Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

(Mặt trận) - Chiều 15.8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường thực hiện Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và kế hoạch hành động Việt Nam – Hoa Kỳ tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kỷ niệm 20 năm thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ IV

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cảm ơn Hoa Kỳ đã sớm gửi thông điệp chia buồn về sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Tổng thống Joe Biden đã có bức thư chia buồn sâu sắc và cử Ngoại trưởng Blinken trực tiếp sang Việt Nam chia buồn với gia đình và Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam, thể hiện tình cảm sâu sắc dành cho cá nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan hệ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược; hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục cam kết ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng; nhấn mạnh, thời gian tới, hai bên cần tăng cường thực hiện Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và kế hoạch hành động Việt Nam – Hoa Kỳ tiến tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Đánh giá cao những đóng góp tích cực của Đại sứ Marc Knapper trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có việc chuẩn bị chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden vào tháng 9.2023, Chủ tịch Quốc hội mong Đại sứ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đạt kết quả như mong đợi của cả hai bên.  

Đại sứ Marc Knapper trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dành thời gian tiếp; cho biết, Tổng thống Joe Biden dành tình cảm và sự quan tâm chân thành đối với đất nước và Nhân dân Việt Nam. Nhấn mạnh những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho quan hệ hai nước, Đại sứ Marc Knapper cho rằng, hai bên có chung trách nhiệm nỗ lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới; khẳng định cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Đại sứ Marc Knapper cũng cho rằng, thành quả quan hệ hai nước hiện nay có sự đóng góp quan trọng của người dân hai nước và đặc biệt là quan hệ mạnh mẽ giữa Quốc hội hai nước. Đại sứ trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường sự hiểu biết giữa thành viên hai Quốc hội; đồng thời hoan nghênh và mong muốn sẽ có thêm nhiều Đoàn của Quốc hội Việt Nam sang thăm, làm việc tại Hoa Kỳ, xem đây là những cơ hội để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng nhận thấy, từ sau khi quan hệ song phương được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, các cơ quan hữu quan hai nước đã tích cực phối hợp triển khai khuôn khổ quan hệ mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn sôi động ở tất cả các kênh, các cấp, có nội dung thực chất. Kinh tế - thương mại - đầu tư là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đóng vai trò động lực quan trọng cho nền tảng quan hệ chung giữa hai nước với kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm; 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đã vượt ngưỡng 66,1 tỷ USD.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Quốc hội hai nước thời gian gần đây đã tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau. Về phía Việt Nam, gần đây nhất đã có các Đoàn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh... thăm, làm việc tại Hoa Kỳ. Về phía Hoa Kỳ, 6 tháng đầu năm nay cũng đã có 6 đoàn thăm Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đại sứ Marc Knapper nhất trí cho rằng, tiềm năng, dư địa hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế...; mong Đại sứ tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa Quốc hội hai nước, tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, giám sát việc thực hiện các thoả thuận hợp tác giữa hai nước.

Với sự am hiểu về tình hình Việt Nam và uy tín cá nhân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ Marc Knapper thúc đẩy các cơ quan của Hoa Kỳ: tiếp tục xem xét tích cực công nhận Quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam; sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị hạn chế xuất khẩu về công nghệ cao; tiếp tục dành ưu tiên cao cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; tăng ngân sách khắc phục các điểm nóng dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và tìm kiếm, định danh hài cốt liệt sĩ Việt Nam; ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế đa phương như Liên Hợp Quốc, APEC...

Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper bày tỏ hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về tầm quan trọng của việc hiện thực hóa Tuyên bố chung và các trụ cột hợp tác của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ; cho biết, sẽ tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành liên quan theo hướng tích cực để sớm công nhận Quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam và sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị hạn chế xuất khẩu về công nghệ cao.

Cho rằng, những kết quả đạt được vừa qua mới chỉ là khởi đầu, Đại sứ Marc Knapper tin tưởng, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành công hơn nữa.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đại sứ Hoa Kỳ  cũng đã trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải - hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.