Tuyên truyền bầu cử ở vùng dân tộc thiểu số - Chọn cách làm hay để có được những đại biểu ưu tú

(Mặt trận) -Vùng đồng bào DTTS và miền núi không chỉ là địa bàn khó khăn về giao thông, mà nhận thức của một bộ phận đồng bào vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được các địa phương rất quan tâm với mong muốn đảm bảo được quyền lợi của các cử tri người DTTS, từ đó lựa chọn được các đại biểu ưu tú, xuất sắc nhất.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền về bầu cử tại xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn

 Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2016 sẽ diễn ra vào Chủ nhật ngày 23/5/2021. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này, các địa phương vùng DTTS và miền núi đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tuyên truyền trên trang Thông tin điện tử huyện, trên hệ thống loa truyền thanh của huyện và của các xã, thôn, bản, tuyên truyền qua các hội nghị tập huấn, hội nghị hiệp thương, các buổi họp thôn, tuyên truyền trực quan qua panô, áp phích, tờ rơi… Đặc biệt chú trọng tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm môi trường sống của đồng bào, nhất là tuyên truyền bằng tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS để đồng bào hiểu đúng mục đích, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Đến từ tỉnh Quảng Ninh – địa phương có 42 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, ông Vũ Kiên Cường – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, để công tác tuyên truyền cho đồng bào Dao, đồng bào Tày ở các huyện miền núi đạt hiệu quả, Ban Dân tộc Quảng Ninh đã tham mưu để các bộ phận thực hiện công tác tuyên truyền tăng thời lượng phát thanh; chú trọng tới các hình ảnh trực quan (tờ rơi, panô áp phích…) để đồng bào dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc biệt, thay vì chỉ tuyên truyền tập trung, cán bộ thay nhau xuống tận các hộ đồng bào DTTS thông tin, giải thích để đồng bào hiểu: đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri. Bầu ra được những người đại diện ưu tú sẽ đồng nghĩa với việc đồng bào sẽ có thêm tiếng nói uy tín, chất lượng để tham gia xây dựng, đề xuất, giám sát việc thực hiện chính sách, nhất là chính sách liên quan tới vùng đồng bào DTTS, miền núi… Chính vì vậy, để có được đại biểu ưu tú, đồng bào phải hiểu được về lý lịch, năng lực cũng như tâm huyết, trách nhiệm của những đại biểu mà mình sẽ bầu ra.

Thực hiện sớm và đúng hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết tuyên truyền vận động bầu cử ở các thôn, bản có đông đồng bào dân tộc. Trong đó, chú trọng lồng ghép vào các lớp tập huấn dành cho người có uy tín – những người là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân; lồng ghép qua các cuộc thi của 11 mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết. “Tại các cuộc thi, các tuyên truyền viên sẽ dành thời gian hướng dẫn bà con về ý nghĩa của bầu cử, cách thức bỏ phiếu, lựa chọn đại biểu... Lưu ý bà con khi đọc danh sách đại biểu phải cầm theo giấy bút để dự kiến những đại biểu mà mình sẽ bầu. Ngoài ra, ở các vùng khó khăn, có đông đồng bào Mông, Dao, Ban Dân tộc Bắc Kạn còn tham mưu xây dựng nội dung tuyên truyền bằng tiếng Mông, Dao phát thường xuyên trên loa phát thanh để bà con nắm được” – bà Triệu Thị Thu Phương – Trưởng Ban Dân tộc Bắc Kạn – địa phương có tới 88% dân số là người DTTS - cho hay.

Với vai trò, tinh thần trách nhiệm của mình, các đại biểu hội đồng nhân dân sẽ là những người tiếp thu và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh với cấp ủy. Từ đó, chính quyền sẽ có những điều chỉnh, giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn (nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc sống như: Chính sách vay vốn, hỗ trợ đầu tư xóa đói giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng…) của địa phương. Chính vì vậy, bà con quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu để lựa chọn được những đại biểu ưu tú, cũng chính là đang chung sức góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo dựng cuộc sống ấm no cho gia đình, thôn bản.

Hoàng Mai