Vĩnh Long: Phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng bào các tôn giáo chung tay xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long xác định công tác tôn giáo là công tác quan trọng trong sự nghiệp cách mạng; qua đó đã tập hợp đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thấm nhuần bài học của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh phát huy hiệu quả qua chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, nhiều mô hình, tấm gương tiêu biểu của đồng bào các tôn giáo trong các lĩnh vực đã thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Với sự đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào các tôn giáo không ngừng lan tỏa tinh thần “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội”, “Nước vinh, đạo sáng”… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, cùng nhau chung tay xây dựng xã hội nhân ái, nghĩa tình.

 Các tôn giáo tham gia tốt các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.Ảnh: TL

Phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã có những hoạt động thiết thực theo phương châm “tốt đời đẹp đạo”; góp phần tạo nên những thành tựu ấn tượng với sự yêu mến của đông đảo phật tử và Nhân dân.

“Nhín ăn bớt mặc”

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào Phật giáo cả nước từ Bắc chí Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”. Trong suốt thời gian qua, thực hiện hòa hợp, đoàn kết, thống nhất và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc, GHPG Việt Nam nói chung, GHPG Việt Nam tỉnh Vĩnh Long nói riêng đã động viên tăng ni, phật tử nêu cao đạo đức, thuần phong mỹ tục, hăng hái tham gia lao động sản xuất, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nghĩa vụ công dân. Trong đó, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tham gia tích cực các phong trào khuyến học, nhân đạo, từ thiện… góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Thượng tọa Thích Lệ Lạc- Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, Trụ trì chùa Hội An (Vũng Liêm) là một trong những điển hình tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Thượng tọa cho rằng: tinh thần lời Phật dạy “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật” kết hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cùng với đạo đức tôn giáo kết hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bào phật tử phải tâm niệm đạo đức tôn giáo không xa rời đời sống, trách nhiệm của người công dân trong xã hội. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng ni, phật tử trong tỉnh theo lời kêu gọi của Trung ương Giáo hội cũng như MTTQ hưởng ứng tích cực công tác phòng chống dịch bệnh. GHPG Việt Nam tỉnh đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định, chủ động, kịp thời chỉ đạo dừng, hoãn nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo để đảm bảo an toàn sức khỏe cho tăng ni, phật tử và xã hội.

Trong khi đó, công tác từ thiện xã hội là một Phật sự nổi bật nhất của Phật giáo tỉnh nhà. Với tinh thần thiện nguyện giúp đỡ người gặp khó khăn, tình yêu thương được lan tỏa mọi nơi, từ bếp ăn từ thiện đỏ lửa, cơ sở khám chữa bệnh hốt thuốc Nam đến những mái ấm che chở mảnh đời bất hạnh…

 Đồng bào các tôn giáo tích cực chung tay phòng chống dịch COVID-19.

Trung tâm Bảo trợ xã hội- Mái ấm Long Thành nằm trong khuôn viên chùa Long Thành (xã Thanh Đức- Long Hồ) đang nuôi dưỡng, sưởi ấm tuổi xế chiều cho các cụ già neo đơn, tàn tật, không người thân chăm sóc. Tại đây, các cụ được chăm sóc sức khỏe, ăn uống, ngủ nghỉ rất trật tự, nề nếp. Mái ấm trang bị được phòng y tế, phòng châm cứu hỗ trợ kịp thời khi các cụ gặp vấn đề về sức khỏe. Còn tại Mái ấm Vĩnh Khánh (Phường 8- TP Vĩnh Long), những em bé nhận nuôi được quan tâm chăm sóc với tình yêu thương vô bờ. Theo Đại đức Thích Tánh Bình- Quản lý cơ sở nuôi trẻ mồ côi Mái ấm Vĩnh Khánh: “Tôi sẽ chăm lo cho các bé thật chu đáo, tạo mọi điều kiện trong khả năng để các bé được ăn học đến nơi đến chốn”.

Hơn nữa, hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo ngày càng rộng lớn, phong phú và có chiều sâu. Tăng ni, phật tử còn tích cực tham gia vào hoạt động “xóa đói, giảm nghèo” cho người dân, đặc biệt những tín đồ yếu thế trong xã hội với hàng loạt nghĩa cử yêu thương như ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, thực hiện các bếp ăn từ thiện tại bệnh viện, cho học sinh nghèo…

Theo Thượng tọa Thích Lệ Lạc, không phải lúc giàu có, dư dả mới giúp đỡ người khác, mà những thời điểm như trong đại dịch COVID-19, nhiều phật tử đã “nhín ăn bớt mặc” để giúp đỡ, chia cơm sẻ áo với mọi người, thể hiện tình gắn bó tương trợ cao nhất. Trong điều kiện bình thường làm từ thiện một, khi hoàn cảnh khó khăn thì làm gấp rưỡi, gấp đôi. Những ngày tháng cả nước đồng lòng chống chọi với dịch bệnh, tăng ni, phật tử trong tỉnh đã tích cực ủng hộ lương thực, thực phẩm và các hoạt động phòng chống dịch COVID-19... với tổng trị giá hơn 21 tỷ đồng.

Hòa thượng Thích Như Tước (chùa Long Phước, Phường 5, TP Vĩnh Long): Tiếp nối dòng chảy Phật giáo yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, Phật giáo Vĩnh Long góp phần cùng xã hội xây dựng quê hương đi lên trong thời kỳ đổi mới hội nhập, phồn vinh và thịnh vượng.

Vận dụng phật pháp vào đời sống gia đình, quan hệ xã hội

Là một phật tử và một người công dân, sống “tốt đời- đẹp đạo” luôn là nhiệm vụ chủ chốt GHPG Việt Nam tỉnh hướng dẫn phật tử thực hiện. Theo Thượng tọa Thích Lệ Lạc, vận dụng giáo lý, đạo lý của Phật giáo áp dụng vào đời sống sẽ mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cho xã hội. Người phật tử phải “Phật hóa” gia đình, mang lại sự hài hòa cho đời sống gia đình. Thượng tọa Thích Lệ Lạc mong muốn những giáo lý tốt đẹp của nhà phật sẽ như mạch nguồn cuộn chảy và thấm đẫm vào tâm hồn, nhận thức của các phật tử để có những hành động và việc làm hướng thiện, làm đẹp cho đời.

Cô Nguyễn Thị Đỏ (thị trấn Tam Bình) cho biết: “Là phật tử, tôi đi chùa hàng tháng và nghe thuyết giảng về sống ích đạo, lợi đời. Phật tử phải biết áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày, tránh được những bất hòa và tạo niềm hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội”. Người phật tử đi chùa lễ Phật và sống chan hòa, đoàn kết với mọi người xung quanh, cùng làm việc tốt lan tỏa một xã hội tốt đẹp.

Thượng tọa Thích Lệ Lạc nhấn mạnh: “Các bạn có thể nói, nghĩ và làm theo cách của bạn nhưng các bạn nên nhớ rằng các bạn là công dân nước Việt Nam cho nên các bạn phải tuân theo Hiến pháp và Luật pháp Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các huynh đệ có thể nói, nghĩ và làm theo cách của các huynh đệ nhưng các huynh đệ nên nhớ rằng các huynh đệ là người phật tử, cho nên các huynh đệ phải sống đúng theo Hiến chương và Nội quy Tăng sự GHPG Việt Nam”. Bên cạnh hướng dẫn giáo lý Phật giáo, những mẩu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những tấm gương người tốt, việc tốt trong cả nước cũng được Thượng tọa Thích Lệ Lạc thường xuyên chia sẻ để truyền cảm hứng cho phật tử noi theo.

 Trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tựu trong công tác phụng sự đạo pháp- dân tộc.

Ghi nhận những đóng góp tích cực của Phật giáo tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm mong muốn GHPG Việt Nam tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục đoàn kết, hòa hợp, cùng nhau xây dựng chương trình hành động thiết thực, phụng đạo, giúp đời. Theo đó, tiếp tục là cầu nối quan trọng của đồng bào Phật giáo trong ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam; phát huy tinh thần đoàn kết giữa đồng bào Phật giáo với đồng bào các tôn giáo khác và nhân dân trong tỉnh; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế- xã hội, phòng, chống dịch COVID-19, phát triển sản xuất, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tham gia bảo vệ môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tăng ni và phật tử cùng các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Theo đó, hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động theo đúng pháp luật, tạo một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, lành mạnh.

TRẦN PHƯỚC- TUYẾT NGA