Ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) -Những chương trình, dự án hỗ trợ kinh tế-xã hội đang triển khai không chỉ mang lại những đổi thay rõ rệt, nâng cao mức sống của người dân mà còn tạo sức bật, động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Cây cà-phê chất lượng cao đã giúp người dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cùng với những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn những hạn chế và nhiều khó khăn. Để tìm những giải pháp phù hợp, bên cạnh các chính sách ưu tiên, ưu đãi, mỗi địa phương thực hiện nhiều chương trình đặc thù, chính sách cụ thể, sát, đúng với thực tiễn trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực cho công tác này.

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Điện Biên còn 7/10 huyện, thị xã, thành phố thuộc diện nghèo với tổng số 93 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao lại chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao, biên giới thuộc các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ hay các địa bàn thuộc Điện Biên Đông, Tủa Chùa.

Chương trình “Mái ấm nghĩa tình” của Điện Biên đặt mục tiêu từ nay đến năm 2024 sẽ huy động hơn 335 tỷ đồng hỗ trợ 6.698 hộ nghèo ở các huyện: Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ làm nhà ở theo tiêu chuẩn “3 cứng” với định mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà.

Hoàn thành mục tiêu này là nhiệm vụ không đơn giản, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đề ra kế hoạch lộ trình thực hiện cụ thể, đồng thời xác định phương thức huy động nguồn đầu tư rõ ràng.

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết: Trên tinh thần chủ động tạo nguồn tại địa phương, Tỉnh ủy yêu cầu hằng năm cấp tỉnh tiết kiệm 10% chi thường xuyên; cấp huyện tiết kiệm 5% để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Bên cạnh đó, tỉnh có chủ trương huy động sự đóng góp của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua Quỹ Vì người nghèo tỉnh, cùng chung tay ủng hộ làm nhà cho người nghèo với mục tiêu 100% hộ nghèo khó khăn có nhà ở trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, những năm qua, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, trong đó phải kể đến việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương.

Tại tỉnh Quảng Trị, việc thực hiện chủ trương thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để trồng cà-phê chất lượng cao thật sự ý nghĩa, giúp đời sống, thu nhập của đồng bào Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa cải thiện không ngừng.

Trở lại mảnh đất Hướng Hóa anh hùng, đời sống và cảnh quan từ thị trấn Khe Sanh, trung tâm huyện lỵ cho đến các xã vùng sâu, vùng xa, đều thay da đổi thịt. Công ty TNHH Pun Coffee ở xã Hướng Phùng triển khai mô hình nông-lâm kết hợp, hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, hỗ trợ đồng bào Vân Kiều cây giống sưa đỏ và phân bón, kỹ thuật để trồng xen vào vườn cà-phê nhằm vừa tạo bóng mát, vừa đem lại thu nhập kết hợp.

Để tăng cường kết nối trong cộng đồng, công ty chủ động thành lập tổ hợp tác sản xuất cà-phê gồm hơn 90 hộ người Vân Kiều ở xã Hướng Phùng và Hướng Sơn với tổng diện tích hơn 50ha.

Gia đình chị Hồ Thị Khăn ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng có 0,5ha cà-phê trồng từ năm 1999. Trước đây, cũng giống nhiều người dân trong vùng, cà-phê của gia đình chị trồng nhờ chủ yếu vào trời đất, được chừng nào hay chừng đó.

Năm 2019, gia đình chị được Công ty TNHH Pun Coffee hỗ trợ kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch với phương châm “cầm tay chỉ việc” cho nên sản lượng sản xuất nâng lên. Nhờ đó, chị Khăn mua thêm đất mở rộng diện tích được 1,2ha cà-phê, sản lượng vườn cây đạt 8 tấn/năm. Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo càng được thể hiện rõ hơn trong Nghị quyết số 13 của huyện về Đề án “Chuyển đổi, phục hồi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030” để thực hiện phục hồi, tái canh 780ha cây cà-phê.

Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền trung. Các vùng này chiếm 3/4 diện tích của cả nước; là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta; đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Vì thế, một hướng đi hiệu quả mà các địa phương thực hiện không chỉ huy động nhiều nguồn lực mà còn linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án để giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” mà Kon Tum phát động vào năm 2021 được coi như làn gió mới, lan tỏa đến từng thôn, làng.

Nằm phía bắc tỉnh Kon Tum, sau một năm triển khai cuộc vận động, huyện Đắk Hà đã có 2.636/3.676 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo trên địa bàn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Hà Bùi Thị Hoàng Oanh cho biết: Huyện đã xác định rõ những nếp nghĩ, cách làm mà đồng bào dân tộc thiểu số cần thay đổi hoặc học hỏi để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phối hợp thực hiện, lồng ghép công tác tuyên truyền; lan tỏa nhiều tấm gương điển hình tiên tiến để người dân học hỏi và làm theo.

Điện Biên xác định nhiệm vụ tập trung xóa đói, giảm nghèo, nhất là với những nơi từng là căn cứ địa cách mạng, từng là nơi đồng bào đã bao bọc, chở che cho cán bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Trong số các mục tiêu được hoạch định cụ thể trên từng lĩnh vực, ngành, nghề trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa 14 đã xác định từ nay đến trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cấp ủy, chính quyền cùng các ngành, đoàn thể sẽ quyết tâm, tập trung ý chí cao nhất hoàn thành 2 chương trình “Bừng sáng Điện Biên” và “Mái ấm nghĩa tình”.

Chương trình “Bừng sáng Điện Biên” thực hiện từ nay đến năm 2024 dành hơn 1.160 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, vốn Trung ương, vốn cân đối ngân sách địa phương và vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư nguồn điện, lưới điện đưa lưới điện quốc gia đến 100% thôn, bản trong toàn tỉnh với ít nhất 98% số hộ dân được sử dụng điện.

Ngoài nguồn vốn ngân sách, Điện Biên phấn đấu mỗi năm huy động khoảng 1.425 tỷ đồng triển khai các dự án phát triển mắc-ca; duy trì và khai thác hiệu quả diện tích cây chè, cao-su, cà-phê hiện có; qua đó tạo việc làm cho gần 16 nghìn lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Chương trình là một bước triển khai thực hiện phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chương trình giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 với nhiều điểm mới về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, phải kể đến những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn luôn được các địa phương quan tâm.

Phạm Cường