Covid quay trở lại lần thứ 4: Chiến lược vaccine là then chốt, trọng yếu

(Mặt trận) -Bằng chủ trương, chiến lược chống dịch linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn, trong đó có việc xác định bao phủ vaccine thông qua chiến lược vaccine là then chốt, trọng yếu, Việt Nam đã có niềm tin để chiến thắng.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt, vinh danh 8 tập thể, 18 cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu năm 2024

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi điện mừng tới Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh

Hơn 6 tháng chống dịch cam go kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, đoàn kết chính là sức mạnh nội sinh để cả nước từng bước vượt qua dịch bệnh. Cùng với đoàn kết là các chiến lược quan trọng đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra một cách linh hoạt, kịp thời, thích ứng với diễn biến của từng giai đoạn dịch bệnh. Và xuyên suốt chặng đường cam go chống dịch, chiến lược vaccine với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong ngoại giao vaccine, hợp tác chuyển giao công nghệ để tự chủ sản xuất vaccine được coi là biện pháp- niềm tin để Việt Nam chiến thắng, từng bước kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường. Đây là nội dung bài 2 trong loạt bài với nhan đề “Chiến lược vắc xin – niềm tin chiến thắng”.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và  Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự Lễ tiếp nhận vaccine và thiết bị y tế của Cuba tại sân bay Nội Bài.

Khác với các đợt dịch trước, đợt bùng phát dịch Covid 19 lần thứ tư đã diễn ra khốc liệt khi biến chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng. Từ một vài ca mắc xuất hiện cuối tháng 4, đã nhanh chóng thành hàng trăm ca chỉ sau một tuần, với tâm dịch đầu tiên là 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Rồi từ vài chục ca mắc tại thành phố HCM đã lập tức nhân lên thành hàng trăm ca chỉ sau vài ngày đó.

Đến đầu tháng 7, số ca mắc Covid 19 đã ghi nhận vượt lên 4 con số và nhân lên gấp đôi chỉ trong 1 tuần, nhảy vọt lên tới 5 con số, ở mức 10.774 ca mắc mới một ngày vào thời điểm cuối tháng 7 và đỉnh điểm là vào những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, số ca mắc Covid 19 có  ngày tới hơn 17 nghìn ca. Hai đầu tàu kinh tế của đất nước là Hà Nội và TPHCM, rồi các tỉnh công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai... đều phải đóng cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Lúc này, công tác chống dịch của Việt Nam được thực hiện với công thức: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân cùng các trụ cột: Xét nghiệm, cách ly, điều trị; đồng thời kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công. Trong đó vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch COVID-19. Với mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chiến lược vaccine.

 TP.HCM trở thành tâm tịch lớn nhất cả nước với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.

3 tháng trước đây, lần đầu tiên, Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 thần tốc với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam được chính thức phát động, với mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 75 triệu người, với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Một tháng trước đó, Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 đã được thành lập để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccnie của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Tại buổi ra mắt Quỹ, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động: "Đất nước chúng ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cần sự chung tay góp sức bằng tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng, xã hội. Hôm nay thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch. Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa cho sự an toàn hơn cho bản thân, gia đình chúng ta, cho cộng đồng và cả xã hội.  Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19".

 Thủ tướng dự lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống Covid-19

Thời điểm phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, Việt Nam mới có gần 4 triệu liều vaccine từ nguồn viện trợ của Liên minh Covax và nguồn mua để tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Xác định, bằng mọi cách phải bao phủ được vắc xin cho người dân để làm cơ sở đưa cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường mới, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước không quản ngày đêm, liên tục có các cuộc gặp gỡ, điện đàm với lãnh đạo các nước, các tập đoàn dược phẩm, tranh thủ tối đa mọi cơ hội tiếp cận nguồn cung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba và tham dự Phiên toàn thể thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tại Hoa Kỳ đã có nhiều hoạt động để tìm kiếm nguồn vaccine cho Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao cũng vậy. Chạy đua với thời gian, nỗ lực không ngừng nghỉ để đem lại kết quả cực kỳ quan trọng đó là lượng vaccine về Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Tính đến đầu tháng 10 này, ngoại giao vaccine đã mang về cho đất nước hơn 60 triệu liều vaccine. Dự kiến đến đầu tháng 11, Việt Nam sẽ tiếp nhận gần hơn 40 triệu liều từ các nguồn ngoại giao và nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Thứ nhất, tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vaccine, đưa hoạt động kinh tế- xã hội và cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể. Thứ hai, khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân. Cần đẩy mạnh ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.

 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói về ngoại giao vaccine.

Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, không ai đứng ngoài việc tiếp cận vaccine”, đến đầu tháng 10, cả nước đã có hơn 50 triệu người được tiêm phòng mũi 1; 14 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Một số địa phương vùng dịch đã bao phủ được 80% đến trên 95% người dân được tiêm phòng vaccine mũi 1. Từ tâm lý mong chờ, cho đến niềm vui và cả niềm tin vào vắc xin đã thể hiện rõ qua mỗi mũi tiêm phòng vaccine xin quý giá.

Sau 90 ngày cao điểm thực hiện chiến dịch tiêm phòng với hàng vạn nhân viên y tế  ngày đêm “ăn, ngủ” cùng vaccine để tiêm cho nhân dân, đến thời điểm này, hiệu quả của những mũi tiêm đã có thể nhìn thấy rõ khi số ca tử vong trung bình khoảng 300 ca/ngày tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh trước đây, nay đã giảm ở mức 2 con số. Số ca mắc trung bình cả nước từ 10 nghìn ca/ngày xuống còn trên dưới 4 nghìn ca/ngày. Số bệnh nhân nặng cũng giảm khoảng 40%. Dự kiến từ nay đến ngày 15/10, gần 20 nghìn y bác sỹ miền Bắc chi viện cho tâm dịch TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam sẽ được trở về nhà, mang theo niềm vui từng bước đẩy lùi được dịch bệnh.

Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Bằng chủ trương, chiến lược chống dịch linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn, trong đó có việc xác định bao phủ vaccine thông qua chiến lược vaccine là then chốt, trọng yếu, Việt Nam đã có niềm tin để chiến thắng, như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một sự kiện gần đây: "Chúng ta phải có niềm tin đẩy lùi dịch bệnh mang lại bình an sức khỏe cho nhân dân và phát triển đất nước phồn vinh. Niềm tin ấy do hành động của mỗi chúng ta, niềm tin ấy là của mỗi chúng ta và niềm tin ấy là của đất nước chúng ta, của truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng, qua cuộc chiến này, chúng ta lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn, vững vàng hơn để xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh".

Rõ ràng chiến lược vaccine đang mang đến niềm tin chiến thắng cho công cuộc phòng chống dịch cam go. Chính nhờ tinh thần đoàn kết, chiến lược vắc xin, cùng các biện pháp linh hoạt, thích ứng với điều kiện dịch bệnh, những ngày tháng 10 này, nhiều địa phương đã bắt đầu khôi phục lại các hoạt động kinh tế, xã hội, trở lại với cuộc sống bình thường mới. Vậy nhưng cần làm gì để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất kinh doanh an toàn? Làm thế nào để tiếp tục kiên trì “mục tiêu kép” và đạt được hiệu quả như kỳ vọng? VOV.VN sẽ đăng bài 3 trong loạt bài với nhan đề “Thích ứng linh hoạt với Covid 19, tăng tốc phát triển kinh tế”./.

Theo Thúy Ngà – VOV1