Trà Vinh chăm lo đời sống đồng bào Khmer

(Mặt trận) -Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer Nam bộ năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 24 - 26/9. Tại Trà Vinh, trong những ngày này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh cùng các cơ quan ban, ngành, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các gia đình chính sách, cán bộ hưu trí dân tộc Khmer tiêu biểu trên địa bàn.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Nét truyền thống luôn được gìn giữ trong lễ Sene Đônta của đồng bào Khmer Nam bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, lễ Sene Dolta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh toàn tỉnh quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết năm 2022. Cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà dịp này, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Lê Văn Hẳn mong muốn đồng bào Khmer trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nêu cao ý chí tự lực, tự cường hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tỉnh Trà Vinh có dân số hơn 1 triệu người; trong đó người Khmer chiếm gần 32%. Theo kế hoạch mới đây của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn, từ năm 2022 - 2025, Trà Vinh thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí dự kiến trên 1.711 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao mức sống; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 1.124 tỷ đồng.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, người dân tộc thiểu số có thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm, địa phương giảm 50% ấp đặc biệt khó khăn và không còn xã đặc biệt khó khăn.

Thanh Hòa (TTXVN)