(Mặt trận) -Với đặc thù huyện miền núi, biên giới có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, những năm qua, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã từng bước cụ thể hóa và vận dụng tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương đem lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS.
|
Nhiều tuyến đường nông thôn huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. |
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu được cấp ủy, chính quyền địa phương coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Huyện đã lồng ghép, triển khai hiệu quả nguồn vốn các chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2015 - 2019, thông qua các chương trình, dự án, huyện được hỗ trợ 123 tỷ đồng theo nguyên tắc phân bổ vốn cho từng xã và dựa trên nhu cầu thực tế của người dân bảo đảm công khai, công bằng, mang lại hiệu quả xã hội cao. Các xã được cấp 107 tỷ đồng để phát triển hạ tầng cơ sở và hỗ trợ sản xuất, trong đó, đầu tư 82 tỷ đồng xây dựng 66 công trình giao thông, nước sinh hoạt, trường học, thủy lợi...
Huyện được cấp hơn 124,4 tỷ đồng theo Nghị quyết 30a, trong đó, trên 28 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, trên 13 tỷ đồng thực hiện duy tu, bảo dưỡng 14 hạng mục công trình. Có 1.299 hộ dân được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, đến nay, Hà Quảng đã được hỗ trợ hơn 6,7 tỷ đồng, 67,5 tấn giống cây trồng cho 70.000 lượt hộ nghèo vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế...
Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức, phối hợp tổ chức 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho 5.729 lượt người là hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS có thêm vốn, tư liệu sản xuất cũng như được trang bị kiến thức để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của bà con đã được hình thành, phát triển như mô hình nuôi lợn, bò và các mô hình phát triển vùng trồng gừng, lạc, thuốc lá đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Nhận thức được vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, gặp mặt, tham quan, học tập kinh nghiệm cho những người có uy tín; lựa chọn các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham dự các hội nghị, lễ tuyên dương, qua đó động viên người có uy tín phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Ông Hoàng Văn Sâm, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Bản Pò, xã Lũng Nặm cho biết: Ban Công tác Mặt trận luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành quy ước, hương ước xóm và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ chính sách dân tộc vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước giảm nghèo.
Thông qua thực hiện các dự án giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS… đã tác động tích cực, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức cho người dân và là động lực để nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhất là các xóm, xã đặc biệt khó khăn. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 90% phòng học được kiên cố; thu nhập bình quân đầu người đạt 13,5 triệu đồng/năm; 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 96% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Có thể khẳng định, các chính sách đặc thù cho vùng DTTS được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại nguồn lực to lớn, giúp huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển vùng DTTS nói riêng. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách cho đồng bào DTTS, tạo điều kiện để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực, chủ động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS; chăm lo xây dựng và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; nâng cao vị trí, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách dân tộc được triển khai ngày càng phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao. Đồng bào các dân tộc huyện Hà Quảng ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, mốc giới và chung tay xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thanh Bình