Tuyên Quang: Nâng cao vai trò, vị thế người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu

(Mặt trận) -Thời gian qua, người có uy tín và người dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang luôn được đồng bào tín nhiệm. Vì gần dân, sát dân, hiểu dân, lực lượng này có khả năng tác động, tập hợp quần chúng. Họ là “mắt xích” quan trọng giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò và vị thế người có uy tín, người DTTS tiêu biểu không ngừng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Chính sách đảm bảo bình đẳng, đoàn kết, tương trợ

Theo đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tính đến tháng 10-2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài ra, hiện nay còn 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng DTTS và miền núi. Từ tỉnh đến cơ sở luôn quán triệt và triển khai thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong công tác dân tộc, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn đề cao vai trò người có uy tín, chú trọng, thực hiện chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS: cung cấp thông tin; hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; biểu dương, khen thưởng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

 Anh Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương) tham quan mô hình kinh tế của đồng bào Sán Dìu.

Từ năm 2021 đến năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 3.351 lượt người có uy tín. Trong đó, có 2.030 người có uy tín là đảng viên. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức 18 hội nghị cung cấp thông tin cho trên 1.440 lượt người có uy tín; phát miễn phí Báo Tuyên Quang, Báo Dân tộc và Phát triển cho trên 3.000 lượt người có uy tín. Toàn tỉnh tặng quà cho 3.351 lượt người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán; thăm hỏi, hỗ trợ cho 326 lượt người có uy tín bị ốm đau và gia đình người có uy tín khi gặp hoạn nạn.

Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố còn chú trọng chỉ đạo, công tác biểu dương, khen thưởng; tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều địa phương trong cả nước. 3 năm qua, đã có gần 900 người có uy tín được cấp huyện, tỉnh biểu dương, khen thưởng; 240 lượt người có uy tín được tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố.

Nâng cao vị thế người dân tộc thiểu số

Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc đã động viên, khích lệ kịp thời; xây dựng và củng cố lòng tin vững chắc của đồng bào DTTS, người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với Đảng, chính quyền. Đây là nền móng để người DTTS và người có uy tín phấn đấu trở thành công dân tốt, những “hạt nhân” tiêu biểu trong cộng đồng dân cư. Vị thế của người có uy tín, người DTTS được nâng lên, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào DTTS, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Anh Lê Văn Thanh, dân tộc Sán Dìu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hội Kế, xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã có gần 10 năm là cán bộ chủ chốt của thôn. “Chúng tôi luôn được Đảng, nhà nước quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất. Là cán bộ cốt cán, tôi nhận thức sâu sắc về vai trò của đảng viên trong triển khai, vận động đảng viên, quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của đồng bào Sán Dìu để phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Từ năm 2016 đến nay, anh Thanh cùng tập thể chi bộ, đã vận động, huy động đồng bào dân tộc Sán Dìu đóng góp nguồn lực trị giá gần 750 triệu đồng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới của địa phương. Dưới sự lãnh đạo của anh Thanh, tập thể chi bộ, 11 năm qua, Câu lạc bộ Hát Soọng Cô thôn Hội Kế với 24 thành viên hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc Sán Dìu.

Cũng như anh Thanh, với sự biết ơn, niềm tin yêu vào Đảng, Nhà nước, người DTTS tiêu biểu và người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã thi đua sôi nổi qua các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực. Họ đã khẳng định vị thế, vai trò tiên phong, nòng cốt trên nhiều mặt trận.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, người DTTS tiêu biểu luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; vận động người thân trong gia đình, cộng đồng tích cực sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, người DTTS tiêu biểu đã tích cực vận động cộng đồng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đồng bào các DTTS tự nguyện đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính đời sống đồng bào DTTS, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Người DTTS tiêu biểu đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước thôn, bản; ăn, ở hợp vệ sinh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Nhiều người chủ động tham gia, trở thành nòng cốt trong hoạt động trong các mô hình, câu lạc bộ về: Phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng gia đình bình đẳng trong chị em phụ nữ DTTS; gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Với sự am hiểu về văn hóa truyền thống, các nghệ nhân là người DTTS nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Vừa đưa các chủ trương chính sách, pháp luật đến các thôn, bản, tổ nhân dân và từng hộ gia đình, đội ngũ người có uy tín và người DTTS tiêu biểu thường xuyên giáo dục con cháu trong gia đình và cộng đồng không vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội; giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe kẻ xấu kích động, xúi giục.

Lực lượng là cánh tay đắc lực khi kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, vướng mắc ngay từ cơ sở, tiêu biểu là bà Giàng Thị Chía, thôn Ngòi Khù, xã Đạo viện (Yên Sơn); ông Lương Thái Hồng, dân tộc Tày, thôn Chương, xã Hùng Lợi (Yên Sơn); ông Hoàng Văn Dự, dân tộc Mông, thôn Tháng 10, xã Yên Lâm (Hàm Yên); ông Triệu Văn Nhất, thôn Bản Tàm, xã Sơn Phú (Na Hang).

Với 22 dân tộc anh em cùng chung sống, đồng bào DTTS chiếm gần 57% so với dân số toàn tỉnh, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo tư tưởng lãnh đạo của Đảng: Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các DTTS.

Đó là kim chỉ nam cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS và người DTTS tiêu biểu đối với sự phát triển của địa phương, phấn đấu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bích Hằng