Vai trò người uy tín trong xây dựng cuộc sống mới

(Mặt trận) -Những năm qua, già làng, người có uy tín ở xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân; gương mẫu, vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới tại địa phương.

Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên gặp gỡ, biểu dương các điển hình tiên tiến trong các tổ chức tôn giáo năm 2024

Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng gặp mặt chức sắc tôn giáo tiêu biểu

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

 Người có uy tín xã Tân Thượng luôn gương mẫu trong tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới

Xã Tân Thượng có tổng số 4 già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên. Với cương vị là người có uy tín, họ luôn phát huy vai trò, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân, vận động gia đình, bà con trong xã chủ động vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, đô thị văn minh. Điển hình như ông K’Chiểu - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận Thôn 4, tuy tuổi đã cao, con trai út là lao động chính của gia đình hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng ông vẫn tích cực vừa tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, vừa nỗ lực phát triển kinh tế gia đình.

Ông K’Chiểu chia sẻ: “Là người có uy tín, bản thân tôi và gia đình luôn gương mẫu trong mọi công việc, qua đó mới có cơ sở tuyên truyền cho bà con thực hiện, làm theo và luôn có tinh thần trách nhiệm cao trước bà con trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.

Với 3 ha cà phê, đến nay, gia đình ông K’ Chiểu đã tái canh được 1,6 ha, cùng đó thực hiện mô hình trồng xen 340 cây bơ, sầu riêng và hồ tiêu. Toàn thôn có 376 ha cà phê thì đến nay bà con đã chuyển đổi bằng hình thức tái canh được 144 ha, đạt khoảng 70% diện tích. Nhờ tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng nên đời sống kinh tế của bà con từng bước được ổn định, ý thức tham gia xây dựng nông thôn mới được nâng cao. “Đến nay, bà con Thôn 4 đã hiến đất và 6.000 cây cà phê với giá trị 1,2 tỷ đồng, đóng góp trên 647 triệu đồng xây dựng hội trường thôn, đường điện thắp sáng và bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất... Mặc dù thôn đã được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu nhưng chúng tôi đang tiếp tục vận động bà con đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cổng, sân, hàng rào...”, ông K’Chiểu phấn khởi nói. 

Còn đối với ông K’Biểu - Trưởng ban Công tác Mặt trận, người có uy tín Thôn 2 cũng luôn đi sâu, đi sát, gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con trong thôn. Nhờ đó, ông K’Biểu luôn chủ động, kịp thời tham mưu, phản hồi lên cấp ủy, chính quyền địa phương về chính sách dân tộc, xây dựng nếp sống mới và các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân... Đồng thời, ông cùng chính quyền địa phương tích cực vận động bà con trong xã tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xóa bỏ các phong tục không còn phù hợp, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Do đó, nhiều năm nay, đồng bào đã xóa bỏ mê tín dị đoan, nhiều hộ dân đã từ bỏ rượu, bia và từ năm 2020, Thôn 2 không còn xảy ra tình trạng tảo hôn.

Ông K’Biểu cho biết: “Trong công tác tuyên truyền, vận động có những công việc cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nếu biết cách tuyên truyền thấu tình, đạt lý thì bà con sẽ hiểu và sẵn sàng làm theo”.

Những năm qua, già làng, người có uy tín ở xã Tân Thượng nói riêng và huyện Di Linh nói chung luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xóa bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp ra khỏi cuộc sống sinh hoạt ở cộng đồng dân cư. Tuyên truyền, vận động bà con luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin và không theo lời kẻ xấu xúi giục. Bên cạnh đó, già làng, người có uy tín còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động Nhân dân thực hiện tốt Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tạo diện mạo mới ở các thôn, buôn. 

Ông K’Brồi - Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, chia sẻ: “Mặc dù tuổi đã cao nhưng người có uy tín không chỉ tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình mà còn tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân. Bên cạnh đó, người có uy tín đã phát huy tốt vai trò quan trọng của mình trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.

 LAM PHƯƠNG