Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Hà Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng trong đồng bào các DTTS

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tập hợp đồng bào các dân tộc nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu...

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Người có uy tín thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) vận động con cháu, người dân trong thôn phát triển kinh tế từ mô hình nuôi bò.

Theo bà Dương Ánh Phượng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang, việc nắm thông tin, dư luận xã hội được MTTQ tỉnh quán triệt tới MTTQ các cấp bằng nhiều hình thức, như thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, các buổi sinh hoạt đoàn thể, họp thôn, tổ dân phố, đối thoại trực tiếp với người dân. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hà Giang đã huy động được sự tham gia hiệu quả của những người có uy tín, già làng để nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội và tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề người dân quan tâm. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách được nhân dân tích cực ủng hộ.

Năm 2022, MTTQ các cấp trong tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện tại địa phương, đóng góp làm đường giao thông nông thôn, chung tay bảo vệ môi trường; duy trì phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tự quản, tự hòa giải”; phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa, xóa bỏ các hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. MTTQ các cấp trong tỉnh đã phát huy rõ nét vai trò nắm bắt dư luận nhân dân trong việc hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19. Các thông tin từ nhân dân về chủ trương, chính sách đất đai, các phương án đo đếm, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các chính sách hỗ trợ người dân, hộ nghèo cơ bản được đội ngũ cán bộ cơ sở nắm, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc để giải đáp, tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang cho biết, người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Vì vậy, MTTQ tỉnh Hà Giang thường xuyên quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn và định hướng nhiệm vụ, nội dung tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đang thực hiện và mới ban hành. Qua đó đã phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Cụ thể như tục thách cưới cao đã giảm tại một số dòng họ dân tộc Mông ở xã Tả Ván, Nghĩa Thuận, Thái An; dân tộc Dao ở xã Tùng Vài, Lùng Tám, Quyết Tiến. Tục ép hôn, gả bán hầu như không còn ở đa số đồng bào các dân tộc như dân tộc Tày, Dao, Nùng. Đặc biệt đồng bào dân tộc Mông cơ bản đã xóa bỏ được tục kéo vợ, trước đây diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các nghi lễ tổ chức đám cưới đã được giảm bớt, tiết kiệm ở một số nơi…

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, theo bà Dương Ánh Phượng, MTTQ tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình nhân dân, nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp tại địa bàn khu dân cư để cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề nổi cộm ngay khi mới phát sinh, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, từ đó góp phần tăng cường và củng cố tình đoàn kết tại địa phương.

Năm 2022, MTTQ các cấp tỉnh Hà Giang đã tổ chức tuyên truyền được 2.560 buổi, với 19.620 lượt người tham gia bằng nhiều hình thức như loa di động, tuyên truyền tại các chợ phiên, tuyên truyền trên các cụm loa phát thanh tại cơ sở, xây dựng video tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội; tổ chức các hội thảo, hội thi về xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Sau thời gian thực hiện, cơ bản người dân đồng tình ủng hộ, nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ.

Tiến Đạt