Trà Vinh: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh đã phát huy vai trò trong các hoạt động xã hội, thúc đẩy sự phát triển ở địa phương

Gia Lai: Người có uy tín chung sức xây dựng quê hương

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 1,1 triệu dân, đồng bào dân tộc Khmer chiếm gần 32% so với tổng dân số. Với đặc thù đó, thời gian qua, người có uy tín trong tỉnh đã giúp Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai hiệu quả những kế hoạch, nghị quyết, mục tiêu... Người có uy tín đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các phong trào. Đặc biệt, người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer đã góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phát triển về mọi mặt: kinh tế, văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh.

Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện toàn tỉnh có 433 người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Trong đó, dân tộc Khmer 417 người, Hoa 12 người, Kinh 03 người và Chăm 1 người. Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer tiêu biểu trong chức sắc tôn giáo 65 người, Ban Quản trị chùa 86 người, cán bộ hưu trí các cấp 138 người. Vị trí, vai trò, nhiệm vụ và những kết quả đạt được trong hoạt động của người có uy tín thể hiện qua thực tiễn và được ghi nhận, đánh giá rất cao.

Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer không chỉ tiên phong trong các phong trào của phum sóc, mà ngay cả trong những “sự vụ” tưởng rất nhỏ, là việc riêng của gia đình, họ cũng có mặt, nâng đỡ cuộc sống của người dân bằng uy tín và cái tâm trong sáng của mình. Người có uy tín đã làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức “sắc sảo, nhạy bén”: tham gia hòa giải, bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cung cấp thông tin, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân đến các cấp ủy Đảng, chính quyền; tổ chức lễ, Tết của đồng bào dân tộc, tôn giáo; dạy chữ Khmer, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Trà Cú trao nhà cho hộ gia đình Khner khó khăn về nhà ở

Thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, từ năm 2011 đến nay, bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, người có uy tín trong tỉnh đã tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp”; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm.

Từ năm 2011 đến nay, người có uy tín trong tỉnh tham gia hòa giải 1.577 cuộc; trong đó, 903 cuộc hòa giải thành, cảm hóa 915 đối tượng hòa nhập cộng đồng; vận động hàng trăm triệu đồng gây Quỹ Tái hòa nhập cộng đồng, tham gia tố giác 47 tội phạm; vận động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm 151 cuộc, với 4.369 lượt người dự. Đồng thời, cung cấp 163 nguồn tin có giá trị, phản bác 165 tin đồn xấu phục vụ yêu cầu công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Tham gia 448 cuộc họp, đề xuất 2.322 ý kiến với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên; phát triển các hội đoàn thể.

Cũng trong giai đoạn từ 2011 - 2022, với vai nòng cốt của người có uy tín, đã đóng góp cho các phong trào của địa phương như: Xây dựng 129 điểm mô hình kinh tế hộ theo hướng phát triển bền vững; hướng dẫn, động viên 1.530 hộ làm theo; tham gia cùng chính quyền địa phương thành lập 4 tổ hợp tác đan đát, có 54 hộ tham gia; 05 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao; thành lập 56 điểm mô hình tổ tự quản giảm nghèo; vận động hỗ trợ hộ nghèo 187 căn nhà tình thương… tổng số tiền 5,625 tỷ đồng;

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm, gặp gỡ quý vị chư tăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer 

Hỗ trợ kéo nước sinh hoạt 670 hộ nghèo, kinh phí 855 triệu đồng; vận động 4,12 tấn gạo, 3,474 tỷ đồng để hỗ trợ 6.348 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; vận động cho hộ nghèo mượn 157.450m² đất để sản xuất; Hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học 1,277 tỷ đồng; Vận động 6,277 tỷ đồng, 15.417 ngày công lao động, Nhân dân hiến 149.072m² đất, hoa màu để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn tỉnh; Vận động mạnh thường quân tài trợ mổ mắt miễn phí cho người nghèo 303 ca, kinh phí trên 1,974 tỷ đồng;

Xây dựng 4,831km đường và 20 cầu nông thôn, kinh phí 1,739 tỷ đồng; Đóng góp lắp đặt 527 trụ đèn đường, kinh phí 650 triệu đồng và đã tham gia xây dựng 69 xã vùng có đông đồng bào Khmer chuẩn Nông thôn mới.

Từ những đóng góp tích cực của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cuối năm 2022, Trà Vinh còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88%/tổng số hộ dân toàn tỉnh (giảm 4.803 hộ nghèo, tương đương 1,68% so với năm 2021). Trong đó, hộ nghèo Khmer còn 3.223 hộ, chiếm 3,6%/tổng hộ Khmer (giảm 3.238 hộ Khmer nghèo so năm 2021). Hộ cận nghèo còn 10.905 hộ, chiếm 3,8% so với số hộ dân cư toàn tỉnh (giảm 6.310 hộ), tỷ lệ giảm 2,2%, vượt 1,09% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg, ngày 28/5/2022...

Học tập và làm theo Bác, người có uy tín tự trang bị kiến thức; đồng thời, các sở, ngành tỉnh, địa phương kịp thời cung cấp thông tin cho người có uy tín: Ban Dân tộc hướng dẫn người có uy tín về kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng, nhất là nội dung hướng dẫn của ngành về phong trào “Dân vận khéo”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành liên quan, cung cấp thường xuyên, đầy đủ cho người có uy tín các ấn phẩm báo, tạp chí và cung cấp sổ tay, cẩm nang, một số ấn phẩm có liên quan của các ngành chuyên môn để người có uy tín nghiên cứu áp dựng vào thực tiễn.

Người có uy tín đã tạo sức lan tỏa, họ đã có nhiều đóng góp trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Ông Thạch Mu Ni đánh giá “Với vai trò, trách nhiệm của mình, người có uy tín thật sự là cầu nối giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương với Nhân dân, là nơi để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và nhà nước; người có uy tín thật sự là điểm tựa của cộng đồng dân cư”.

Ngày 28/7, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021 - 2022.

Hội nghị đã biểu dương, tôn vinh 429 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021 - 2022. Đồng thời, tặng bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cho 8 tập thể và 64 cá nhân; tặng 64 giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho những cá nhân điển hình tiên tiến, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021 - 2022.

Lê Na - Thu Hằng