Về chính sách dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(Mặt trận) -Kế thừa thành tựu của những năm đổi mới, chính sách dân tộc của Đảng ta tiếp tục tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng lao động, trình độ sản xuất, quản lý xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các dân tộc. Những nỗ lực trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang xóa dần sự cách biệt về khoảng cách phát triển, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc. Nhưng chính sách dân tộc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang xuất hiện nhiều thách thức cần được nhận diện.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng các đại biểu người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân DTTS tiêu biểu (Ảnh: Ngọc Tuấn) 

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay

1. Loài người đã trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, và hiện nay là cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) mang tính đột phá, vượt trội so với các cuộc cách mạng trước đó, thể hiện ở các đặc trưng:

Một là, trí tuệ nhân tạo; internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn (BigData), Blockchain; công nghệ nanô, công nghệ gien, công nghệ vật liệu, công nghệ in 3D trong lĩnh vực chế tạo… là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhờ đó, đã tạo ra các loại máy móc, thiết bị tự động hóa, thông minh, làm cơ sở tạo ra dây chuyền sản xuất thông minh, hệ thống quản trị thông minh dần thay thế sự tham dự của con người trong một nền công nghiệp thông minh, nền nông nghiệp thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước, hệ thống thương mại, dịch vụ thông minh, tiêu dùng thông minh, đáp ứng nhu cầu từng cá nhân ở mọi lúc, mọi nơi.

Hai là, cách mạng công nghiệp 4.0 “động chạm” đến tất cả guồng máy xã hội, làm thay đổi căn bản phương thức sống và sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm giảm chi phí sản xuất, gia tăng chất lượng cuộc sống người dân và xã hội, đồng thời cũng tạo nên nhiều thách thức đối với mỗi cá nhân, tổ chức, mọi giai cấp, dân tộc, kể cả chính sách dân tộc trong quốc gia đa dân tộc, nên cần nhận diện để chủ động vượt qua.

2. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, gồm có 54 dân tộc anh em đoàn kết thống nhất thành một khối, nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt là sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc; đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang gặp khó khăn về điều kiện sống, sản xuất do thiếu đất, nước; vấn đề di dân tự do; đội ngũ cán bộ dân tộc còn hạn chế về trình độ; âm mưu chống phá của các thế lực thù địch... đã và đang tác động sâu sắc đến chính sách dân tộc của Đảng.

Quyền được bình đẳng, tự do phát triển của dân tộc là chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không chỉ trong các văn kiện của Đảng, mà trên thực tế, đồng bào dân tộc được bình đẳng, được tôn trọng thực sự; không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà cả trên lĩnh vực chính trị, và văn hóa xã hội, phát triển ngôn ngữ và văn học đồng bào đều được gìn giữ, bảo tồn.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chính sách dân tộc của Đảng ta về thực chất là áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào giải quyết quan hệ dân tộc, tiếp tục vận dụng sáng tạo nguyên tắc “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, đó là giải quyết mối quan hệ giữa cái toàn thể với cái bộ phận; giữa dân tộc chiếm đa số với dân tộc nhỏ bé, thiểu số, là xóa bỏ bất bình đẳng giữa các dân tộc, mà căn nguyên của nó là khác biệt về điều kiện phát triển, về lợi ích, là cơ sở dễ dẫn đến sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các dân tộc. Xóa bỏ sự khác biệt trong quan hệ giữa các dân tộc là cơ sở đi đến bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau.

Trong điều kiện các dân tộc có sự khác biệt về trình độ phát triển, về điều kiện sống, sinh hoạt thì chính sách dân tộc của Đảng được hiểu là: a) Chính sách, là những quyền đặc thù của những tộc người nhất định nhằm phát triển các tộc người thiểu số, trong điều kiện đặc biệt khó khăn; b) Ngoài quyền và nghĩa vụ như các dân tộc đa số, các dân tộc thiểu số còn được Nhà nước ưu tiên, hỗ trợ bằng các chủ trương, chính sách pháp luật riêng để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, không bị “bỏ lại” phía sau. Nói cách khác, chính sách dân tộc của Đảng ta không chỉ giới hạn ở những chính sách chung, phổ biến, áp dụng cho tất cả đồng bào thuộc mọi tộc người có tính thường nhật (ăn, uống, việc làm, thu nhập, sinh kế, học hành của con cái, nhà ở, thăm khám chữa bệnh…) mà còn là những giá trị đa dạng về chính trị (quyền tham gia chính quyền, bầu cử, quyền về an ninh và an toàn xã hội), khác biệt lối sống, bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết…

Tại Quyết định số 1747/QD-Ttg ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025, trong đó khẳng định: Giai đoạn 2021 - 2025: a) Xây dựng ít nhất 1.000 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả; trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở vùng miền núi, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến; b) Chuyển giao ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; c) Đào tạo ít nhất 1.500 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 60.000 lượt nông dân…

Các thành tựu trong ứng dụng công nghệ số, công nghệ sạch tiếp tục được Chính phủ triển khai áp dụng trong việc hỗ trợ, phát triển vùng dân tộc miền núi, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Cụ thể: a) Nhóm các chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế, bao gồm các chính sách hỗ trợ tín dụng đồng bào vay vốn phát triển sản xuất, trồng rừng, phát triển chăn nuôi với lãi suất thấp, không cần tài sản đảm bảo, đẩy mạnh cơ khí hóa nông nghiệp của các nông, lâm trường quốc doanh, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao mức sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc; giải quyết việc làm; b) Chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, với các Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình giảm nghèo, Chương trình định canh, định cư; Chương trình nông thôn mới; c) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; d) Số hóa trong việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Mông, Dao, Chăm, Khmer, Gia Rai...; e) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng bộ dữ liệu về dân tộc thiểu số (bao gồm: các lĩnh vực lịch sử văn hóa, lễ hội, phong tục văn hóa, các sản phẩm truyền thống…); xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trên thiết bị di động thông minh để phổ biến đường lối, pháp luật, giáo dục giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em; nâng cao nhận thức của đồng bào về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đấu tranh chống lại các hành vi chống phá của các thế lực thù địch đối với chính sách dân tộc của Đảng, đấu tranh chống tư tưởng nghi kỵ, phân biệt giữa dân tộc lớn và dân tộc nhỏ, giữa dân tộc nhiều người với dân tộc ít người,…; thực hiện tốt chủ trương của Đảng về “Chống kỳ thị dân tộc: nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”1.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, số hóa dữ liệu về chính sách dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng dân tộc, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển đã giúp đồng bào hiểu sâu sắc hơn trong điều kiện đất nước tồn tại nhiều dân tộc cùng sinh sống, và các dân tộc ở những trình độ phát triển kinh tế, xã hội, lịch sử văn hóa, dân tộc rất khác nhau, nên chính sách dân tộc, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc luôn là tâm điểm bị nhiều thế lực lợi dụng, xuyên tạc, chống phá, khi bọn chúng xuyên tạc, khoét sâu những tàn tích tư tưởng nghi kỵ, kỳ thị dân tộc.

Kế thừa thành tựu của những năm đổi mới, trong cách mạng công nghiệp 4.0 chính sách dân tộc của Đảng ta tiếp tục tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao trình độ sản xuất, trình độ quản lý xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các dân tộc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường ô tô tiếp tục được đầu tư xây dựng, hiện nay đã đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã. Diện mạo nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số dần từng bước được thay đổi; 99.8% số xã và 99,8% số thôn có điện; 100% số xã miền núi và vùng dân tộc đã có trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, trên 93% số trạm xá y tế xã có đủ trang thiết bị cần thiết. Tính đến năm 2020 đã có 295 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 50 tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc được cải thiện, hộ nghèo giảm nhanh. Phấn đấu đến năm 2030, không còn vùng đồng bào khó khăn.

Tôn trọng và bảo tồn văn hóa, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đến nay, bình đẳng giới trong giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, thể hiện ở tỉ lệ trẻ em đúng độ tuổi học tiểu học hoàn thành trên 98%; mục tiêu giáo dục tiểu học đạt 100%; phụ nữ từ 15 - 60 tuổi biết chữ đạt từ 88.8 % - 98,8%

Trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt từ khi Đổi mới đến nay, chính sách dân tộc của Đảng luôn hướng đến mục tiêu làm cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn nữa trên cơ sở chú ý sâu sắc đến lợi ích của các dân tộc thiểu số, đến đặc điểm và nguyện vọng dân tộc của họ theo tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng vì lợi ích của toàn thể quốc gia.

Những nỗ lực trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang dần xóa bỏ sự cách biệt về khoảng cách phát triển, cách biệt về lợi ích, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, thực hiện trên thực tế quyền của các dân tộc được sống trong hòa bình, an ninh, phát triển bền vững; quyền tự định đoạt trong thụ hưởng văn hóa, sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; quyền bình đẳng về lợi ích, quyền được tiếp cận các cơ hội phát triển; không để xảy ra sự nghi kỵ, xúc phạm các dân tộc nhỏ bé, yếu thế, xóa bỏ sự nghi ngờ, thù hận giữa các dân tộc.

Về thách thức, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Một là, quá trình tự động hóa, robot hóa trên diện rộng là xu thế tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng máy móc “tranh giành” công việc của con người lao động. Đồng bào dân tộc thiểu số vì đa phần không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, lại sống trong điều kiện thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc lạc hậu, sơ sài càng làm cho chi phí sản xuất cao, đội giá cả sản phẩm, nên sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra.

Hai là, nguy cơ gia tăng nhiều biểu hiện “bất thường” trong thực hiện chính sách dân tộc.

Bình đẳng là một giá trị được Đảng, cùng Nhà nước và Nhân dân ta phấn đấu và thực hiện thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc được sống trong hòa bình, bình đẳng, tự do phát triển. Cụ thể hóa Hiến pháp và pháp luật về bình đẳng dân tộc, đời sống đa số người dân tộc đã có cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, không còn tình trạng bất bình đẳng xã hội, dân tộc này áp bức dân tộc khác. Nhưng, nhiều yếu tố trước đây vốn là bệ đỡ của nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, bệ đỡ cuộc sống người dân tộc, ví như đất đai, tài nguyên, nhân lực thì nay do ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, các bệ đỡ này bị suy giảm, không còn nhiều ưu thế vượt trội nữa, là căn nguyên xuất hiện: a) Gia tăng tình trạng bất bình đẳng về việc làm, về cơ hội phát triển, chênh lệch về trình độ phát triển, phân hóa giàu nghèo giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người dân các vùng đồng bằng và thành thị; b) Gia tăng khoảng cách thu nhập và hưởng thụ sau lao động giữa các nhóm dân tộc, đặc biệt là giữa nhóm dân tộc ở trình độ phát triển cao với dân tộc còn ở trình độ phát triển thấp, giữa các nhóm dân tộc ở vùng đồng bằng, các trung tâm kinh tế, thương mại với các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; c) Tỷ lệ đồng bào chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông vẫn còn cao. Nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn trong tiếp cận dịch vụ giáo dục so với người dân cả nước nói chung. Chất lượng y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thăm, khám chữa bệnh của đồng bào; d) Văn hóa của đồng bào dân tộc có nguy cơ bị mai một ngày càng tăng do cơ chế thị trường, do di dịch cư.

Ba là, những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc bị mai một, thu hẹp lại. Cùng với đó là gia tăng sự xâm phạm trên quy mô lớn vào đời sống riêng tư của con người2 trong đó, không loại trừ đời sống đồng bào dân tộc. Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản, bất khả xâm phạm của con người, tuy nhiên do ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, nhất là các thiết bị di động thông minh, mà nhiều khi Facebook và mạng xã hội bằng các thuật toán thông minh có thể biết giới tính, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, quyền riêng tư, bị khai thác, rò rỉ nhằm nhiều mục tiêu khác nhau, không loại trừ cả mục tiêu thương mại, đã ảnh hưởng tới đời sống đồng bào người dân tộc.

Một số giải pháp tăng cường chính sách dân tộc trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Một là, hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là việc thử nghiệm trước khi áp dụng đại trà hệ thống điều khiển kỹ thuật số với cảm biến và điều khiển tự động vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng vật nuôi đặc sản vùng miền từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản theo tiêu chuẩn Vietgap, hữu cơ, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, giảm thiểu rủi ro liên quan đến thời tiết, khí hậu, đảm bảo an toàn sinh học, hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng, tạo thu nhập cao, bền vững cho đồng bào dân tộc.

Hai là, xóa đói giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo vùng đồng bào dân tộc trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm là các xã nghèo, huyện nghèo, đặc biệt khó khăn kết hợp với việc thay vì hỗ trợ, “cho không” các gói hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hoá cho đồng bào dân tộc sẽ dễ để lại hệ lụy là một bộ phận đồng bào dân tộc dựa dẫm, ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Nên gia tăng việc cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế, “khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng”3, và coi đây là khâu đột phá trong chính sách dân tộc hiện nay.

Ba là, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Trên cơ sở có chế tài bảo vệ đồng bào dân tộc trong quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống thiên tai, sạt lở, kết hợp với việc xử lý, thu hồi đất dôi dư sau quy hoạch, hoặc do các lâm trường, nông trường sử dụng thiếu hợp lý, thua lỗ, kém hiệu quả, sai mục đích; sau đó công khai, minh bạch giao đất cho đồng bào ở hoặc tăng gia sản xuất tạo sinh kế bền vững.

Bốn là, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng mạng dựa trên công nghệ thông tin kết hợp với đào tạo, tập huấn đồng bào trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử viễn thông và trí tuệ nhân tạo nhằm giúp đồng bào tiếp cận nhanh, chính xác các thông tin về thị trường, các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm sóc y tế, giáo dục góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Năm là, số hóa các chương trình, dự án về chính sách giáo dục - đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm đối tượng là các nhóm học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; trong đó học sinh được tiếp cận giáo dục là ưu tiên số một nhằm thúc đẩy bình đẳng về cơ hội trên cơ sở miễn giảm học phí, được hưởng chế độ cử tuyển. Thực hiện chế độ phụ cấp lương, thu nhập đối với giáo viên, điều kiện nhà ở, đất sinh hoạt đối với cán bộ miền xuôi lên công tác tại vùng dân tộc thiểu số.

Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em cần được coi là ưu tiên quan trọng trong chính sách dân tộc vì tỷ lệ suy dinh dưỡng quá cao ở trẻ em đã đặt ra yêu cầu cần giáo dục việc nuôi con bằng sữa mẹ và người mẹ là người dân tộc cần được nghỉ ngơi, chăm sóc đặc biệt trong quá trình mang thai, sinh đẻ.

Sáu là, tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, lối sống, xóa bỏ đố kỵ giữa các dân tộc, bảo tồn những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử của các dân tộc trong bối cảnh cách mạng 4.0 được quản trị một cách thông minh sẽ chỉ được diễn ra khi Đảng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ kết nối công nghệ, sử dụng thực tế ảo tăng cường để khai thác du lịch, nhất là những vùng đồng bào dân tộc vốn từng là căn cứ cách mạng, vì đây là lợi thế so sánh trong phát triển du lịch, sẽ là cơ sở tăng thu nhập, đảm bảo sinh kế bền vững cho đồng bào.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 165.

2. Jurisaya mov: An ninh con người với tư cách là vấn đề tòan cầu: Những vấn đề lý luận phục vụ lãnh đạo, số 3/2021.

3. Nghị quyết số 24/2021/ QH15: Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

TS,.Nguyễn Trần Thành, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh