Văn Chấn triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có tổng diện tích tự nhiên 1.129 km2 với 3 thị trấn và 21 xã, trong đó có 12 xã và 2 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) (ở thị trấn Sơn Thịnh). Dân số toàn huyện trên 12,6 vạn người, riêng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 65%.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn được hỗ trợ trâu giống để phát triển kinh tế.

Với địa hình rộng, trải dài, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, nhất là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. 

Trước tình hình đó, huyện Văn Chấn luôn xác định việc triển khai kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chính sách dân tộc có vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện. 

Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết, năm 2022, huyện đã tập huấn tuyên truyền về công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc cho 66 đại biểu; cấp phát tài liệu hoạt động cho 130 người có uy tín trong đồng bào DTTS; phát 15 điện thoại thông minh cho người uy tín, hướng dẫn người uy tín sử dụng tính năng của điện thoại thông tin để phục vụ công tác cơ sở. 

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã thực hiện giải ngân trên 30,6 tỷ đồng triển khai xây dựng 10 công trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngoài ra, hàng năm, huyện chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề chủ yếu như: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, trồng dâu nuôi tằm… và đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp như: kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp; xây dựng… 

Năm 2022, huyện đã đào tạo nghề cho 2.640 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt gần 62%. Các đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc đối tượng người có công. Nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập lâu dài, nhất là với nghề xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng… 

Bên cạnh các chính sách, nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, hàng năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn triển khai 15 chương trình vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho trên 11.000 hộ là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, tiếp cận trên 580 tỷ đồng vốn chính sách. Từ những nguồn vốn chính sách này, năm 2022, toàn huyện có 2.095 hộ thoát nghèo. 

Cùng với đó, hết năm 2022, toàn huyện có 3 xã ĐBKK hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; trên 95% người dân có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Cùng với việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế, huyện Văn Chấn cũng đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS. 

Năm qua, huyện đã gia hạn, bổ sung, in và cấp thẻ cho 56.000 người người dân vùng DTTS khó khăn; tổ chức thăm hỏi, động viên người có uy tín, thân nhân người có uy tín. Với việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống đồng bào các xã, thôn, bản vùng DTTS ở Văn Chấn đã từng bước được nâng lên; diện mạo làng quê có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững; lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước được tăng cường, tạo đà để kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Văn Chấn tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện; đầu tư có trọng tâm, hiệu quả cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS về kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS tại các xã ĐBKK...

Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo cho người dân, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hùng Cường