Trà Vinh: Bà con phật tử Khmer ở Cầu Ngang nêu cao trách nhiệm xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) - Các vị trụ trì, bà con phật tử người Khmer ở huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) đã và đang nêu cao trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây dựng cầu đường nông thôn, tích cực tham gia phát triển kinh tế hợp tác nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo… Tất cả đã tạo thành phong trào lan tỏa rộng rãi giúp vùng quê thêm sức sống mới, đúng với phương châm tận tâm vì đạo, vì đời, hết lòng vì cộng đồng.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Với phương châm tận tâm vì đạo, vì đời, Đại đức Thạch Đa Ra (đứng giữa) đã vận động mạnh thường quân đóng góp xây dựng mới 6 cây cầu nông thôn ở huyện Cầu Ngang. 

Để tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Đại đức Thạch Đa Ra (người dân tộc Khmer), Trụ trì chùa Thlốt, xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang) trong thời gian qua đã vận động mạnh thường quân đóng góp xây dựng mới 6 cây cầu nông thôn, sửa chữa 1 cây cầu đã xuống cấp, tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. 

Tận tâm vì đạo, vì đời

Song song đó, Đại đức còn vận động phật tử, trụ trì các chùa, nhà hảo tâm xây dựng 7 căn nhà tình thương cho hộ khó khăn về nhà ở, tổng số tiền 350 triệu đồng.

Đại đức Thạch Đa Ra chia sẻ: "Những việc làm của sư là mong muốn góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng quê hương, xây dựng huyện Cầu Ngang đạt chuẩn huyện nông thôn mới".

Nhờ sự tận tâm vì đạo, vì đời của Đại đức Thạch Đa Ra và bà con phật tử người Khmer đã giúp cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Hiệp Hòa (nơi tập trung đông đảo bà con Khmer) ngày càng hiệu quả hơn, hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng khang trang, đời sống người dân được nâng lên, tiến tới hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Để phấn đấu giảm hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn dưới 2,5%, chính quyền xã Hiệp Hòa còn hướng dẫn các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác cho người dân, trong đó có bà con phật tử Khmer.

Gia đình nông dân Kim Thi - một phật tử người Khmer ở ấp Sóc Chuối (xã Hiệp Hòa) là một trong những hộ tích cực tham gia xây dựng đạt chuẩn gia đình văn hóa, nông thôn mới. Không chỉ thực hiện tốt phong trào giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường, ông Thi tích cực cùng Ban Nhân dân ấp vận động người dân hiến đất, ngày công xây dựng những công trình phúc lợi, nạo vét kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; vận động người dân tham gia vệ sinh khuôn viên nhà, phát quang bụi rậm tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. 

Trong phát triển kinh tế gia đình, ông Thi áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhiều năm liền đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trong thực hiện đề án chuyển đổi, ông Thi mạnh dạn chuyển 0,5ha đất lúa kém hiệu quả sang thâm canh cây màu chủ yếu là dưa leo, khổ qua liên tiếp 3 vụ/năm; 2ha đất còn lại, ông làm 3 vụ lúa/năm và kết hợp nuôi 6 con bò sinh sản. Hàng năm, ông trồng 2 vụ dưa leo, 1 vụ khổ qua, tuy giá nông sản biến động thất thường nhưng lợi nhuận bình quân đạt 4 - 5 triệu đồng/0,1ha. 

Lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng

Các vị chức sắc và bà con phật tử Khmer ở Cầu Ngang nêu cao trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, tạo thành phong trào mang tính lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng. 

Đối với cây lúa, mặc dù lợi nhuận không nhiều như trồng màu, nhưng ông Thi cho biết do có nguồn rơm rạ dồi dào phục vụ đàn bò nuôi, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập, nhất là thời điểm hiện nay, giá bò giảm. Trong vụ lúa đông - xuân năm 2022 - 2023, gia đình ông được mùa, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/ha. Song song đó, ông còn xuất bán 4 con bò thịt, tổng thu nhập 60 triệu đồng.

Cách đây 4 năm, xã Hiệp Hòa đã ra mắt HTX nông nghiệp Hiệp Hòa với 84 thành viên tham gia. Ngành nghề hoạt động của HTX là sản xuất nông nghiệp với diện tích canh tác 100 ha 3 vụ/lúa/năm; cung ứng vật tư nông nghiệp: Lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, rau màu các loại cho các thành viên và nông dân trong khu vực.

Với ưu thế được thành lập tại trung tâm vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, HTX này đã và đang giúp các thành viên hợp tác, tổ chức lại quy mô sản xuất theo kiểu mới, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. HTX cũng cung cấp dịch vụ đầu vào giá rẻ, các sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, có địa chỉ, ổn định về giá, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Cùng với nhiệt thành trong xây dựng nông thôn mới của bà con phật tử Khmer ở xã Hiệp Hòa, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nhanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cầu Ngang: "Nhận thức về xây dựng nông thôn mới là mang đến lợi ích cho nhân dân, nên thời gian qua, các phật tử và những vị trụ trì Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện đã cùng với các cấp chính quyền thực hiện được nhiều phần việc quan trọng".

Cụ thể, theo ông Nhanh, các vị trụ trì Phật giáo Nam tông Khmer đã tích cực trong công tác vận động bà con phật tử Khmer nêu cao trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng nhà ở cho hộ khó khăn khăn về nhà ở, tham gia thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo… tạo thành phong trào mang tính lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng.

Còn theo Thượng tọa Thạch Rây, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Cầu Ngang, trong hoạt động Phật giáo đều đề ra mục tiêu, kế hoạch phối hợp tốt với cấp ủy Đảng, chính quyền để vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ vậy, ý thức trong xây dựng nông thôn mới của các vị sư sãi, đồng bào Khmer càng được đề cao, giúp cho các địa phương thực hiện đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Nhiệt thành với kinh tế hợp tác góp phần giảm nghèo

Các HTX nông nghiệp ở huyện Cầu Ngang với sự tham gia tích cực của đồng bào, phật tử Khmer đã góp phần vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương. 

Thời gian qua, các nông dân, phật tử, đồng bào dân tộc Khmer trong huyện Cầu Ngang cũng tham gia nhiệt thành vào hoạt động phát triển kinh tế hợp tác, để từ đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tính đến nay, huyện Cầu Ngang có 74 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.181 thành viên (trong đó có đông đảo bà con Khmer). 

Các tổ hợp tác tiêu biểu hoạt động hiệu quả như: Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ ấp Bình Tân (xã Hiệp Hòa), Tổ hợp tác sản xuất lúa giống xã Trường Thọ, Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn xã Kim Hòa và 11 tổ hợp tác nuôi bò sinh sản được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân…

Bên cạnh đó, đến nay, trên địa bàn huyện có 23 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 1.355 thành viên. Điển hình như HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ HTX nông nghiệp Nhị Trường, HTX nông nghiệp Hòa Hưng, xã Mỹ Hòa…

Đơn cử như xã Nhị Trường trước đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Cầu Ngang với tỷ lệ đồng bào Khmer chiếm trên 80%. Với điểm tựa vững vàng đến từ HTX dịch vụ nông nghiệp Nhị Trường đã giúp cho đời sống bà con phật tử người Khmer vượt qua nghèo khó, đời sống ngày càng nâng lên.

Ông Thạch Xuân Ri - một phật tử Khmer ở ấp Bông Ven (xã Nhị Trường) cho biết, từ khi HTX dịch vụ nông nghiệp Nhị Trường ra đời, gia đình ông và nhiều hộ nông dân tham gia HTX không lo đầu ra nông sản nữa, các loại cây trồng cũng ngày càng đa dạng. 

Đặc biệt, theo ông Ri, từ khi HTX liên kết với các công ty đầu tư giống, kỹ thuật, phân, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm bắp giống, lợi nhuận của thành viên, hộ liên kết cao gấp 2 - 3 lần so với thời điểm còn độc canh lúa. Đơn cử, trong vụ bắp giống, được HTX và công ty bao tiêu, lợi nhuận của các hộ đạt 60 - 80 triệu đồng/ha.

Hoặc như HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ ở xã Mỹ Long Bắc (huyện Cầu Ngang) đã triển khai hiệu quả 2 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững như dưa hấu và bí đỏ. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, giảm nghèo cho nhiều lao động nông thôn, phật tử Khmer ở địa phương.

HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ hiện có 56 thành viên tham gia sản xuất 42ha luân canh 2 vụ dưa hấu và bí đỏ - 1 vụ lúa, lợi nhuận bình quân đạt từ 80 - 150 triệu đồng/ha/vụ màu. Khoảng 2 năm gần đây, HTX liên kết ứng dụng thành công dưa hấu trồng theo quy trình hữu cơ, giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, lợi nhuận bình quân 20 - 24 triệu đồng/0,1ha.