(Mặt trận) -Trong những năm qua, với sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và ngành tài nguyên và môi trường, các tôn giáo đã xây dựng nhiều mô hình cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được kết quả thiết thực.
Nhiều phong trào BVMT lan tỏa trên cả nước
Cùng với số lượng đồng bào tôn giáo ngày càng tăng, sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội là điều kiện thuận lợi để các tín đồ tôn giáo tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Nhiều tôn giáo đã và đang tích cực tuyên truyền bảo vệ môi trường.. Tại các buổi sinh hoạt giáo lý, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên tuyên truyền tới tín đồ về vai trò và ý nghĩa của vệ sinh môi trường đối với tín ngưỡng tôn giáo và sức khỏe con người. Đồng thời, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cũng vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn.
Với những nỗ lực đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt. Ðến nay, cả nước có hơn 1.000 mô hình điểm của các tôn giáo về bảo vệ môi trường được triển khai. Ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay. Điển hình như thành phố Cần Thơ có mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt; tỉnh Quảng Nam có mô hình “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường” tại chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành; mô hình “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu” của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn…
|
Các tôn giáo tham gia thả cá xuống lòng hồ Trị An nhằm bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyệt Hà |
Chỉ tính riêng tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh có 144 khu dân cư vùng đồng bào tín đồ các tôn giáo thành lập khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều mô hình cơ sở tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường đã và đang hoạt động thiết thực, hiệu quả. Có thể kể đến như: mô hình Cộng đoàn giáo xứ Chính Tòa và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường gắn với đô thị văn minh; Cộng đoàn giáo xứ Vinh Sơn và nhân dân tổ 4, ấp 18 Gia Đình và tổ 7, ấp Ruộng Tre tham gia bảo vệ môi trường gắn với xây dựng tuyến đường kiểu mẫu; Nhân dân ấp Bàu Cối và phật tử chùa Huyền Trang tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hay các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: chùa Tịnh Nghiêm, giáo xứ Giuse, giáo xứ Micae, miếu Bà Quan Âm, đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tham gia ký kết thực hiện mô hình điểm về bảo vệ môi trường do Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Bình Đa (TP.Biên Hòa) phát động...
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, trong những năm qua, các tôn giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, có nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Những phong trào nêu trên đã tạo sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần vào nỗ lực quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị trong việc chặn đà suy giảm, dần cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường; chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu.
Nâng cao vai trò của các tổ chức tôn giáo
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với ô nhiễm môi trường, suy thoái và suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu nhanh và phức tạp… Cần phải tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, mặt trận các cấp cần phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ những tập quán, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, làm tăng biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo; hỗ trợ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng những mô hình cộng đồng tôn giáo và Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và vùng miền.
Các tôn giáo cần tiếp tục đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào hiến chương, điều lệ và chương trình hoạt động hàng năm, những khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nâng cao ý thức, hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuyên truyền trong các tôn giáo và nhân dân khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt, xây dựng và hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích hỗ trợ thực hiện tăng trưởng xanh; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về lợi ích của các sản phẩm dán nhãn sinh thái; các sản phẩm thân thiện môi trường. Hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc thi, các sáng kiến về môi trường, tuyên dương và khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó BĐKH phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và vùng miền, phát triển bền vững.
N.T