Tiểu Cần (Trà Vinh): Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng đồng bào Khmer

(Mặt trận) -Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực chăm lo cho đồng bào Khmer, trong đó tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

 Nhiều hộ dân ấp Sóc Cầu - ấp có trên 92% người dân tộc Khmer xây dựng nhà ở khang trang.

Tiểu Cần là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 33% dân số toàn huyện và sống đan xen với dân tộc Kinh, Hoa. Thời gian qua các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương có đông đồng bào Khmer đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo. Qua quán triệt, triển khai thực hiện các tiêu chí trong XDNTM, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh, đồng bào Khmer trên địa bàn huyện tích cực lao động, sản xuất, mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, tranh thủ nhiều nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc Khmer.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, huyện Tiểu Cần được phân bổ gần 16 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất trong vùng có đông đồng bào Khmer.

Riêng trong năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Tiểu Cần được phân bổ kinh phí trên 8,46 tỷ đồng để thực hiện các chính sách về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và đầu tư cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc, nhiều nhà ở được xây dựng khang trang, những con đường bê-tông thẳng tắp giúp cho việc vận chuyển hàng hóa của người dân thuận tiện, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội của địa phương.

Hùng Hòa là xã có trên 56% dân số là dân tộc Khmer sinh sống và đã được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào dịp lễ Sêne Đôlta năm 2022, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và phấn khởi của bà con nơi đây. Đến nay bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên.

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, Bí thư Chi bộ ấp Sóc Cầu - ông Thạch Thế Phong cho biết: ấp Sóc Cầu có trên 92% dân  số là dân tộc Khmer. Trước đây cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thời gian qua cấp ủy, chính quyền đã thực hiện tốt các chính sách cho bà con là người dân tộc, đặc biệt qua quá trình XDNTM, nông thôn mới nâng cao, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Huỳnh Săm Nang, ấp Sóc Cầu, ông vui vẻ cho biết: nhờ đầu tư xây dựng con đường nhựa của ấp nên quá trình đi lại, vận chuyển hàng hóa và buôn bán của bà con được thuận lợi hơn rất nhiều, các mặt hàng không còn tình trạng bị ép giá như trước, đời sống của bà con vùng đông đồng bào Khmer ngày càng nâng lên.

Còn tại Tân Hùng - xã có trên 44% dân tộc Khmer, hiện tại bộ mặt nông thôn cũng đang khởi sắc. Đồng chí Trần Thanh Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hùng cho biết, thời gian qua, xã luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào Khmer, nhất là về hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vốn vay sản xuất… tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, 2022 từ nguồn vận động của mạnh thường quân hỗ trợ và quỹ an sinh xã hội, Tân Hùng đã hỗ trợ cho trên 20 hộ Khmer trên địa bàn có được ngôi nhà ở kiên cố, khang trang với tổng số tiền trên 01 tỷ đồng.

Phấn khởi bên căn nhà mới vừa được xây dựng xong, ông Thạch Sang cư ngụ ấp Sáu, một trong những hộ được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố. Ông Sang chia sẻ: “gia đình rất khó khăn, hàng năm đón lễ, tết cổ truyền cả gia đình đều kiếm chỗ trú mưa vì nhà bị dột khắp nơi. Có được căn nhà kiên cố, khang trang là mơ ước của cuộc đời tôi”.

Tương tự, tại xã Long Thới địa phương có gần 21% đồng bào Khmer, những năm qua nhờ thụ hưởng những chính sách ưu đãi nên nhiều hộ Khmer mở rộng sản xuất và áp dụng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của bà con được nâng lên rõ rệt.

Bà Thạch Thị Đình, ngụ ấp Cầu Tre được hỗ trợ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, bà vui vẻ cho biết: trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ khó khăn, nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương cho tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi, nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng phát triển và có tiền lo cho 02 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Giờ đây gia đình có 12 công ruộng, 04 con bò nái. Cuộc sống gia đình khấm khá hơn trước rất nhiều.

Tương tự, bà Sơn Thị Giêng, cùng cư ngụ ấp Cầu Tre cũng vui vẻ cho biết: gia đình tôi cũng được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và đã đầu tư chăn nuôi đúng mục đích, ngày càng hiệu quả, nhờ đó cuộc sống gia đình ổn định và đã thoát nghèo vào năm 2019. 

Được biết, trong năm 2022 huyện Tiểu Cần có trên 3.300 hộ vay vốn với tổng số tiền trên 105 tỷ đồng, trong đó có 933 hộ vay vốn là dân tộc Khmer với số tiền trên 29,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 67,23 triệu đồng/năm; toàn huyện còn 391 hộ nghèo, chiếm 1,08%, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer 139 hộ, chiếm 0,47%. Huyện có 06/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có nhiều xã có đông đồng bào Khmer như Phú Cần, Hiếu Tử, Hùng Hòa,… đã xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, thành quả đó có sự đóng góp rất lớn của đồng bào Khmer trên địa bàn.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo đồng bào Khmer, ông Thạch Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần cho biết: thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách đối với người dân tộc, nhất là thực hiện có hiệu quả các dự án được duyệt nằm trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, trong giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, huyện sẽ triển khai thực hiện 04 dự án thuộc Chương trình đã được phê duyệt với nguồn vốn phân bổ trên 51 tỷ đồng, trong đó tập trung giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc,… để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào Khmer, góp phần xây dựng quê hương Tiểu Cần ngày càng phát triển và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025.

 Ông Thạch Lộc và bà Sơn Thị Nhẫn, ấp Tân Đại, xã Hiếu Tử vui mừng trong ngôi nhà mới. 

Xã Hiếu Tử là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm hơn 67% so với số hộ chung toàn xã), đây là 01 trong 03 xã XDNTM nâng cao của huyện Tiểu Cần. Trước lễ Sêne Đôlta năm nay Đảng bộ và chính quyền xã Hiếu Tử đã đón mừng thành tích về đích xã NTM nâng cao, ấp NTM kiểu mẫu. Riêng những hộ Khmer nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ các nguồn vốn vay… thì niềm vui được nhân lên gấp bội.

Đến ấp Tân Đại, xã Hiếu Tử chúng tôi mới thấy hết niềm vui trên gương mặt của ông Thạch Lộc và bà Sơn Thị Nhẫn. Trong căn nhà mới khang trang bà Sơn Thị Nhẫn (70 tuổi) vui vẻ chia sẻ: tôi rất biết ơn Nhà nước và chính quyền địa phương, giờ thì cả nhà yên tâm rồi, Sêne Đôlta năm nay có nhà mới để ở không phải lo cảnh mưa dột nữa.

Được biết, gia đình bà Sơn Thị Nhẫn là hộ cận nghèo, từ khi ông Lộc bị tai biến phải ngồi xe lăn, không còn đi bán vé số được cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh khó khăn, nhiều năm sống trong căn nhà dột không tiền sửa. Để có được ngôi nhà kiên cố là ước mơ bấy lâu nay của gia đình bà. Ngôi nhà được xây dựng có tổng trị giá 100 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ An sinh xã hội 50 triệu đồng phần còn lại do con cháu hỗ trợ.

Còn gia đình ông Kim Phênh, ngụ ấp Ô Đùng, xã Hiếu Tử là một trong những hộ nông dân được tiếp cận kịp thời các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Kim Phênh chia sẻ: gia đình không đất sản xuất, thu nhập gia đình chủ yếu là làm thuê và chăn nuôi bò, những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 việc chăn nuôi, nông sản, thực phẩm bán ra thị trường rất bấp bênh, thu nhập gia đình không ổn định cuộc sống gia đình có phần khó khăn, vất vả tưởng chừng bán hết cả đàn bò mà gia đình chăm sóc bao nhiêu năm nay.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương ông được tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân xã với số tiền 20 triệu đồng, gia đình ông có thêm vốn đầu tư sửa chữa xây dựng chuồng trại kiên cố, thuê đất trồng cỏ và duy trì được 05 con bò cái sinh sản. Mỗi năm có thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi bò và thu nhập từ buôn bán nhỏ khoảng 04 triệu đồng/tháng. Với tinh thần chí thú làm ăn, dành dụm nên cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hơn trước rất nhiều, có điều kiện sửa lại căn nhà, tạo động lực để gia đình ông vươn lên trong cuộc sống.

Được biết, ấp Ô Đùng xã Hiếu Tử là ấp được UBND huyện công nhận ấp NTM kiểu mẫu trong năm 2021. Ông Trần Bá Triệu, Trưởng Ban nhân dân ấp Ô Đùng phấn khởi chia sẻ: đạt được thành quả như hôm nay là nhờ sự chung tay từ cấp ủy, chính quyền và người dân, đặc biệt là đồng bào Khmer luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, luôn chung sức, chung lòng cùng chính quyền các cấp trong phong trào XDNTM. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đổi mới, kết cấu hạ tầng xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Từ khi được công nhận ấp NTM kiểu mẫu đến nay Chi bộ và Ban nhân dân ấp luôn quyết tâm giữ vững các tiêu chí đạt được. Đặc biệt chú trọng công tác vận động mọi nguồn lực từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm… để duy trì tiêu chí thứ 4, nội dung 4.4 về bảo hiểm y tế.

Bà Lê Thị Mỹ Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Tử chia sẻ: những năm qua, xã luôn quan tâm lãnh chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, các chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội được kịp thời, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các nguồn vốn tín dụng thông qua hoạt động ủy thác các đoàn thể đầu tư cho các hộ nghèo... góp phần giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2021 trên địa bàn xã tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2%, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 61,2 triệu đồng/năm.

MỸ HẠNH