Vùng đồng bào Khmer huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh: Đổi thay từ các chương trình phát triển kinh tế

(Mặt trận) -Huyện Cầu Ngang có 08 xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Với các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đã triển khai kịp thời, hiệu quả giúp đời sống kinh tế của đồng bào Khmer ngày càng phát triển.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Nông dân Thạch Tam, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa chăm sóc vụ ớt mới.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM gắn với phát triển kinh tế, huyện tập trung các giải pháp, chương trình, dự án phát triển kinh tế bền vững trong vùng đồng bào Khmer, tạo việc làm tăng thu nhập, trong đó tập trung công tác giảm nghèo, từ đó tỷ lệ hộ nghèo người Khmer trên địa bàn huyện giảm rõ rệt. Đến cuối năm 2021, huyện có 2.328 hộ nghèo, chiếm 6,21% so với tổng số hộ dân cư, hộ nghèo người Khmer 1.553 hộ, chiếm 66,75% so với tổng số hộ nghèo.

Ngoài các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ chính sách dân tộc về nhà ở, đất ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hàng ngàn lượt hộ Khmer được ưu đãi chính sách vay vốn chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Điển hình như gia đình ông Thạch Tàng, ấp Giồng Thành, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang từng là hộ nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2021 nhờ nguồn vốn vay tín chấp của Hội Nông dân xã đầu tư vào nuôi bò sinh sản.

Ông Thạch Tàng cho biết, kinh tế gia đình ban đầu dựa vào nghề sản xuất 01 vụ lúa/năm trên diện tích 01ha. 06 năm qua, được Hội Nông dân tạo điều kiện tiếp cận vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 35 triệu đồng ông mua 02 con bò sinh sản về nuôi. 01 năm sau bò sinh sản được 02 bê con. Mỗi năm sinh sản, bò mẹ sinh sản bê đực ông nuôi vỗ béo để xuất bán, lợi nhuận 10 triệu đồng/con, còn bê cái để lại nuôi. Đến nay gia đình ông có 05 con bò sinh sản.

Song song với nuôi bò sinh sản, ông tập trung sản xuất 01ha lúa, lợi nhuận mỗi vụ từ 08 - 12 triệu đồng/ha tùy theo vụ. 02 năm gần đây làm lúa không lợi nhuận nhiều như trước, do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao nên lợi nhuận giảm. Phần lớn gia đình ông duy trì nghề trồng lúa chủ yếu tận dụng rơm rạ phục vụ nuôi bò.

Gia đình ông Thạch Tam, ấp Sóc Xoài, xã Hiệp Hòa được thụ hưởng chính sách dân tộc với vốn vay 15 triệu đồng từ Hội đoàn thể đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi đã vươn lên thoát nghèo 03 - 04 năm nay.

Ông Thạch Tam cho biết, với 2.700mđất canh tác, ông trồng 01 vụ ớt chỉ thiên, 01 vụ đậu đũa và 01 vụ lúa, lợi nhuận trồng màu đạt từ 27 - 50 triệu đồng/vụ, trồng lúa chủ yếu lấy rơm rạ phục vụ nuôi 03 con bò sinh sản. Nhận thấy lợi nhuận mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, nên vụ ớt năm nay ông thuê thêm 2.000m2 đất để trồng ớt.

Theo ông Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện nói chung, các xã có đông đồng bào Khmer nói riêng.

Bên cạnh đó, phần lớn đất nông nghiệp được đầu tư hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, góp phần tạo điều kiện cho quá trình thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng phát triển. Đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ các chính sách dân tộc, chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn kịp thời và hiệu quả, đời sống và mức thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, số hộ thoát nghèo tăng lên hàng năm.

Cùng với đó, sự nỗ lực của đồng bào Khmer đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Chỉ tính từ năm 2020 - 2021, hộ thoát nghèo 1.386 hộ và hộ thoát cận nghèo 974 hộ.

 

 

 

Thời gian tới để giảm nghèo hiệu quả, huyện tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo:

Loại 1:Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo già yếu, bệnh tật, thiếu lao động, không có khả năng thoát nghèo, cần vận động xã hội hỗ trợ và thực hiện chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Về lâu dài, xếp những đối tượng này vào diện bảo trợ xã hội thường xuyên.

Loại 2:Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, có nhân lực, có nhu cầu lao động nhưng thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm. Đây là nhóm có khả năng thoát nghèo cao. Đối với đối tượng này cần tập trung cho vay vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo việc làm để thoát nghèo. Tùy vào điều kiện từng xã có thể thực hiện các mô hình “2 hộ giàu giúp 1 hộ nghèo”, hay mỗi chi bộ, mỗi đoàn thể giúp 1 hộ thoát nghèo…

Loại 3:Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo không chịu lao động, không biết tổ chức cuộc sống, sa vào các tệ nạn, nghiện ngập, ỷ lại, trông chờ. Đây là nhóm khó chuyển biến nhất, do vậy, cần tuyên truyền vận động chuyển hóa thành hộ nghèo loại 2 trước khi hỗ trợ vốn, tư liệu sản xuất. Nếu không, các khoản hỗ trợ sẽ không có tác dụng, hiệu quả. Vì khi được hỗ trợ họ lại bán để lấy tiền tiêu dùng. Như vậy, họ vẫn nghèo.

Loại 4:Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo có quá ít đất sản xuất, không có thu nhập thêm ngoài làm nông nghiệp đơn giản, cần nghiên cứu, hướng dẫn để họ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất...

Loại 5: Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo có sức lao động mà không có tư liệu sản xuất và không thể tự tìm việc làm, cần có kế hoạch hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo. Tuyên truyền, vận động lao động trẻ sẵn sàng đi xuất khẩu lao động.

 


 
M.N