Tuyên Quang quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đó, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực...

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Mô hình phát triển kinh tế của đồng bào DTTS huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình có gần 500 hộ với trên 2.300 nhân khẩu, trong đó có hơn 60% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tập trung chủ yếu ở thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng. Từ các nguồn vốn, các chương trình dự án đã có nhiều công trình được xây dựng tại địa bàn xã Xuân Lập như: Xây dựng nhà lớp học mầm non ở thôn Khuổi Trang, làm đường bê tông tại các thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng, Nà Lòa; xây dựng nhà văn hóa thôn Nà Lòa, Lũng Giềng, Khuổi Trang... Các công trình được đưa vào sử dụng phần nào đã tạo điều kiện cho người dân trong xã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng trực tiếp giúp đời sống của người Mông từng bước được nâng lên. Bà con chịu khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng với nguồn vốn Chương trình 135, người dân trong xã đã được hỗ trợ để mua trâu giống phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, trong đó gần 60% số hộ là người Mông được tiếp cận nguồn vốn. Anh Ma Văn Thành, dân tộc Mông là một trong những hộ dân ở ở thôn Khuổi Củng đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135. Gia đình anh Thành được hỗ trợ con giống, tiếp cận với nguồn vốn của ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển rừng, nuôi trâu, lợn bản địa. Đến nay, gia đình anh Ma Văn Thành đã có thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng, cuộc sống dần trở lên khấm khá hơn.

Cũng giống xã Xuân Lập, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cũng đã có những đổi thay lớn từ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước. Với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước đây, xã Hùng Lợi gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trong xã. Sự hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình 135; Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt theo Quyết định 2085; Chương trình vay vốn phát triển sản xuất... đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước ổn định đời sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 68,9% năm 2016 xuống còn 29,9% vào đầu năm 2020.

Tìm hiểu được biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với dân số trên 780 nghìn người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 53,7%. Nhằm giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có cuộc sống ổn định, những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc được tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng. Điển hình như năm 2020, thực hiện “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025” theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Tuyên Quang đã được triển khai đầu tư 02 công trình giao thông, hỗ trợ sinh kế phát triển sản xuất trên địa bàn xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình và xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa với tổng kinh phí thực hiện trên 10.767,0 triệu đồng, từ đó đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo đối với DTTS rất ít người của tỉnh. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình đã được quan tâm đầu tư xây dựng tại các khu vực sinh sống của đồng bào DTTS như: Công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học, công trình điện, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình y tế...; hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 4.000 lượt hộ DTTS, gồm các loại giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy phun thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn tại vùng đồng bào DTTS.

 Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, 100% xã vùng cao của tỉnh Tuyên Quang đều đã có đường ô tô đến tận trung tâm.

Nhờ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đang ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020 giảm còn 9,03%, trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 15,09% trên tổng số hộ DTTS toàn tỉnh (tương đương 16.238 hộ dân tộc thiểu số nghèo) tỷ lệ giảm trên 3% so với năm 2019; đến đầu năm 2021, 100% xã, trên 99% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 98% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 86% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,2 triệu đồng/năm.

Theo đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, hiệu quả từ việc huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước gắn với các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Phát huy vai trò nòng cốt, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân tộc như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất; đẩy mạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào DTTS nghèo... Qua đó, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống đồng bào DTTS theo hướng hiệu quả, lâu dài, bền vững./.

Vũ Linh