(Mặt trận) -Là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, song, những năm gần đây, xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã có sự chuyển mình đáng kể trong phát triển KT-XH, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét. Có được kết quả này là do Đảng ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, xã thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống Nhân dân và hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.
|
Xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình phát triển mạnh nghề mây tre đan, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm phụ nữ. |
Những tháng cuối năm 2020, mặc dù công việc nhà nông bận rộn, nhưng 30 người dân ở các xóm của xã Văn Nghĩa mỗi tuần vẫn đều đặn tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình) tổ chức tại xóm Đồi. Trong ngày bế giảng, được trao chứng chỉ nghề nuôi và phòng, trị bệnh cho lợn, anh Bùi Văn Chửn, Trưởng xóm Đồi phấn khởi chia sẻ: Trước đây, các gia đình thường chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, kiến thức trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh ít được tiếp cận. Khi tham gia lớp học nghề, chúng tôi được học, nghiên cứu và thực hành các kiến thức KHKT về xây dựng chuồng trại; cách chọn con giống tốt; quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn trong từng giai đoạn; sử dụng thức ăn phù hợp; chẩn đoán bệnh và phương pháp phòng, trị bệnh; các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho lợn... Qua lớp đào tạo nghề đã giúp bà con có kiến thức phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hàng hóa để thúc đẩy kinh tế hộ gia đình.
Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Văn Nghĩa luôn coi trọng công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động. Hàng năm, xã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện, các trường cao đẳng, trung cấp nghề tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân. Xã chủ trương đào tạo nghề gắn với phát triển trồng trọt, chăn nuôi, TTCN. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt gần 35%. Bên cạnh đó, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đồng thời, huy động sự tham gia tích cực của người dân xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, cuộc sống.
Một trong những chương trình, dự án mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn xã phải nói đến Chương trình 135 đã góp phần thay đổi diện mạo các xóm. Đã có nhiều công trình được đầu tư xây mới, duy tu, sửa chữa đưa vào sử dụng, như đường giao thông nông thôn, kênh mương, nước sinh hoạt, các dự án sản xuất được triển khai, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân. Tính trong năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã làm được đường bê tông xóm Pheo, xây dựng tuyến mương xóm Mới Nang, xóm Đa và duy tu, bảo dưỡng nhiều công trình thủy lợi, đường nội đồng. Hiện, toàn xã đảm bảo được nước tưới trực tiếp cho trên 400 ha. Ngoài ra, thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, da dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, xã đã hỗ trợ bò giống cho 9 nhóm hộ của 9 xóm, tổng kinh phí 250 triệu đồng.
Đồng chí Bùi Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng nghề TTCN để giải quyết việc làm. Hiện, các xóm phát triển mạnh trồng cây lấy hạt. Đặc biệt là nghề mây tre đan, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 600 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Từ phát triển các ngành nghề, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng lên 45,8 triệu đồng, đạt 123% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,12%.
Thu Hiền