Vĩnh Phúc: Chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo

(Mặt trận) -Những năm qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, hiến chương của giáo hội, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và có những đóng góp tích cực cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Có được điều đó là do cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, hướng dẫn và tạo điều kiện, đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để các tổ chức tôn giáo, người dân có đạo hoạt động đúng pháp luật.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Cán bộ Hội LHPN xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên tuyên truyền hội viên tích cực giáo dục con em sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Ảnh: Dương Hà

Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận, cho phép hoạt động, gồm đạo Phật, đạo Công giáo và đạo Tin lành. Trong đó, đạo Phật có hơn 400 cơ sở thờ tự với hơn 730 tăng, ni, khoảng 146.000 phật tử; đạo Công giáo có 11 xứ đạo, 52 họ giáo, 14 linh mục, hơn 330 chức việc và gần 23.000 giáo dân; đạo Tin lành có 3 tổ chức, điểm, nhóm được công nhận, hoạt động hợp pháp.

Để nâng cao kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, hằng năm, Sở Nội vụ ban hành các kế hoạch và triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo, người đại diện, Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; một số quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, di sản văn hóa liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; thông tin về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta nói chung và các tôn giáo trên địa bàn tỉnh nói riêng; tình hình đạo lạ, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn đạo lạ hoạt động trái pháp luật; tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, quy định về phòng, chống dịch Covid-19…

Từ năm 2022 đến nay, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) đã phối hợp với các huyện, thành phố, Ủy ban MTTQ các cấp, tổ chức Phật giáo, Ban Hành giáo trực tiếp đến các chùa, thiền viện, tịnh thất, nhà thờ đạo Công giáo, Tin lành nơi có đông tăng, ni, chức sắc, chức việc cư trú để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo với sự tham gia của hàng nghìn lượt người.

Cùng với hình thức trực tiếp, công tác tuyên truyền còn được thực hiện qua các chương trình tọa đàm tìm hiểu một số quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, qua các bài viết, phóng sự trên Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH tỉnh, Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ và nhóm zalo với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo.

Qua đó, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, ban quản lý, người đại diện cơ sở tín ngưỡng tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo, người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Cùng với công tác tuyên truyền, Sở Nội vụ cũng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 900 lượt cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong tỉnh. Từ đó, cập nhật kịp thời những thông tin, kiến thức mới có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, giúp cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng.

Qua đó, xử lý có hiệu quả các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo phát sinh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tín ngưỡng, tôn giáo, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.

Việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm tới công tác tôn giáo; tạo điều kiện cho cán bộ phụ trách công tác tôn giáo nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

Nhờ nắm được các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng hiểu rõ và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; kiên quyết đấu tranh với những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây mất an ninh trật tự; cam kết không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo cũng phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, tích cực tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, giáo dân, nhà tu hành, phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương; hăng hái phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và tham gia đóng góp vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương góp sức đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.