Xã Hội Xuân: Nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

(Mặt trận) -Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tình hình hộ nghèo trên địa bàn xã Hội Xuân (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Lãnh đạo xã Hội Xuân trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo 

Chương trình đã thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, góp phần hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, chương trình hỗ trợ người nghèo và hộ nghèo vượt qua mức sống tối thiểu, giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, chương trình ở xã Hội Xuân đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đến đối tượng thụ hưởng, từng bước nâng cao mức sống hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Năm 2023 và 2024, xã Hội Xuân thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chăm sóc vườn sầu riêng sau hạn, mặn. 

Cụ thể là tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khuyến khích trao đổi kinh nghiệm để hộ gia đình phát triển kinh tế bền vững. Qua đó, địa phương đã hỗ trợ cho 17 hộ, với số tiền trên 19 triệu đồng/hộ. Từ nguồn vốn này, các hộ nghèo, hộ cận nghèo tự chăm sóc lại vườn sầu riêng của mình tươi tốt hơn.

Gia đình anh Trần Văn Hoàng (ấp Xuân Quy, xã Hội Xuân) là hộ nghèo hơn 10 năm, được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện vợ anh đang mắc bệnh suy thận mạn, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần. Do vậy, anh Hoàng là lao động chính trong gia đình, thời gian ở bệnh viện chăm sóc vợ nhiều hơn ở vườn và ở nhà.

Anh Hoàng chia sẻ, sau đợt hạn, mặn năm 2020, hơn 1 công đất trồng cây sầu riêng bị suy kiệt. Năm 2023, anh được địa phương hỗ trợ tham gia dự án có vốn cải tạo, chăm sóc vườn sầu riêng. Ngoài việc chăm sóc vườn, anh Hoàng còn đi phụ hồ để có thêm thu nhập. Cuối năm 2024, rà soát hộ thoát nghèo, thấy hoàn cảnh gia đình hơn trước, anh xin thoát hộ nghèo trở thành hộ cận nghèo.

Năm 2024, đối với các chương trình vay vốn, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ cho 20 hộ vay giải quyết việc, với số tiền 1 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay xây dựng nước sạch, hố xí hợp vệ sinh cho 31 hộ, với số tiền 620 triệu đồng; hỗ trợ vốn cho 10 em học sinh, sinh viên, với số tiền là 250 triệu đồng; hỗ trợ vốn từ quỹ nông dân cho 18 hộ, với tổng số tiền là 4,5 tỷ đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ cho 33 hộ vay giải quyết việc làm với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho 50 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ vốn cho 21 em học sinh, sinh viên với tổng số tiền là 1 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay để xây dựng nước sạch vệ sinh môi trường cho 97 hộ, với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, MTTQ xã vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh xây dựng 4 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn nhà ở với tổng kinh phí 400 triệu đồng; tặng 1.650 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 520 triệu đồng.

Xã Hội Xuân phối hợp Bảo hiểm xã hội huyện cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế năm 2024 cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với 620 thẻ Bảo hiểm y tế.

Như vậy, từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và nguồn của xã vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, đến nay, toàn xã không còn hộ nghèo có nhà ở tạm bợ dột nát, đa số hộ nghèo nhà ở đạt 3 cứng, hoặc nhà ở bán kiên cố đạt chuẩn.

Chủ tịch UBND xã Hội Xuân Phạm Văn Hiệp cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Giảm nghèo xã luôn được kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc định hướng nội dung hoạt động, xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chính sách, dự án của chương trình.

Từ đó công tác chỉ đạo thực hiện được thông suốt và đạt hiệu quả cao. Công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp.

Bên cạnh đó, công tác này được sự đồng thuận và tham gia ủng hộ tích cực của người dân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đối. Các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề... được lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

Từ đó, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thấy được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước và cả cộng đồng đối với mình, gia đình mình nên luôn tự phấn đấu vươn lên, cố gắng vượt qua khó khăn, chăm lo sản xuất, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, sự giúp đỡ của cộng đồng, qua khảo sát, điều tra hằng năm số hộ nghèo giảm đều và từng bước mang tính bền vững.

Năm 2021, toàn xã có 43 hộ nghèo (tỷ lệ 1,64%); đến cuối 2024, toàn xã còn 22 hộ nghèo (tỷ lệ 0,8% so tổng số hộ dân toàn xã), cận nghèo 71 hộ (2,8%). So với năm 2023, giảm 4 hộ nghèo và giảm 4 hộ cận nghèo.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1% - 1,5%/năm (đạt tỷ lệ từ 100 - 150% năm theo chỉ tiêu huyện giao). Thu nhập đầu người đạt 65,82 triệu đồng/người/năm, đạt 100% so với kế hoạch (tăng 3,3 triệu đồng so với năm 2023).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên, vẫn còn một bộ phận người nghèo thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Một số hộ nghèo chưa có công việc ổn định và có trình độ thấp nên dẫn đến việc không thể hỗ trợ giới thiệu việc làm.

Cán bộ phụ trách giảm nghèo ở xã còn kiêm nhiệm và luôn có sự biến động. Việc phối hợp giữa các ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo chưa được thường xuyên, nhất là đề xuất giải pháp, triển khai hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo ở từng ngành, đoàn thể được phân công.

Chủ tịch UBND xã Hội Xuân Phạm Văn Hiệp cho biết, thời gian tới, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hằng năm, xã Hội Xuân phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động vận động ủng hộ giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, xã tập trung việc xây dựng các mô hình giảm nghèo có tính bền vững, giúp người nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, nhất là cần phải có các giải pháp thực sự hiệu quả, đột phá để nâng cao dân trí, trình độ văn hóa của người dân.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Song song đó, địa phương huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó là tập trung xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.

T.H