Ấm lòng nồi thịt kho chia sẻ cho người Việt kẹt ở Singapore vì Covid-19

(Mặt trận) -

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Thủ tướng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Qatar

Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhất trong bảo hộ công dân

Nhiều người Việt bị kẹt ở Singapore vì dịch Covid-19 không còn tiền ăn uống, trả nhà trọ đã được hỗ trợ chỗ ở, có người còn đứng ra nấu thịt kho chia theo phần để mang tận nơi giúp nhau những ngày khó khăn này.

Trong nhóm công dân Việt bị kẹt ở Singapore có những người sang đây chữa bệnh hoặc lao động bị cắt thẻ cư trú phải đối mặt với án phạt tù hoặc phạt roi đã được cộng đồng người Việt hỗ trợ những ngày qua.

Nấu thịt kho mang tận nơi

Chị Nguyễn Ngọc Dương Xuân (đại diện nhóm Giúp lao động hồi hương) cho biết, ngay khi nghe tin nhiều người Việt bị kẹt ở đây vì không tìm được cách nào về nước, dù họ đã nghĩ ra nhiều cách như: Đi đường vòng, đường bộ, đường hàng không hay thuê nguyên chuyến máy bay đều không được.

Trong số đó, có nhiều lao động đã bị mất việc làm, cắt thẻ cư trú nên không còn nơi ở, khoản tiền tích cóp cũng không có nhiều, họ có nguy cơ trở thành người vô gia cư nếu không tìm được nơi ở nhờ.

Nghe tin sốt ruột, chị Xuân đã kêu gọi những người Việt ở đây cùng nhau quyên góp tiền để hỗ trợ chuyện ăn uống, chỗ ở cho mọi người. Những người tham gia ủng hộ đa phần là những người Việt có việc làm ổn định tại Singapore hoặc phụ nữ Việt lấy chồng Singapore.

Nhờ đó, nhiều người Việt đã được sắp xếp chỗ ở miễn phí trong những ngày chờ chuyến bay trở về. Chị Yuki Trần (chung nhóm với chị Xuân) là người tìm cách giúp đỡ những người bị cắt thẻ gia hạn thẻ ở MOM để không bị phạt vì cư trú bất hợp pháp.

Chị Xuân kể, sau khoảng nửa tháng cầm cự mà không có việc làm, nhiều người đã không còn tiền lo chuyện ăn uống. Do vậy chị đã nấu thịt kho và dưa leo mang qua tận nơi để hỗ trợ.

“Bữa giờ rất nhiều lao động Việt mất việc phải ăn mì gói cầm cự qua ngày, nhóm tôi thấy khổ quá nên tìm chỗ mua thịt nấu cho các bạn luôn. Mỗi tuần chúng tôi sẽ nấu 2 lần và thay đổi món thường xuyên. Một lần hỗ trợ các bạn có thể ăn được trong vài ngày vì thức ăn khá nhiều. Bây giờ các bạn cũng không ra ngoài nhiều được nên tôi thường mang tới, bạn nào tiện thì sẽ ghé lấy”, chị Xuân chia sẻ.

Đại sứ quán gửi danh sách về nước

Bà Tào Thị Thanh Hương, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore, cho biết, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Singapore khuyến cáo bà con cộng đồng người Việt ở Singapore yên tâm ở lại, hạn chế đi lại, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và pháp luật của sở tại.

ĐSQ cung cấp đường dây nóng bảo hộ công dân để bà con có thể liên hệ khi cần thông tin hoặc cần hỗ trợ. Đồng thời, ĐSQ cũng thường xuyên cập nhật thông tin, khuyến cáo cần thiết trên trang mạng thông tin của ĐSQ để bà con được biết.

Đối với những người bị cắt thẻ, hết hạn visa, ĐSQ đã gửi công hàm và thúc đẩy cơ quan di trú sở tại tạo điều kiện thuận lợi để công dân được gia hạn visa và các thủ tục liên quan khác.

“Đại sứ quán phối hợp với Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Singapore thường xuyên giữ liên lạc, thăm hỏi, động viên bà con. Nhiều công dân đã được gia hạn visa, được động viên, giúp đỡ nên nhìn chung là an tâm, chờ có chuyến bay để về Việt Nam”, bà Hương cho hay.

Hiện ĐSQ vẫn tiếp tục cập nhật, bổ sung và hoàn thiện danh sách công dân Việt Nam có hoàn cảnh bắt buộc phải về nước qua mẫu đăng ký. Công dân thuộc 4 nhóm: Học sinh dưới 18 tuổi, sinh viên các trường, ký túc xá đã đóng cửa; người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên); người đang điều trị bệnh tại Singapore/có tiểu sử bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, ung thư...) và lao động hết hợp đồng, thăm thân, du lịch bị kẹt tại Singapore chưa được về nước.

Theo ĐSQ, khi các cơ quan chức năng trong nước có quyết định chính thức, ĐSQ sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của ĐSQ các nội dung như thời gian chuyến bay, cửa khẩu tiếp nhận trong nước, chi phí vé máy bay và các thông tin cần thiết khác để công dân Việt được duyệt về nước biết và phối hợp triển khai, tránh trường hợp công dân tiếp nhận các thông tin tự phát, không chính thức, có thể gặp rủi ro, ảnh hưởng đến quyền lợi và sự an toàn của công dân.

ĐSQ đã tập hợp danh sách hơn 400 công dân Việt có nguyện vọng về Việt Nam và gửi về nước, đợi ý kiến của cơ quan trong nước rồi sẽ triển khai tiếp.