Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp đại diện cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand

(Mặt trận) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand, chiều 5/12, tại thủ đô Wellington, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp đại diện cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Đại sứ  Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cho biết hiện nay hầu hết những thành phố có người Việt Nam sinh sống ở New Zealand đều có các hội đoàn. Là một cộng đồng nhỏ, bà con luôn phát huy truyền thống đoàn kết, các hội đoàn được thành lập khá lâu và duy trì hoạt động, thể hiện rõ nhất trong thời điểm đại dịch vừa qua, cùng với hỗ trợ trong cộng đồng, bà con còn tích cực đóng góp hỗ trợ người dân trong nước phòng, chống dịch. 

Tháng 5 vừa qua, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Tổng hội sinh viên toàn New Zealand đã được thành lập, là thành viên của Hội sinh viên Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hội người Việt tại thủ đô Wellington phát biểu cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand khoảng 10-11.000 người, trong đó có khoảng 7.500-9.000 người định cư lâu dài, còn lại là du học sinh; 70% bà con sinh sống ở Auckland, còn lại sinh sống rải rác ở các thành phố khác. 

Kiều bào luôn hướng về quê hương, đất nước, chấp hành pháp luật New Zealand, cùng giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Hằng năm các hội đoàn đều tổ chức gặp mặt ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc với mục đích là kết nối bà con giao lưu, gặp gỡ, để thế hệ trẻ người Việt ở New Zealand có sân chơi, nhớ về quê hương cũng như truyền thống văn hoá của dân tộc. Đây cũng là dịp để giới thiệu bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Ông Nguyễn Văn Thái bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm thúc đẩy hơn nữa giao lưu kinh tế giữa hai đất nước, công tác người Việt Nam ở nước ngoài để bà con có thêm nhiều hoạt động giao lưu.

Bác Nguyễn Đình Hai, thay mặt cộng đồng Phật tử chùa Thiên Thai tại thủ đô Wellington bày tỏ vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn thăm chính thức New Zealand ngay sau khi mở cửa hoàn toàn sau đại dịch. Bác Đình Hai bày tỏ phấn khởi, với nỗ lực của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động hiệu quả của Quốc hội, đất nước đã đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội; cho rằng buổi gặp gỡ thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội đến đời sống kiều bào sống xa Tổ quốc.

Sinh viên Hà An Nguyên, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam toàn New Zealand cho biết, trong khoảng thời gian trước khi Hội sinh viên ra đời, cộng đồng sinh viên Việt Nam chưa có sự gắn kết chặt chẽ, Hội được thành lập để đảm nhận sứ mệnh này, thường tổ chức toạ đàm trực tuyến hỗ trợ sinh viên có nhu cầu sang New Zealand học tập, gắn kết sinh viên cũng như định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ khi cần…

Tại buổi gặp, chị Huỳnh Thị Diễm Thuý, làm việc tại công ty xuất nhập khẩu, trong đó có thực phẩm hữu cơ (organic) từ Việt Nam và xuất khẩu sữa non, da cừu về Việt Nam… cho rằng, hai nước có những Hiệp định thương mại tự do chung nên rất thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Chị Thuý bày tỏ mong muốn lãnh đạo cấp cao, các cấp, bộ, ngành tăng trao đổi, tiếp xúc cũng như tổ chức diễn đàn kinh tế, giáo dục… để góp phần thúc đẩy số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập cũng như quảng bá hàng hoá, nông sản của Việt Nam đến bản thân người tiêu dùng cuối cùng tại New Zealand.

Chị Nguyễn Khánh Lê bày tỏ niềm vui mừng, xúc động khi lần đầu tiên tham gia cuộc gặp mặt với Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, cảm động khi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với cộng đồng, sinh viên, học sinh đang du học tại New Zealand. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của bà con, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên thăm chính thức New Zealand trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII bầu ra Ban Lãnh đạo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020 và khi hai nước kiểm soát đại dịch COVID-19, mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Nhấn mạnh, mối quan hệ hai nước đã phát triển trên chặng đường dài 47 năm, đang hướng tới mốc kỷ niệm tròn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, New Zealand tuy là quốc gia có quy mô dân số nhỏ (khoảng trên 5 triệu người) nhưng có chỉ số phát triển con người cao, có vị thế, vai trò quan trọng trên trường quốc tế... Việt Nam là nước đầu tiên New Zealand thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trong cuộc hội kiến với Toàn quyền Dame Cindy Kiro cùng ngày, Toàn quyền đánh giá cao vị thế của Việt Nam, khẳng định quyết tâm, nỗ lực đẩy mạnh quan hệ hai nước.

Chia sẻ một số hoạt động diễn ra trong chuyến thăm chính thức New Zealand lần này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng cho biết đã gặp một số doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thành công tại New Zealand, có kiều bào chia sẻ kế hoạch nhập khẩu sản phẩm có xuất xứ Việt Nam để mở trung tâm bán hàng và siêu thị điện máy gia dụng tại New Zealand. Có kiều bào thì chia sẻ ý tưởng mong muốn tập hợp những người làm công nghệ thông tin ở New Zealand sau đó kết nối với trong nước. Nhấn mạnh hợp tác giáo dục hai nước là lĩnh vực trọng yếu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với 2.700 sinh viên theo học tại New Zealand, con số này sẽ ngày càng tăng. Đây là những “nhịp cầu văn hoá, hữu nghị”, kết nối giao lưu nhân dân hai nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn còn là dịp để thúc đẩy hợp tác giáo dục và kinh tế hai nước do giáo dục tại New Zealand có tính cạnh tranh cao, nền kinh tế hai đất nước có tính bổ sung cho nhau. Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước thực chất và sâu sắc, quy mô lớn hơn để hiệu quả lớn hơn trong nhiều lĩnh vực như: Lao động, giáo dục, đào tạo, nhất là khi New Zealand rộng hơn 260.000 km2, dân số hơn 5 triệu người, nhu cầu lao động rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Chia sẻ với bà con cho rằng kim ngạch hai nước hướng tới 2 tỷ USD là vẫn còn là khiêm tốn (hiện năm 2021 là 1,3 tỷ USD), Chủ tịch Quốc hội cho biết, kim ngạch năm nay của Việt Nam dự kiến vượt con số hơn 700 tỷ USD, riêng nông sản xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, thuộc top 20 trên thế giới về xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước là nền tảng, hai bên chia sẻ với nhau nhiều giá trị chiến lược, không chỉ song phương mà còn trong khuôn khổ khu vực và thế giới. Nhân dân hai nước dành cho nhau tình cảm tốt đẹp. Trên nền tảng đó lấy kinh tế, thương mại, đầu tư làm động lực để phát triển.

Chia sẻ với ý kiến của bà con về mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh không chỉ thúc đẩy ở cấp cao, giữa các cơ quan lập pháp, giữa chính phủ, ở cấp trung ương mà còn ở cấp địa phương với nhau, có thể thông qua thoả thuận hợp tác kết nghĩa các địa phương

Về bức tranh tổng thể của quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, từ nay đến năm 2025 sẽ tròn nửa thế kỷ hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dấu mốc để phấn đấu và tổng kết hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước và cùng nhìn tiếp về nửa thế kỷ sau trong phát triển mối quan hệ song phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, mới đây,  nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Jacinda Ardern, New Zealand chính thức mở cửa thị trường đối với quả bưởi, chanh của Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, Việt Nam mở cửa thị trường đối với quả bí ngô, dâu tây của New Zealand; đồng thời cho rằng với quyết tâm của hai bên, hoạt động trao đổi, kinh doanh giữa hai nước ngày càng phong phú hơn.

Chia sẻ Toàn quyền New Zealand Dame Cindy Kiro đã có những nhận xét, dành tình cảm tốt đẹp đối với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng cộng đồng có hội đoàn thành lập sớm, trong từng cấp từ địa phương đến toàn quốc. Bà con đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau và luôn hướng về quê hương, đất nước. Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới cũng đã đề cập đến nội dung này. Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh Đại sứ quán Việt Nam cần thiết lập dữ liệu, làm tốt công tác cộng đồng, quan tâm công tác bảo hộ công dân.

Nhắc lại câu nói “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng ở New Zealand tiếp tục đoàn kết, hợp tác ngay từ trong từng cộng đồng nhỏ, gìn giữ và phát huy tiếng Việt, văn hoá Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đồng thời cho biết, với vai trò và vị thế của đất nước trong cộng đồng quốc tế ngày càng nâng cao, trong điều kiện thế giới hiện nay có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn đòi hỏi nỗ lực quyết tâm để đạt những mục tiêu phát triển. 

Chủ tịch Quốc hội mong bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau; tuân thủ các quy định pháp luật của New Zealand, tô đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè sở tại, tiếp tục đóng góp tâm huyết và trí tuệ cho công cuộc phát triển đất nước và trở thành cầu nối vững chắc cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội thông báo một số nét lớn của Kết luận số 12, trong đó nhấn mạnh tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng, đồng thời tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương. Bên cạnh đó, Kết luận 12 khẳng định việc tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài; triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ kiều bào; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh; đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt, về thiết chế văn hoá cho cộng đồng ở nước sở tại …