Tổ chức tôn giáo cùng bảo vệ môi trường

(Mặt trận) - Thời gian qua, nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Định khởi xướng và triển khai hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường, chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Phật tử tỉnh Bình Định ra quân bảo vệ môi trường nhân tháng hành động vì môi trường. 

Toàn giáo xứ Gò Thị, thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước có hơn 1.000 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 70% là đồng bào công giáo. Trong nhiều năm qua, cộng đồng giáo dân ở đây không chỉ giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp khu vực xung quanh nhà thờ Gò Thị mà còn giữ gìn sạch đẹp nhà ở, đường làng ngõ xóm bằng những việc làm của mỗi giáo dân như: không vứt, xả rác bừa bãi, thường xuyên tổ chức quét dọn, thu gom rác thải nơi công cộng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi…

Chính vì thế mà trong hàng chục năm qua người dân thôn Xuân Phương luôn tự hào về quê hương mình là chốn đồng quê thanh bình đáng sống.

Linh mục Võ Thanh Nhàn - Hạt trưởng Giáo Hạt Gò Thị cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường là thiết thực trong đời sống của nhân dân. Vì vậy trong giáo huấn hàng ngày, hàng tuần và vào chủ nhật, chúng tôi luôn nhắc nhở giáo dân gìn giữ môi trường của mình một cách tốt đẹp nhất, có trách nhiệm nhất. Khi chúng ta có trách nhiệm với môi trường là chúng ta chăm sóc cho tương lai của mình và con em của mình. Chúng ta không chỉ sống cho thế hệ của mình mà còn giữ gìn cho thế hệ mai sau.

Ông Phạm Thành Thật - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phước Sơn cho biết: Trong những năm qua, bà con giáo dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm bằng việc tự giác thu gom rác thải và hạn chế việc vứt rác ra sông, ra mương gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ môi trường sạch sẽ, những năm gần đây khi xã Phước Sơn phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao thì cộng đồng giáo dân giáo xứ Gò Thị còn tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, tạo cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp trong các tuyến đường của thôn.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn cho biết: Một số ít bà con nhân dân lúc đầu không đồng tình nhưng nhờ sự động viên của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và các vị cha xứ ở đây cũng giao giảng trên thánh lễ hàng ngày, hàng giờ nên bà con nhân dân ai cũng đồng tình ủng hộ. Vì vậy, bà con không vứt rác bừa bãi, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Nếu có khách thập phương đi đến đây chắc chắn sẽ cảm thấy hài lòng về công tác bảo vệ môi trường của thôn.

Những ngày này, các bạn trẻ phật tử chùa Tường Quang, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn cũng đang tất bật dọn dẹp vệ sinh môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022. Theo định kỳ mỗi tháng một lần Câu lạc bộ Thanh thiếu niên của chùa lại ra quân dọn vệ sinh môi trường tuyến đường trước cổng chùa và một số địa điểm công cộng khác của phường.

Cùng với việc quét dọn sạch sẽ rác thải sinh hoạt, các bạn trẻ phật tử còn bóc gỡ những tờ quảng cáo trái phép trên các thân cột điện hoặc đi vận động các chủ quán vỉa hè thu gom rác thải trong quá trình kinh doanh.

Ngoài việc thể hiện vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, gìn giữ bảo vệ môi trường sống, các thành viên Câu lạc bộ còn xem đây là dịp để thực hành lời dạy của đức Phật về việc gieo nhân tốt, dưỡng việc thiện. Không chỉ cư xử tốt giữa con người với con người, mà còn giữa con người với thiên nhiên.

Đại đức Thích Quảng Thái - Trụ trì chùa Tường Quang, phường Lê Lợi cho biết: Việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân, trong đó có trách nhiệm của tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam. Ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng đó, với tư cách trụ trì chùa Tường Quang, chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm đối với tín đồ, phật tử trong công tác bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị như thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh dọc bãi biển Quy Nhơn và dọc tỉnh lộ chính trong thành phố Quy Nhơn.

“Nhà chùa mong muốn cùng với nhân dân xây dựng thành phố Quy Nhơn thành một điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Chúng ta bảo vệ môi trường thì chúng ta sẽ có một môi trường xanh, sạch, đẹp; cuộc sống sẽ ngày càng trở nên đáng sống hơn”, Đại đức Thích Quảng Thái nhấn mạnh.

Nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từ năm 2016, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường và 6 tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ký kết chương trình phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua 5 năm thực hiện, các tôn giáo đã chủ động triển khai và đưa các nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình và vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ ở cộng đồng tham gia bằng những hành động thiết thực ngay trong cuộc sống hàng ngày, góp phần giảm thiểu tác động đến thiên nhiên.

Theo Hòa thượng Thích Nguyên Phước - Trưởng ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định, vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ tuyên truyền ngày một, ngày hai mà chúng ta phải tiếp tục vận động trong thời gian lâu dài. Giáo hội cũng sẽ tích cực vận động để tạo ý thức cho quần chúng nhân dân, trong đó có tín đồ phật tử trên địa bàn tỉnh để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã tiếp tục ký kết chương trình phối hợp về môi trường giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm để chấp hành tốt Luật bảo vệ môi trường.

Việc làm này là cần thiết để tiếp tục duy trì, nâng cao ý thức của người dân, của các chức sắc, nhà tu hành và bà con phật tử trong việc bảo vệ môi trường.