Tuyên Quang: Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông

(Mặt trận) -Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Tuyên Quang đã huy động nhiều nguồn lực để chăm lo và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông. Nhờ triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, dự án ở vùng đồng bào dân tộc Mông, đời sống đồng bào Mông cải thiện rõ rệt, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mông.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ngôi nhà xây mới của gia đình chị Sầm Thị Mềnh, dân tộc Mông, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm được hoàn thành từ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tỉnh Tuyên Quang đã huy động nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất đời sống, phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc, chống suy dinh dưỡng; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Mông.

Năm 2023, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hàm Yên và Yên Sơn. Việc triển khai hai Đề án này ở Yên Sơn và Hàm Yên đã được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Từ đó tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Mông với Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về cả đời sống vật chất và tinh thần trong vùng đồng bào Mông.

Đồng chí Ma Văn Liên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Yên cho biết, Đề án hiện nay đang được triển khai tại 13 thôn của 4 xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Yên Lâm, Yên Phú, Tân Thành, Minh Hương. Từ năm 2022 đến nay, huyện Hàm Yên đã lồng ghép các nguồn vốn, huy động nhiều nguồn lực để hoàn thành hỗ trợ 139/280 hộ người Mông làm nhà ở, hỗ trợ ổn định tại chỗ 1 hộ nghèo người Mông ở Minh Hương; sắp xếp ổn định dân cư, hỗ trợ téc nước đối với 465/502 hộ người Mông theo Đề án; hoàn thành sửa chữa 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ khoan 23 giếng, hỗ trợ nuôi bò sinh sản, trồng rừng bằng giống chất lượng cao, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ thiếu đất sản xuất, trợ cấp hàng tháng cho đồng bào Mông, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo là đồng bào Mông. Ngoài ra, từ Đề án, huyện cũng đã đầu tư 11 công trình giao thông, 3 công trình hạ tầng văn hóa, 5 công trình giáo dục, 2 công trình chợ và điện trong vùng đồng bào Mông.

Thời gian qua, Yên Lâm (Hàm Yên) là xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống được thụ hưởng nhiều chương trình, đề án, dự án của Trung ương, tỉnh, huyện nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng chí Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm chia sẻ, từ năm 2022 đến nay, xã Yên Lâm đã hỗ trợ 52 hộ người Mông xây dựng nhà ở, 179 hộ người Mông được hỗ trợ téc nước, hoàn thành hỗ trợ xây dựng 13 giếng khoan cho các hộ người Mông, 23 hộ người Mông được hỗ trợ 51 con bò sinh sản, 24 hộ người Mông được hỗ trợ trồng rừng giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, xã cũng triển khai chính sách trợ cấp hàng tháng đối với 105 hộ người Mông, hỗ trợ tiền điện cho 339 lượt hộ Mông. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Mông năm 2022 của xã Yên Lâm giảm được 49 hộ, năm 2023 xã Yên Lâm phấn đấu giảm 10 hộ nghèo. Ngoài ra, trên địa bàn xã đã triển khai đầu tư nâng cấp tuyến đường từ thôn Thài Khao đi xóm Gốc Chanh, tuyến đường khu dân cư thôn Quảng Tân 2, thôn Quảng Tân; nâng cấp sân vận động thôn Ngòi Sen; xây dựng mới nhà lớp học, bếp ăn điểm trường Mầm non tại thôn Quảng Tân.

Ngôi nhà mới xây khang trang của chị Sầm Thị Mềnh, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm vừa đưa vào sử dụng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay 40 triệu đồng. Gia đình chị cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam hỗ trợ 1 cặp bò sinh sản. Chị Mềnh cảm động khi nói về cuộc sống trong ngôi nhà mới: "Vợ chồng mình biết ơn Đảng, Nhà nước lắm. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng mình giờ không phải ở trong ngôi nhà tạm nữa mà ở trong ngôi nhà mới xây khang trang, vợ chồng mình yên tâm lao động hơn rồi".  

Chị Dương Thị Đơ là một trong nhiều hộ người Mông ở Yên Lâm được hỗ trợ cặp bò sinh sản. Chị Đơ cho biết, mấy năm trước, gia đình chị bán hết bò để xây nhà mới. Đến nay, cuộc sống khó khăn vẫn chưa tái đàn lại được. May mắn được Ủy ban MTTQ Việt Nam hỗ trợ một cặp bò sinh sản, gia đình chị có cơ hội tiếp tục đầu tư nuôi bò sinh sản.

Thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Yên Sơn, đến nay đã có hàng trăm hộ đồng bào Mông được xóa nhà tạm, được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Huyện đã hoàn thành nhiều công trình hạ tầng thiết yếu trong vùng đồng bào dân tộc Mông như cầu Bum Kẹn, đường giao thông từ thôn Bum Kẹn đi Khuổi Ma, đường bê tông Bum Kẹn, đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các thôn Khuổi Ma, Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, hệ thống điện năng lượng mặt trời tại thôn Vàng On, xã Trung Minh, đường giao thông từ thôn Bản Pình, Vàng On, xã Trung Minh đi xã Hùng Lợi (đoạn 1), đường giao thông từ Bản Pình đi thôn Vàng On kết nối với thôn Làng Phan, xã Hùng Lợi (đoạn 2), hoàn thành đầu tư xây dựng 5 nhà văn hóa thôn, đập thủy lợi thôn Đồng Phạ và Bản Cáu, thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết...

Đồng chí Trần Thị Bình Phước, Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Sơn cho biết, việc triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện đã tạo đòn bẩy lớn tại các xã có đồng bào Mông sinh sống, tạo sinh kế để người Mông yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao mức sống.

Anh Hồ Văn Huyến, Bí thư chi bộ thôn Nà Vơ, xã Kiến Thiết chia sẻ, thôn Nà Vơ có 92 hộ sinh sống, trong đó đồng bào Mông có 63 hộ. Năm nay, từ nguồn vốn của Nhà nước, thôn được đầu tư mở rộng, nâng cấp đoạn đường từ Nà Vơ đi Lũng Quân dài gần 1 km. Tuyến đường được mở rộng từ 3,5 mét lên 5 mét sẽ góp phần tạo điều kiện thông thương của nhân dân trong thôn thuận lợi hơn.

Từ những dự án, đề án hỗ trợ thiết thực của Nhà nước tại các địa bàn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống thời gian qua đã khẳng định nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm lo đời sống của đồng bào Mông và quyết tâm rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện để đồng bào Mông vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thủy Châu