Tiền Giang: Lan tỏa phương châm “tốt đời, đẹp đạo“

(Mặt trận) -Với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh Tiền Giang luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

 Các tôn giáo luôn đóng góp tích cực vào Quỹ Vì người nghèo của tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang hiện có 11 tổ chức tôn giáo đang hoạt động, với 235.925 tín đồ. Nhiều năm qua, Tiền Giang luôn giữ vững sự ổn định về an ninh tôn giáo. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể ở Tiền Giang đã xây dựng được mối quan hệ hòa hợp các tôn giáo, phát huy mạnh mẽ sức mạnh tôn giáo trong xây dựng và phát triển quê hương.

GÓP SỨC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Hải cho biết, với sự quan tâm, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào các tôn giáo ở Tiền Giang luôn xây dựng trong giáo hội nếp sống, đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh. Trong đó, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã đóng góp hơn 78 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để làm cầu, đường giao thông nông thôn; xây 68 nhà đại đoàn kết; đóng góp hàng chục tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo...”.

Các tôn giáo trong tỉnh Tiền Giang đã phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, trên địa bàn tỉnh có 163 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử. Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, có 476 vị chức sắc các tôn giáo là Ủy viên Ủy ban MTTQ từ tỉnh đến cơ sở.

Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, qua sự hướng dẫn của các cấp, các ngành, các địa phương, Phật giáo Tiền Giang đã đạt nhiều thành tựu như tổ chức được các hoạt động phật sự có ý nghĩa và tham gia tích cực các hoạt động từ thiện bác ái xã hội.

Qua đó, Phật giáo Tiền Giang luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và nhân dân trong tỉnh, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhất là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính nhân văn, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Theo đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh luôn chủ động làm “cầu nối” giữa các nhà hảo tâm với các địa phương còn khó khăn để xây dựng cầu giao thông nông thôn, nhà tình thương và các công tác an sinh xã hội khác, trị giá trên 67 tỷ đồng...

Trưởng Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thượng chia sẻ: “Từ trước những năm 2009, thấy các em học sinh vùng sâu, vùng xa của tỉnh đi học qua những chiếc cầu ván hoặc phải lội qua những con rạch vô cùng vất vả, từ đó “Đội bắt cầu từ thiện” của Giáo hội ra đời và hoạt động cho đến nay. Hiện tại, đội xây cầu có 25 thành viên đã vận động, xây dựng 8 cầu nông nông với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phật giáo Hòa Hảo tỉnh còn vận động xây dựng 17 nhà tình thương cho hộ nghèo; phát trên 2.000 phần quà cho gia đình nghèo; hỗ trợ gần 19.000 suất ăn miễn phí; xe chuyển bệnh từ thiện trên 658 lượt...”.

SỐNG TỐT ĐỜI, ĐẸP ĐẠO

Phát huy tinh thần “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Tin Lành, “Kính chúa, yêu nước” của Công giáo gắn kết truyền thống “Tương thân tương ái” của dân tộc, những năm qua, chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong tỉnh luôn thể hiện tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”.

 Hằng năm, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang tặng hàng ngàn phần quà tết cho người nghèo.

Linh mục Trương Quý Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Tiền Giang cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 54.572 người theo đạo Công giáo, 52 nhà thờ. Phát huy tinh thần “Kính Chúa, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo”, thời gian qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng quê hương.

Mỗi xứ đạo, mỗi gia đình, cá nhân, tập thể luôn đồng tư tưởng, thực hiện tốt các mục tiêu thi đua do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh phát động. Các giáo xứ, dòng tu, đồng bào Công giáo luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các giáo xứ đã chung sức, đồng lòng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên 12 tỷ đồng”.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 628 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, trong đó có 541 cơ sở thờ tự văn hóa đã góp phần làm phong phú nền văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách chăm lo sự nghiệp giáo dục, vận động giúp đỡ tập sách, trang phục, phương tiện đi lại… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Song song đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được các tôn giáo tích cực thực hiện, với các cơ sở thuốc Nam và phòng khám của tổ chức Cao Đài Tiên Thiên, Tịnh Độ cư sĩ; các hoạt động khám, chữa bệnh và hỗ trợ thuốc miễn phí cho trên 51.288 lượt người nghèo, với số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn thực hiện các hoạt động khác như xây dựng trường học; nhà dưỡng lão để chăm sóc sức khỏe cho người già neo đơn, trẻ mồ côi; mua xe cứu thương, ủng hộ bếp ăn từ thiện; xây dựng các công trình văn hóa địa phương và các hoạt động bác ái… với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Có thể nói, với những hoạt động theo đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào các tôn giáo đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, là bộ phận không thể tách rời trong quần chúng nhân dân. Phát huy những kết quả đạt được, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, đồng bào các tôn giáo sẽ cùng nhân dân trong tỉnh đoàn kết, gắn bó, cùng nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

LÊ PHƯƠNG