Tình quân dân trong cơn đại dịch

(Mặt trận) -Mùa xuân năm 2021, những người lính quân hàm xanh dọc tuyến biên giới rừng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hứa với gia đình, người thân sớm đoàn viên. Vậy mà lời hẹn ấy trôi qua gần hết một năm, vẫn khó lòng thực hiện được… khi dịch Covid-19 bùng phát. Biên giới những ngày giãn cách, gian khó, hơn lúc nào hết, tình quân dân lại thêm bền chặt, sắt son.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Giữ vững "vùng xanh"

Trên đường vào thăm chốt phòng, chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng (BP) Làng Mô đóng tại bản L.A kiểm soát lối mòn dọc các bản Dốc Mây, Trung Sơn, Cây Cà…, chúng tôi ngang qua bản Trung Sơn. Phía đầu bản, “được” một bà mế Vân Kiều ra hiệu dừng xe lại. Nét mặt nghiêm trang, mế liên tục đặt ra những câu hỏi: “Các cán bộ là ai? Ở đâu đến? Vào bản làm gì? Gặp ai?”.

Biết tâm ý của đồng bào Vân Kiều xã Trường Sơn, chúng tôi trả lời thiệt bụng: “Chúng con là cán bộ tỉnh, vào bản, xin gặp trưởng bản”. Nhìn kỹ chúng tôi rồi mế cười xòa: “Mệ là người già uy tín trong bản Trung Sơn ni. Dịch giã, nên phải cảnh giác với người lạ. Các cán bộ BP dặn đồng bào thế”.

Chúng tôi đem câu chuyện kể với thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn BP Làng Mô, anh khẳng định: “Đại dịch Covid-19 bùng phát, để giúp xã Trường Sơn giữ vững "vùng xanh", đồn tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng trong xã phát động phòng trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép (XNCTP)”; thành lập các hòm thư tố giác XNCTP đặt tại các bản làng dọc biên giới. Hòm thư tố giác XNCTP là một cách làm đầy sáng tạo của lực lượng quân hàm xanh dọc tuyến biên giới rừng.

 Bộ đội Đồn BP Làng Ho  tuyên truyền cho đồng bào Vân Kiều về công tác phòng, chống dịch Covid-19

Thông qua mô hình này, tinh thần cảnh giác của đồng bào nâng cao rõ rệt. Bà con tự giác chấp hành nghiêm công tác quản lý, bảo vệ biên giới; không XNCTP; không tiếp tay, bao che đối tượng XNCTP; khi phát hiện người lạ lập tức báo ngay cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các lực lượng chức năng”.

Nhắc đến hiệu quả của hòm thư tố giác XNCTP, thượng tá Đào Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn BP Làng Ho, xã Lâm Thủy chia sẻ: “Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Đồn BP Làng Ho đã cùng toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động toàn dân thực hiện “5K”; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và XNCTP”; xây dựng hòm thư tố giác XNCTP. Kết quả, đã có 1.693 hộ dân đăng ký thực hiện phong trào; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 7 hòm thư tố giác XNCTP”.

Đồn BP Làng Ho quản lý gần 31km đường biên giới và 11 mốc quốc giới; phụ trách địa bàn 2 xã Lâm Thủy, Kim Thủy, dân số 1.693 hộ, 6.382 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều 1.184 hộ, 5.043 khẩu. Phía bên kia biên giới nước bạn Lào có 6 bản thuộc huyện Sê-pôn, tỉnh Savannakhet. Đồng bào dân tộc thiểu số 2 nước vốn có mối quan hệ thân tộc, thường xuyên qua lại thăm nhau.

Chính nhờ phát huy hiệu quả của các hòm thư tố giác XNCTP trong khu vực biên giới đồn phụ trách mà trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, ở 2 xã Lâm Thủy, Ngân Thủy, tình hình an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh vẫn kiểm soát tốt.

Quân với dân như cá với nước

Đại úy Đặng Văn Phong, Chính trị viên phó Đồn BP Làng Ho cho biết thêm: “Những ngày thực hiện giãn cách phòng, chống dịch cũng nhằm thời điểm đồng bào các bản Bạch Đàn, Tân Ly, Eo Bù-Chút Mút thu hoạch lúa vụ hè-thu chạy bão số 5. Vậy là hơn 120 lượt cán bộ, chiến sỹ của đồn bám đồng ruộng, cùng với bà con kịp hoàn thành xong vụ gặt an toàn. Ngoài diện tích lúa, còn thu hoạch giúp thêm 5ha sắn”.

Trở lại với Đồn BP Làng Mô, trên đường vào thăm một số bản, thượng tá, Đồn trưởng Lê Đình Huân tranh thủ điểm qua một số kết quả mà cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Làng Mô huy động giúp dân, góp phần thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa để dân ấm no, xóa đói, giảm nghèo.

Đồn BP Làng Mô kêu gọi, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, vận động cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đóng góp 250 triệu đồng xây dựng 5 công trình “Ánh sáng vùng biên” dài 6,7km tại các thôn, bản: Tân Sơn, Thượng Sơn, Khe Cát, Rìn Rìn và Cây Sú; hoàn thành 7 công trình nước sạch tại Tân Sơn, Đá Chát, Cổ Tràng, Rìn Rìn trị giá 350 triệu đồng; xây dựng 9 ngôi nhà nhân ái cho hộ đồng bào nghèo trên địa bàn với số tiền 410 triệu đồng.

Về hỗ trợ sinh kế, mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt, Đồn BP Làng Mô triển khai mô hình “Tiếng máy vùng biên” hỗ trợ 17 máy cày, máy xay xát, máy tuốt lúa cho đồng bào tại 11 thôn, bản trị giá hơn 156 triệu đồng; thí điểm thành công các mô hình kinh tế trồng 400 cây na tại bản Bến Đường, mô hình trồng dứa ở bản Chân Trôộng; cùng với Trường đại học Quảng Bình giúp dân trồng rừng cây gỗ lớn và cây ăn quả với 500 cây dỗi ghép, 260 cây na, 260 cây ổi, 80 cây mít…

Tại bản Trung Sơn, Trưởng bản Hoàng Văn Dũng chân tình cùng chúng tôi: “Trong khó khăn mới thấy quý lắm tình cảm của BĐBP. Từ trước đến nay, đồng bào Vân Kiều có mấy ai biết về đại dịch Covid-19 mô. Nhờ bộ đội đi từng bản, đến từng nhà, gặp từng người tuyên truyền cụ thể, bà con mới nhận thức được, mới cảnh giác, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. BĐBP nói, cảnh giác với đại dịch Covid-19, thực hiện tốt “5K” là còn người, còn bản, có sức khỏe, từ đó cuộc sống mới an yên”.

“Mấy ngày ni, BĐBP lại đang đồng hành cùng với dân bản Trung Sơn gặt lúa, thu hoạch sắn tránh ngập úng do ảnh hưởng của mưa bão”, Trưởng bản Trung Sơn cho biết thêm.

Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Hoàngạnh Hà nhấn mạnh: Trong tình hình dịch bệnh  Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, xã Trường Sơn sớm có kế hoạch phòng chống lụt bão, chủ động phương án “4 tại chỗ”. Và những người lính quân hàm xanh chính là hạt nhân cơ bản phòng, chống lụt bão, cứu nạn, cứu hộ. Tại các bản vùng sâu, vùng xa, nguy cơ chia cắt, cô lập cao, bộ đội đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm tại chỗ giúp dân.

Thanh Long