Vĩnh Phúc: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giúp bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS nâng lên rõ rệt.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Đường giao thông nông thôn xã Đại Đình, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) được bê tông hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Vĩnh Phúc hiện có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 4,7% dân số toàn tỉnh. Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn, 37/40 xã vùng DTTS và miền núi đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tại các xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%...

Ông Vũ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện chính sách dân tộc, MTTQ và các tổ chức thành viên đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào DTTS, các chính sách giảm nghèo bền vững để hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn, chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn…

Ngoài ra, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên hội viên, đồng bào các DTTS tổ chức các phong trào thi đua gắn với các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, tuyên truyền thực hiện tiết kiệm chống lãng phí cũng như thực hiện tốt nếp sống văn minh, tích cực xây dựng NTM, bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS nhất là giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục của đồng bào dân tộc.

“Đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được đồng bào DTTS hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Chương trình xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được kết quả tích cực, góp phần đưa các xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS sớm hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu. Từ việc làm cho “dân hiểu”, người dân đã đồng thuận, tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện, đóng góp xây dựng NTM, nông thôn kiểu mẫu” - ông Bằng khẳng định.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân, chương trình xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa rộng lớn trong nhân dân. Đến nay, 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM. Bên cạnh việc xây dựng NTM, thời gian qua, công tác an sinh xã hội, vận động, giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai và các hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng được MTTQ các cấp triển khai tích cực, huy động sự ủng hộ của đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia.

Tiêu biểu như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; thực hiện kịp thời công tác cứu trợ các hộ gia đình DTTS gặp tai nạn, ảnh hưởng do thiên tai, tổ chức thăm và tặng quà cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp còn vận động đồng bào đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chăn nuôi để đem lại nguồn lợi kinh tế cao giúp đồng bào vươn lên làm giàu.

Ông Bằng cho biết thêm, đối với các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên họp bàn và thống nhất kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm trên cơ sở thống nhất với HĐND-UBND trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành như: Chính sách về xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế, môi trường... trong đồng bào DTTS. Phối hợp với HĐND giám sát các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán và vay vốn tín dụng ưu đãi chuyển đổi nghề, sản xuất kinh doanh…

Thông qua hoạt động giám sát, MTTQ các cấp đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế và bất cập trong tổ chức triển khai, thực hiện. Từ đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương để có những điều chỉnh, bổ sung sửa đổi một số chính sách và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện.

N.PHƯƠNG