Tuyên Quang: Nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc

(Mặt trận) -Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có 07 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố và 06 huyện), có 138 xã, phường thị trấn với 1.739 thôn, tổ nhân dân; là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống (46 thành phần dân tộc). Dân số của tỉnh Tuyên Quang hiện nay là 784.811 người, trong đó DTTS 445.488 người, chiếm 56,76% dân số toàn tỉnh. Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 toàn tỉnh có 61 xã thuộc khu vực III và 699 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn (trong đó có 127 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II).

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

Trong những năm vừa qua, bằng nguồn vốn của một số chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quan được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 24,05%, bình quân giảm 6,01%/năm. Tính đến cuối năm 2020, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện kiên cố hóa 1.004 km kênh mương; xây dựng 934 nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố; bê tông hóa 633 km đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất và nhiều các công trình hạ tầng khác…qua đó phục vụ tốt cho quá trình phát triển KT-XH, nâng cao đời sống và thực hiện giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS.

Ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg  Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Theo Quyết định nêu trên, tỉnh Tuyên Quang có tổng số 121 xã được phê duyệt (trên tổng số 138 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh), trong đó có 50 xã thuộc khu vực III, 15 xã thuộc khu vực II, 56 xã thuộc khu vực I. Xã khu vực III được xác định là xã đặc biệt khó khăn, do đó, toàn bộ thôn thuộc xã khu vực III cũng được xác định là thôn đặc biệt khó khăn.

 Những năm gần đây, vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc

Đồng thời, theo thẩm quyền được giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021). Theo đó, tỉnh Tuyên Quang có 120 thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II và xã khu vực I. Căn cứ theo hai văn bản nêu trên, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Tuyên Quang có tổng số 658 thôn đặc biệt khó khăn (bao gồm 538 thôn thuộc xã khu vực III; 48 thôn thuộc xã khu vực II; 72 thôn thuộc xã khu vực I). Trước đó, giai đoạn 2016-2020, danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt theo Quyết định số 582/QĐ –TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Tuyên Quang có 141/141 xã được phê duyệt, trong đó có 61 xã khu vực III, 54 xã khu vực II, 26 xã khu vực I; 699 thôn đặc biệt khó khăn.

So sánh danh sách số thôn, xã được phê duyệt theo Quyết định số 582/QĐ –TTg ngày 28/4/2017 và Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 cho thấy, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Tuyên Quang giảm 11 xã khu vực III, giảm 39 xã khu vực II, giảm 41 thôn đặc biệt khó khăn. Tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 quy định: các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt theo Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách đã áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực. Việc rà soát, phân định xã khu vực I, II, III và thôn đặc biệt khó khăn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Xã khu vực III là xã đặc biệt khó khăn; xã khu vực II là xã còn khó khăn; xã khu vực I là xã bước đầu phát triển.

Đồng bào dân tộc xã Phúc Sơn phát triển vùng lạc hàng hoá tại địa phương 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Quốc hội khoá 14 phê duyệt đề án tại Nghị quyết số 88/2019/QH 14 ngày 18/11/2019, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh đề xuất với Tỉnh uỷ đưa nội dung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh vào Chương trình hành động số 01-CTrHĐ/TU ngày 18/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, Ban Dân tộc đã chủ động xây dựng đề cương, nhiệm vụ của Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; triển khai rà soát, xác định đối tượng, phạm vi, nhu cầu vốn thực hiện của 10 dự án thành phần làm cơ sở thông qua tại kỳ họp thứ 5, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII).

Hiện nay, mặc dù Trung ương chưa phê duyệt báo cáo khả thi, chưa ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và chưa bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình; nhưng để tận dụng tối đa về thời gian thực hiện chương trình, kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chủ động báo cáo, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh năm 2021 gồm 7 mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới đối với 3 xã khu vực III và 1 xã khu vực II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%/năm; Hỗ trợ 255 hộ làm nhà ở đảm bảo 3 cứng theo quy định, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 2.000 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 205 hộ; Thực hiện di chuyển, ổn định dân cư cho 30 hộ; Phấn đấu đến hết năm 2021 có 3 tuyến đường trung tâm xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư theo hướng đô thị; Chuyển đổi 5 trường phổ thông thành Trường Phổ thông dân tộc bán trú; Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thôn bản theo tiêu chí nông thôn mới, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em.

Để thực hiện được những mục tiêu, tỉnh đã xây dựng 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng nguồn vốn dự kiến năm 2021 là trên 491 tỷ đồng, nguồn vốn thực hiện đợt 1 năm 2021 là trên 171 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc thực hiện chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh so với bình quân chung của cả nước. Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển…Do đó, đồng chí đề nghị các sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để hướng dẫn, triển khai thực hiện những nội dung dự án, tiểu dự án thuộc trách nhiệm quản lý, phụ trách của cơ quan, đơn vị. Chủ động hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra theo dõi, quản lý việc thực hiện Chương trình ở cơ sở. Các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2021 trên địa bàn quản lý theo phân cấp, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình năm 2021 đảm bảo đúng tiến độ; Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhân dân địa phương trong thực hiện kế hoạch. 

Khánh Quyên