Vĩnh Phúc: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết các nhu cầu cấp bách trong vùng đồng bào DTTS. Một trong những ưu tiên đặt ra là tập trung bố trí nguồn lực để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở địa bàn “lõi nghèo”.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất đã tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc.

Triển khai các nội dung của Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình MTQG 1719, trong năm nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu hỗ trợ xong cho 294 hộ có nhu cầu, trong đó, có 42 hộ thiếu đất ở, 252 hộ đề nghị hỗ trợ phí, lệ phí làm thủ tục chia, tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Hoàng Anh - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để hoàn thành mục tiêu của dự án, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai với những chỉ tiêu cụ thể và chỉ đạo các huyện, thành phố Tam Đảo, Bình Xuyên, Phúc Yên, Lập Thạch, Sông Lô căn cứ quỹ đất của địa phương, hạn mức đất ở phù hợp trên địa bàn để xem xét, quyết định giao đất cho các đối tượng.

Đối với đất ở, UBND tỉnh đã chỉ đạo ở những nơi có điều kiện về đất đai, các địa phương khẩn trương cải tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật, cấp đất ở cho hộ có nhu cầu. Ở các địa bàn không có điều kiện về đất đai thì phải sắp xếp, bố trí cho người dân ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép hoặc chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đảm bảo theo quy định và phù hợp với thực tế của địa phương. Đối với các hộ có nhu cầu chia tách, hợp thức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thì UBND huyện bố trí kinh phí của huyện để hỗ trợ làm thủ tục.

Riêng nội dung hỗ trợ đất sản xuất, hiện tỉnh không còn quỹ đất để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng, do đã thực hiện giao đất cho các hộ, cá nhân sử dụng lâu dài theo Nghị định 64 của Chính phủ nên thực hiện bằng hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề và vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành đào tạo nghề cho 515 người có nhu cầu học nghề và 317 hộ có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Cùng với giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, Vĩnh Phúc cũng quyết liệt triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 để tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 159 trường hợp với tổng dư nợ 15 tỷ đồng; bố trí 2,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bố trí 1,6 tỷ đồng cho công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào DTTS.

Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%; 100% địa phương có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới.

Triển khai Chương trình MTQG 1719, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm xuống dưới 1%, đến hết năm 2025 phấn đấu bằng với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh. Nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu này, Vĩnh Phúc tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực từ địa phương nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với khu vực đồng bằng trong tỉnh.

Anh Vũ