Bác Hồ trong trái tim kiều bào

(Mặt trận) - Cứ mỗi dịp tháng Năm về, những người con đất Việt lại nhớ về Bác bằng cả tình cảm tôn kính, lòng biết ơn vô hạn. Đặc biệt với những người Việt xa xứ, có lẽ sau lá cờ Tổ quốc Việt Nam được tô thắm bằng máu đỏ của biết bao thế hệ ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc, thì hình ảnh Bác Hồ chính là hình ảnh thân thương, thiêng liêng nhất của hai tiếng “quê hương”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Việt Nam-Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện

Hội nghị trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm công tác Mặt trận giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBTƯ Mặt trận Lào xây dựng đất nước

Bác Hồ nói chuyện với kiều bào tại Pháp năm 1946 (Ảnh tư liệu) 

Một tháng Năm nữa lại về và có lẽ đây cũng là tháng Năm vô cùng đặc biệt và ý nghĩa khi cả thế giới vẫn đang trong những thăng trầm do đại dịch Covid-19 hoành hành. Dẫu cuộc sống có nhiều biến động nhưng với rất nhiều người dân Việt Nam, tháng Năm sẽ mang họ trở về với một miền ký ức đậm sâu khi cả nước kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019).

Sinh thời Bác Hồ luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt, bởi đó là một phần “máu thịt của quê hương” đang sống xa đất nước. Còn với kiều bào, sâu thẳm trong tâm can, tiềm thức của họ, hai tiếng “cố hương” vẫn luôn hiện hữu, trường tồn.

NGƯỜI GẮN KẾT QUÁ KHỨ - HIỆN TẠI - TƯƠNG LAI

Ngay từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau đó, nhiều đảng viên và các vị lãnh đạo của Đảng đã vận động, xây dựng cơ sở cách mạng ở Pháp, Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác với sự đùm bọc, chở che của bà con ta ở nước ngoài.

Trong những năm 1918-1923, khi đang sống và hoạt động tại Pháp, Người đã hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Năm 1919, cùng với việc gửi bản Yêu sách tám điểm đến Hội nghị Versailles đòi quyền dân tộc tự quyết cho nhân dân Việt Nam, Người còn biên soạn theo thể văn vần và bỏ tiền ra in để tuyên truyền rộng rãi trong kiều bào tại Pháp và gửi về nước. Những năm sau đó, Người thường xuyên viết thư trao đổi tình hình với nhiều người Việt Nam tại Pháp và đề nghị họ giúp đỡ việc cung cấp tài liệu để tập hợp viết sách báo tuyên truyền, vận động kiều bào.

Khi về hoạt động tại Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925-1927 và ở Thái Lan những năm 1928-1929, Nguyễn Ái Quốc đã liên lạc với những kiều bào yêu nước đang sống và hoạt động tại đây, từng bước “thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ" thành đội ngũ cán bộ cách mạng đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam.

Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho kiều bào báo tin nước nhà độc lập, cảm ơn kiều bào đã gửi thư, điện chúc mừng, quyên góp xây dựng đất nước và kêu gọi kiều bào hãy phát huy truyền thống con Lạc cháu Hồng yêu nước, thương nòi, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống và làm cho thế giới văn minh nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc, hãy luôn hướng về Tổ quốc và tỏ ra xứng đáng với những anh em đang chiến đấu anh dũng ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền Độc lập của nước nhà... Đầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào, Người đã đánh giá cao tấm lòng của kiều bào tuy ở nơi đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương Tổ quốc, đồng thời khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà".

Ðặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên kiều bào. Cùng với những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thỏa thuận với đại diện Chính phủ Pháp về việc binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ quốc, đã có gần 30 cuộc gặp, trao đổi công việc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu các giới kiều bào. Bác đã nhắn nhủ tới bà con ta rằng: “Anh chị em trong đồng bào ta đây đã đoàn kết thì bây giờ phải đoàn kết thêm, phải xem gương anh chị em đồng bào trong nước. Vì sao anh chị em chúng ta được địa vị như bây giờ chúng ta đang có? Không phải Hồ Chí Minh, không phải đảng nào, phái nào, nhóm nào làm được đâu, mà là nhờ tất cả đồng bào!”.

Những lời căn dặn và tâm nguyện năm xưa của Bác đã được bà con kiều bào khắc cốt ghi tâm, để rồi dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu... kiều bào vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc, mong được trở về, góp phần tham gia xây dựng đất nước. Mỗi năm chúng ta vẫn đón khoảng 1 triệu kiều bào về nước thăm thân, du lịch, kinh doanh; 400-500 lượt trí thức kiều bào về nước hợp tác, nghiên cứu khoa học, giảng dạy; gần 3000 dự án, doanh nghiệp kiều bào với tổng giá trị 4 tỷ USD đã và đang được triển khai trong nước…

Năm nay khi cả nước kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông nối liền một dải, tuy do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà con kiều bào tại nhiều quốc gia không thể tổ chức những lễ kỷ niệm trong cộng đồng, nhưng tại nhiều đất nước xa xôi, trong nhiều gia đình người Việt, lá cờ đỏ sao vàng vẫn được bà con trân trọng treo lên. Đặc biệt với những người cựu chiến binh kiều bào từng dành trọn tuổi xuân cho Tổ quốc, trong những ngày tháng Năm này, kỷ niệm về những năm tháng chiến tranh, những câu chuyện về Bác Hồ giống như những thước phim tư liệu, chầm chậm quay về, tái hiện trong ký ức. Ông Nguyễn Huy Thắng, cựu chiến binh tại Đức, xúc động chia sẻ: “Những ngày này chúng tôi rất thương nhớ các đồng đội đã cùng nhau vào sinh ra tử nơi chiến trường ác liệt và cũng rất đỗi tự hào khi đất nước Việt Nam đã hòa bình thống nhất, trên đà phát triển mạnh mẽ. Tháng Năm năm nay cũng là dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ, dù sống xa quê hương nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ vững phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, kêu gọi nhau đoàn kết để chung tay xây dựng quê hương. Đó cũng là sự tri ân cho Tổ quốc và để nối tiếp lịch sử, hướng tới tương lai”.

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam và xuyên suốt hiện tại, tương lai, hình ảnh của Bác Hồ sẽ mãi luôn đồng hành cùng dân tộc và mỗi người dân Việt Nam với những giá trị trường tồn, bất biến.

BÁC HỒ TRONG TRÁI TIM KIỀU BÀO

Kiều bào tại Udon Thani – Thái Lan, kỷ niệm ngày sinh của Bác 

Nếu là một người Việt Nam ở trong nước có dịp ra nước ngoài công tác, du lịch hay thăm thân, điều gì sẽ chạm tới niềm tự tôn dân tộc và mang bóng hình Tổ quốc trong mỗi chúng ta khi đặt chân đến một miền đất xa lạ? Với rất nhiều người, có lẽ đó chính là hình ảnh lá quốc kỳ đỏ thắm và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn cả trong rất nhiều gia đình Việt Nam tại nước ngoài còn có cả “bàn thờ Bác Hồ”.

Thờ cúng tổ tiên vốn là một phong tục lâu đời ở Việt Nam, cũng là biểu hiện của lòng hiếu thảo, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn của mình. Bởi vậy do sống xa quê hương, nên phần lớn trong gia đình kiều bào vẫn dành một góc trang trọng nhất trong nhà để đặt ban thờ ông bà, cha mẹ, để có thể dâng nén tâm nhang, tưởng nhớ đấng sinh thành. Xúc động hơn cả, nhiều gia đình cũng đã trang trọng đặt di ảnh Bác Hồ trên ban thờ gia tiên để tỏ lòng thành kính và biết ơn tới vị Cha già dân tộc, như một sự tri ân, hướng về quê hương, nguồn cội. Để từ đây sẽ có thêm những câu chuyện hay, những bài học giá trị về lịch sử được ông bà, cha mẹ kể lại cho con cháu của mình. Những đứa trẻ đó vốn sinh ra và lớn lên ở quê hương thứ 2, nơi gắn bó với tuổi thơ và quá trình trưởng thành của các cháu, nhưng lại chưa từng biết về một cố hương luôn hiện hữu, đậm sâu và thương nhớ trong ký ức, trong nỗi lòng của ông bà, cha mẹ mình. Tuổi thơ của những em bé đó có lẽ sẽ không gắn liền với những ca khúc như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh như thiếu niên nhi đồng”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Em mơ gặp Bác Hồ”… như biết bao thế hệ người Việt đã và đang lớn lên, trưởng thành cùng sự chuyển mình của đất nước; nhưng ít nhiều, qua những câu chuyện của ông bà, cha mẹ kể lại, các em sẽ hình dung về cội nguồn của mình, sẽ biết tới một bóng hình quê hương khác bên kia đại dương. Và biết đâu sẽ có những đứa trẻ trong số đó được khơi nguồn khát khao tìm hiểu về gốc gác, cội nguồn của chính mình, để hai tiếng Việt Nam sẽ chắp cánh cho các em trở về tìm hiểu, khám phá, cống hiến trong một ngày không xa.

Trong hành trình Trại hè Việt Nam 2019, bạn trẻ Bùi Hoàng Thăng sinh ra và lớn lên tại Canada là một gương mặt rất ấn tượng. Không chỉ có “vốn tiếng Việt” vượt trội so với các bạn trẻ trong đoàn, mà kiến thức về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam của chàng trai kiều bào trẻ 18 tuổi này cũng rất đáng nể. Mỗi điểm dừng chân của hành trình Trại hè trải dọc theo đất nước hình chữ S, Thăng đều tranh thủ tìm mua sách về lịch sử, văn hóa Việt Nam để đem về Canada, cũng như khám phá những danh lam thắng cảnh của đất nước. Đâu là lý do để Hoàng Thăng có niềm đam mê như vậy? Chia sẻ với chúng tôi, Hoàng Thăng cho biết: “Từ khi em còn bé, ông nội đã thường xuyên kể chuyện về Việt Nam cho em nghe, vì trước đây ông em cũng là thầy giáo dạy môn lịch sử tại một trường học ở Hà Nội. Ông kể cho em những câu chuyện về lịch sử dân tộc, về kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả những câu chuyện về Bác Hồ. Chuyến trở về này em đã được đến rất nhiều danh thắng, có những nơi mà trước đây em đã từng tưởng tượng ra qua những câu chuyện của ông kể. Đặc biệt là làng Sen quê Bác, mọi thứ rất giản dị, đơn sơ, khác xa với những gì mà em tưởng tượng về một vĩ nhân của dân tộc, một danh nhân của thế giới. Em rất cảm động và thêm hiểu, thêm yêu quê hương Việt Nam”. Đây chắc chắn là cách nuôi dưỡng niềm đam mê lịch sử, hướng về cội nguồn tự nhiên và thẩm thấu tuyệt vời mà gia đình Hoàng Thăng đã dành cho em, khi cả 3 thế hệ đều đang định cư tại nước ngoài, khi mà không có sách vở nào có thể thay thế được ý chí học hỏi và cảm xúc chân thật của con người.

Nói đến tình cảm của kiều bào với Bác Hồ có lẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới đồng bào ta tại Thái Lan. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có một khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh như tại tỉnh Udonthani của Thái Lan. Khu di tích do Việt kiều Thái chung tay đóng góp xây dựng bằng cả tấm lòng và sự tôn kính Người. Nơi đây không chỉ là một địa chỉ đỏ để giáo dục về lòng yêu nước cho lớp lớp các thế hệ người Việt tại Thái Lan, mà còn là niềm tự hào, là nơi giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tới bạn bè quốc tế của cộng đồng người Việt tại đây.

Nếu có dịp tiếp xúc với bà con ta tại Thái, chắc chắn ai cũng sẽ vô cùng xúc động trước tình yêu đặc biệt mà các cô bác dành cho Bác Hồ. Tình yêu thiêng liêng đó không chỉ sắt son bước qua thời chiến với phong trào “nở hoa kháng chiến chống Mỹ”, mà vẫn được tiếp nối, giữ trọn niềm tin yêu ngay cả trong thời bình. Cùng với những thăng trầm của lịch sử quê hương và thân phận người Việt xa xứ, tiếng Việt đã có một giai đoạn bị ngắt quãng, không được giảng dạy và sử dụng trên đất Thái, bởi vậy đến nay có rất nhiều cô bác người Thái gốc Việt không nói sõi tiếng Việt. Vậy nhưng chỉ cần nhắc tới Bác Hồ, được trở về quê hương, thì ai ai cũng rưng rưng hai hàng nước mắt. Tình yêu và sự tôn kính của các cô bác với Bác Hồ, với Tổ quốc vốn đã ngấm sâu trong mỗi người, như được hòa quyện trong máu đỏ da vàng, để rồi khi nhắc đến Bác, khi nói về 2 tiếng Việt Nam, tình yêu đó tuôn trào như một lẽ tự nhiên và vô cùng trân quý.

Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, sinh sống ở tỉnh Udon Thani, Thái Lan năm nay đã 72 tuổi, vốn là cựu giáo viên dạy tiếng Việt tại Thái Lan chính là một tấm gương điển hình xuất sắc của phong trào Học tập và làm theo lời Bác. Bà Xuân Oanh là Việt kiều duy nhất dạy tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào liên tục từ năm 2004 đến nay. Bà luôn đi đầu, động viên nhiều cựu giáo viên Việt kiều dạy miễn phí tại Trường tiếng Việt Khánh An ở chùa Khánh An, Udon Thani và được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong giảng dạy tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan. “Với tôi dạy tiếng Việt cho người Việt ở Thái chính là cách học tập và làm việc theo tấm gương của Bác một cách thiết thực nhất”, bà Nguyễn Thị Xuân Oanh chia sẻ. Dù tuổi cao nhưng bà Oanh vẫn rất “tân thời” khi biết sử dụng Facebook. Cũng trên chính trang Facebook cá nhân, bà Oanh vẫn thường xuyên đăng tải, chia sẻ những tư liệu quý về Bác Hồ hay sáng tác cả những vần thơ về Bác như một cách lan tỏa tình yêu đặc biệt của bà nói riêng và kiều bào Thái Lan nói chung với Người cha già của dân tộc.

Vẫn còn đó rất nhiều những tấm gương, những câu chuyện cảm động khác về tình cảm của kiều bào với Bác Hồ kính yêu tại rất nhiều quốc gia trên thế giới mà chúng tôi không thể kể hết được trong bài viết này. Nhưng sẽ luôn có một điểm chung, nơi giao thoa, hội tụ của rất nhiều người Việt Nam sinh sống tại các quốc gia trên thế giới, đó chính là sự tôn kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng niềm tự hào, tình yêu và nỗi nhớ thương khắc khoải dành cho hai tiếng “Việt Nam”.