Ưu tiên nguồn lực phát triển nhóm đồng bào dân tộc khó khăn đặc thù

(Mặt trận) -Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 5 dân tộc thiểu số rất ít người, gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao nằm trong số 14 dân tộc khó khăn đặc thù vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1227, ngày 14-7-2021. Những dân tộc thiểu số này luôn được sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư toàn diện của Chính phủ và các cấp chính quyền.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tùng Vài, BĐBP Hà Giang hỗ trợ xây nhà cho người dân nghèo trên địa bàn. 

Nhằm nỗ lực thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều chính sách vực dậy vùng lõi nghèo này. Theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, nhằm bảo đảm triển khai thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với địa bàn, giai đoạn 2015-2020, tỉnh Hà Giang đã chủ động xây dựng 10 nghị quyết, 39 đề án đặc thù và vận dụng linh hoạt, sáng tạo 19 nghị quyết và 56 đề án của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, với tổng kinh phí thực hiện trên 1.560 tỷ đồng.

Theo đó, các chính sách dân tộc đã phát huy tốt trong thực tiễn, trong đó phải kể đến Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang đã phân cấp, đầu tư 47 công trình cơ sở hạ tầng với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng, trong đó: Xây dựng 16 công trình đường giao thông, cầu cống; 18 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; 3 công trình điện sinh hoạt; 9 nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học và 1 công trình hạ tầng khác.

Hà Giang cũng bố trí hơn 100 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa; công tác thông tin tuyên truyền, y tế, giáo dục và an sinh xã hội cũng được quan tâm. Bên cạnh các chính sách đặc thù này, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người vẫn được thụ hưởng chính sách từ các chương trình, đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 30a, 135; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...

Từ năm 2021, các đề án, chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình này đang được kỳ vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Viết Lam