TP Hồ Chí Minh tuyên dương các tình nguyện viên tôn giáo tham gia chống dịch

(Mặt trận) -Ngày 16/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tri ân các tình nguyện viên tôn giáo và các cơ sở tôn giáo đã tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Thanh Hóa nâng cao hiệu quả công tác giám sát thực hiện Dự án 1

Trà Vinh: Đẩy mạnh các hoạt động an cư lạc nghiệp cho đồng bào dân tộc

Nghệ An: Ưu tiên giải quyết chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các tình nguyện viên tôn giáo khi chung tay, tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; đặc biệt là ngành y tế luôn phải căng mình chống dịch.

"Để hỗ trợ ngành y tế, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã vận động các tôn giáo, cơ sở tôn giáo trên địa bàn kêu gọi các vị chức sắc, chức việc, tín đồ... tự nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ, phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức COVID-19. Hưởng ứng lời vận động này, các tôn giáo, cơ sở tôn giáo đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết để sẵn sàng dấn thân đến nơi đang thiếu, đến với người đang cần, vào nơi đối diện với sự sống còn trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19", bà Tô Thị Bích Châu cho biết.

Theo đó, từ ngày 22/7, các tình nguyện viên của các cơ sở tôn giáo bắt đầu xuất quân lên đường với sự quyết tâm cao để góp sức cùng các y, bác sĩ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân COVID-19 trong các bệnh viện dã chiến. Đến ngày 21/10, Thành phố đã có 10 đợt xuất quân với 679 tình nguyện viên các tôn giáo tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn. Đa số các tình nguyện viên tôn giáo đến với các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 bằng tinh thần thép, lòng yêu thương và sự nhân ái, xông pha vào tâm dịch để cứu được thật nhiều bệnh nhân F0. Trong tháng ngày làm việc quên mình, họ đã dành hết tâm lực để chăm sóc, hỗ trợ việc chữa trị người bệnh như người thân quen, ruột thịt của mình.

Đại diện cho các cơ sở tôn giáo tham gia chống dịch, Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo mục Việt Nam cho biết, lần đầu tiên ông chứng kiến sự chung tay, chung sức từ Công giáo, Phật giáo, Tin lành trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Cụ thể, các tăng ni, các cư sĩ không phân biệt biệt tôn giáo đều chung tay đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19.

"Đợt dịch vừa qua để lại nhiều mất mát, đau thương cho người dân nhưng vượt qua đợt dịch này, mỗi người chúng ta còn thở được, sống được, ngồi với nhau, đi lại với nhau là một điều lành và điều này cũng thể hiện một bản năng yêu thương con người với con người rất lớn. Bản năng yêu thương, giúp đỡ con người trong mọi hoàn cảnh khó khăn đã xuất hiện ngay khi dịch bệnh bùng phát và hiện hữu trong những công việc chăm sóc cho các bệnh nhân F0 của các tình nguyện viên tôn giáo", Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ nói.

 Đại diện UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh đã tuyên dương 99 cá nhân, tập thể cơ sở tôn giáo, tình nguyện viên tôn giáo đã tham gia chống dịch trong thời gian qua.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, cộng đồng các tôn giáo tại TP Hồ Chí Minh đã lan tỏa tình yêu thương đến các bệnh nhân COVID-19 và nhờ các tình thương mà các bệnh nhân COVID-19 cũng có thêm động lực để nhanh chóng khỏi bệnh.

"Đợt dịch qua, các tăng ni, phật tử, cư sĩ, công giáo cũng đoàn kết, nắm chặt tay nhau cùng chiến đấu, hỗ trợ các y, bác sĩ trên mặt trận sức khỏe. Theo chỉ dẫn của các bác sĩ trong bệnh viện, các tình nguyện viên tôn giáo cũng hoàn thành nhiệm vụ, giúp các bệnh viện kéo giảm lượng bệnh nhân nhập viện, kéo giảm bệnh nhân trở nặng, nhiều bệnh nhân sắp chết được chăm sóc y tế, tinh thần nên đã thoát chết... Sắp tới, các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Tin lành sẽ tiếp tục vun đắp sự đoàn kết, tạo tính chan hòa, hạnh phúc, hướng đến phục sự cho con người Việt Nam ngày càng tốt hơn", Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết.

Ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của các cơ sở tôn giáo, các tình nguyện viên tôn giáo, bà Tô Thị Bích Châu cho biết: “Trong đợt dịch vừa qua, Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt và kịp thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Đến nay, Thành phố đã sớm khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội, bước vào thời kỳ bình thường mới: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của biến thể Omicron có mức độ lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây, vì vậy chúng tôi kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới, các tôn giáo tiếp tục đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng, luôn chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng”.

Hoảng Tuyết/Báo Tin tức