiều chiều về đại dịch COVID-19, truyền thông Mỹ đã dành sự chú ý lớn khi nói về cách thức và hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam. Nhiều bài viết đã tìm cách “giải mã” vì sao Việt Nam ghi nhận tương đối ít ca mắc COVID-19 và chưa có bất kỳ trường hợp tử vong nào (cho đến thượng tuần tháng 4).

Đài NPR (Mỹ) ngày 16/4 có bài: “Tại Việt Nam, số ca mắc COVID-19 ít hơn 300 người và không có ca tử vong. Đâu là lý do?”. NPR đã dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, “kinh nghiệm đối phó với các đại dịch trước đây, việc thực thi nghiêm ngặt các chính sách giãn cách xã hội từ sớm và hành động quyết liệt của các nhà lãnh đạo” đã giúp Việt Nam đạt được thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

 “Việt Nam đã nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp, bao gồm cách ly trên diện rộng và tích cực truy tìm những người tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Việt Nam rất minh bạch trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh”- NPR đưa tin và cho biết, những người vi phạm quy định về chống dịch tại Việt Nam đều bị xử lý nghiêm.

Trước đó 1 ngày, ngày 15/4, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đưa tin, “Sự minh bạch và chủ động ứng phó của Việt Nam trước đại dịch COVID-19 đã nhận được sự ca ngợi từ cả trong nước và quốc tế”. Theo Foreign Policy, số người được xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với hầu hết các nước Đông Nam Á. Ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát tại nước láng giềng Trung Quốc hồi tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả, trở thành nước đầu tiên trong khu vực hạn chế đi lại với Trung Quốc. Khi tâm dịch chuyển sang châu Âu, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo cách ly xã hội và triển khai một trong những chiến dịch cách ly lớn nhất thế giới đối với những người từ nước ngoài trở về; đồng thời đóng cửa các trường học và các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Đáng chú ý, theo Foreign Policy, “Chính phủ Việt Nam rất minh bạch với người dân về cuộc khủng hoảng dịch bệnh”. Các Bộ trưởng họp báo hàng ngày và các bài phát biểu được chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Các nhà mạng gửi tin nhắn thường xuyên để cập nhật tình hình dịch bệnh cho người dân. Những cảnh báo về y tế của Chính phủ Việt Nam thậm chí còn được dịch cho người nước ngoài.

Cũng trong xu hướng “giải mã”, truyền thông của nước Đức cũng có nhiều bài viết về cách Việt Nam chống COVID-19.

Ngày 18/4, nhật báo Junge Welt (Thế giới trẻ) của Đức có bài viết giải thích lý do số người mắc COVID-19 ở Việt Nam ít hơn đáng kể so với nhiều nước châu Âu và Mỹ. Đó là do Việt Nam đã tiến hành cách ly tập trung nhanh chóng những người nhiễm SARS-CoV-2, cũng như áp dụng các biện pháp thích hợp trong việc cách ly các trường hợp tiếp xúc. Dù đã kiểm soát được tình hình nhưng Việt Nam vẫn duy trì những quy định nghiêm ngặt để chống dịch, như tiếp tục đóng cửa các trường học, nhà trẻ cũng như các cửa hàng, cửa hiệu, ngoại trừ những nơi bán thực phẩm và đồ thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, việc đeo khẩu trang khi ra ngoài là bắt buộc, trường hợp vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Bài báo cũng viết rằng ở Việt Nam, khi một người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì sẽ ngay lập tức tiến hành xác định các trường hợp tiếp xúc và thực hiện cách ly.

Tờ Byline Time của Anh cũng đã đề cập đến mô hình kim tự tháp 4 tầng về nhận dang và cách ly đã giúp Việt Nam khống chế COVID-19.

Bài viết đã đánh giá Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19 bằng một tầm nhìn xa và sớm để đánh mạnh và tấn công sớm chống lại đại dịch - tờ báo viết.

Vào ngày 28.1, khi nước này chỉ ghi nhận hai trường hợp, chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng họ đang lên kế hoạch triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus từ trứng nước.

Để so sánh, vào ngày 31.1, Vương quốc Anh đã báo cáo ca mắc COVID-19 đầu tiên, song Chính phủ Anh phải mất 7 tuần để cuối cùng mới đóng cửa đất nước - tờ Byline Times cho hay.

Chính phủ Việt Nam vẫn còn ghi nhớ những bài học về lịch sử đại dịch của chính mình. Việt Nam tập trung vào xét nghiệm hàng loạt và truy tìm dấu vết tiếp xúc - một chiến thuật mà nước này đã sử dụng để chiến đấu với SARS 17 năm trước. Chỉ khác là lần này ở quy mô lớn hơn nhiều.

Việt Nam áp đặt các hạn chế ngay lập tức, ngay cả trước khi các khuyến nghị giãn cách xã hội của WHO được công khai. Chính phủ Việt Nam cấm các chuyến bay quốc tế và bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang. Tính đến ngày 1.5, Việt Nam đã xét nghiệm cho 275.000 người và cách ly hàng chục nghìn người.

Phương pháp xét nghiệm và truy vết của Việt Nam dựa trên sơ đồ kim tự tháp 4 tầng về nhận dạng và cách ly

Tầng 1: Xác nhận bệnh nhân COVID-19, cách ly những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và điều trị tại bệnh viện.

Tầng 2: Cách ly những người tiếp xúc gần với những người ở tầng 1.

Tầng 3: Tự cách ly tại nhà những người tiếp xúc gần với những người thuộc tầng 2.

Tầng 4: Phong toả khu phố, làng xã, thị trấn nơi có bất kỳ trường hợp bệnh nhân dương tính nào được báo cáo.

Theo các cấp độ theo dõi khổng lồ này, Việt Nam hiện đã xét nghiệm gần 800 người cho mỗi ca nhiễm mới - tỷ lệ cao nhất thế giới. Việt Nam cũng đã có thể tự sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm

Chính sách ngăn chặn virus trước khi nó lây lan thậm chí còn quyết liệt hơn. Việt Nam bắt buộc công khai lịch sử đi lại của mỗi bệnh nhân mới trên phương tiện truyền thông xã hội và trên báo chí địa phương để xác định danh tính những người đã tiếp xúc gần.

Việt Nam cũng phát triển một ứng dụng để người dân có thể thông báo cho chính quyền địa phương về các trường hợp nghi nhiễm ở khu vực của họ.

Tất cả khách du lịch vào Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc, ai khai báo sai bị phạt hình sự. Việt Nam cũng huy động quân đội để phối hợp cung cấp vật tư, thuốc men, thực phẩm, vận chuyển và bố trí chỗ ở cho những người bị cách ly.

Với sự siêng năng được xây dựng từ hàng thập kỷ kinh nghiệm đối phó với đại dịch và dịch bệnh, Việt Nam biết biện pháp nào hiệu quả và biện pháp nào không có tác dụng. Giống như tất cả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và kiểm soát bệnh tật, tầm nhìn xa là vũ khí hiệu quả hơn nhiều so với nhận thức muộn màng. Với COVID-19, Việt Nam đã tập trung vào tầm nhìn xa - tờ Byline Times kết luận.

Nhìn chung, truyền thông Âu - Mỹ đều đánh giá rất cao tinh thần, bản lĩnh cũng như các biện pháp của Việt Nam đưa ra, được duy trì nhất quán ròng rã trong nhiều tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện dịch. Việt Nam đã “đóng cửa từ bên ngoài để dập dịch tốt ở bên trong”. Tất cả những biện pháp được Chính phủ đưa ra người dân đều thực hiện nghiêm túc. Chính sự ủng hộ tuyệt đối của người dân là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát tốt không để dịch bệnh bùng phát.

Bên trong một phòng thí nghiệm của công ty Việt Á (Ảnh: Reuters) 

“Phép màu Việt Nam”

Ngày 19/4, trang tin “Mùa Xuân nước Nga” (Rusvesna) đăng bài viết có tiêu đề “Phép màu Việt Nam - cách một dân tộc dũng cảm đánh bại đại dịch khủng khiếp”; khẳng định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Bài viết cho biết, tuy mật độ dân số đông nhưng mật độ lây nhiễm tại Việt Nam rất thấp, trong khi tỉ lệ bệnh nhân được chữa khỏi cao, và đặc biệt là không có trường hợp tử vong (tính đến thời điểm ngày 19/4 khi bài báo xuất bản). Bài báo trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” và trước đó, ngay khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam hồi tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”.

Theo bài báo, nguyên nhân giúp Việt Nam giảm số người lây nhiễm là sự minh bạch thông tin và phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ và người dân. Ngay cả khi xuất hiện nhiều ca nhiễm “nhập khẩu” từ nước ngoài vào, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế, không để trở thành “điểm nóng”. Bài báo kết luận, tất cả những biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ đã được người dân Việt Nam ủng hộ và thực hiện.

Cũng trong ngày 19/4, nhật báo Le Figaro (Pháp) đã có bài viết đề cao “phép màu” của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Cũng như Le Figaro, tờ “Journal du dimanche” cho rằng thành công của Việt Nam trong chống dịch COVID-19 là điều thần kỳ. Từ giữa tháng 1, một ủy ban xử lý khủng hoảng đã được thành lập, tập hợp các bộ ban ngành, giới bác sỹ và khoa học để đưa ra những dự đoán về sự bùng phát của COVID-19. Trong một cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu “chống dịch như chống giặc”, được cả nước cùng vào cuộc.

So sánh với các nước châu Á khác như Hàn Quốc và Singapore, tờ Financial Times cho rằng, Việt Nam không có đủ phương tiện tài chính để chống dịch. Do đó, đất nước 94 triệu dân này đã thực hiện một chiến lược được đánh giá là “chi phí thấp” nhưng lại rất hiệu quả. Đó chính là “phép màu” đã được người Việt Nam chứng minh.

Nỗ lực được chuyên gia quốc tế ghi nhận

Giới chuyên gia lý giải rằng thành công mà Việt Nam đạt được là nhờ những hành động nhanh chóng, quyết đoán khi giới hạn việc nhập cảnh, đưa hàng chục nghìn người đi cách ly và khoanh vùng, truy vết những ca nghi nhiễm bệnh với tốc độ nhanh chóng.

“Các bước đó có thể dễ mô tả bằng lời nhưng rất khó để thực hiện, và họ đã thành công trong việc áp dụng lần này qua lần khác”, chuyên gia Matthew Moore từ trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho hay. Ông Moore - người đã hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc chống dịch COVID-19 từ đầu tháng 1 - cho biết, CDC “tin tưởng mạnh mẽ” vào nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng y tế của Việt Nam.

Việt Nam tăng số lượng phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19 từ 3 vào tháng 1 lên 112 vào tháng 4. Tính tới giữa tuần qua, Việt Nam thực hiện 213.743 xét nghiệm. Theo Reuters, để tìm ra một ca dương tính, Việt Nam đã xét nghiệm 791 người - con số cao nhất trên thế giới.

Trong khi đó, đại diện tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Kidong Park cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy dịch bệnh đã bùng phát vượt ngoài con số thống kê của chính phủ.

Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế thị trường mở cửa, đội ngũ lãnh đạo và sự sẵn lòng hợp tác của người dân là một vài yếu tố giúp Việt Nam thành công.

Chuyên gia Guy Thwaites, giám đốc đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) của Anh, cho rằng Việt Nam đã đưa ra các chính sách toàn quốc và thực thi một cách nhanh chóng. Phòng thí nghiệm do ông Thwaites quản lý cũng đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc xử lý các xét nghiệm COVID-19.

Ông Thwaites cho hay số ca dương tính mà phòng thí nghiệm do ông quản lý phát hiện tương đương với dữ liệu từ chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, Reuters cũng đã liên lạc với 13 nhà tang lễ ở Hà Nội và xác nhận rằng không có bất cứ sự tăng vọt nào về số ca tử vong trong thời gian qua. Một nhà tang lễ cho biết các cơ sở này thậm chí còn vắng vẻ hơn trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội, vì số lượng tai nạn giao thông đã giảm.

Todd Pollack, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của đại học Harvard (Mỹ) đang công tác tại Hà Nội, cho biết, chưa tới 10% số ca dương tính với COVID-19 ở Việt Nam trên 60 tuổi. Toàn bộ các bệnh nhân được giám sát kỹ càng ở các cơ sở y tế và được chăm sóc tốt, theo ông Pollack.

Krutika Kuppalli, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và chuyên gia an ninh sinh học tại trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins  (Mỹ) cho rằng, Việt Nam “đã phản ứng một cách tuyệt vời với việc xét nghiệm, cách ly”.