Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Ngày 4/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022, sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị. 

Chủ trì Hội nghị có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Thông, Y Vinh Tơr. Tham dự Hội nghị có đại diện một số bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Đời sống của người dân, trong đó có người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.Trong những kết quả chung đó, công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sát; các bộ, ngành Trung ương và địa phương tích cực phối hợp, tổ chức thực hiện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức triển khai Chương trình MTQG. Theo đó, các địa phương đã triển khai hết sức đồng bộ. Các bộ, ngành Trung ương đã cơ bản hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và hệ thống văn bản pháp lý để làm cơ sở cho các địa phương triển khai. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện việc phân bổ vốn triển khai Chương trình MTQG. Trong năm 2022, UBDT đã cùng 15 bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG đã hoàn thành 32/33 văn bản hướng dẫn; 60 văn bản trao đổi, quy trình… đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: "Ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045, gồm có 25 đề án, chính sách được các bộ, ban, ngành triển khai. Có thể nói đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng nhất về công tác dân tộc ngoài các Nghị quyết của Đảng và Kết luận 65 của Bộ Chính trị".

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2022, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng trân trọng. Đã quyết liệt thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội, độc lập chủ quyền được giữ vững… Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội địa bàn vùng DTTS và miền núi có chuyển biến tích cực, đúng hướng.

Cùng với đó, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Ban Dân tộc, Cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố luôn chủ động, tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện chính sách dân tộc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào DTTS, kịp thời hỗ trợ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh…

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Từ năm 2021, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình MTQG.

Cùng với việc tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS, UBDT còn tiếp tục đôn đốc thực hiện các chính sách dân tộc khác còn hiệu lực như: Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ…

Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2022 tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chính sách dân tộc, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2022. Các ý kiến cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện công tác dân tộc, triển khai chính sách dân tộc và bổ sung những nội dung giải pháp cụ thể.

Các đại biểu đề nghị Ủy ban Dân tộc cần quan tâm tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện một số chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi liên quan đến việc phân bổ vốn; hướng dẫn định mức vốn; các chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế, phát triển nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng…

Từ những kết quả đạt được trong năm vừa qua, năm 2023, Ủy ban Dân tộc tập trung chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả.

Ủy ban Dân tộc tập cũng sẽ tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023 (gồm 7 đề án, chính sách). Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025.

 

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các vụ, đơn vị, với Ban Dân tộc các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng các đề án chính sách, văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành về công tác dân tộc.

Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, cần phát triển nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố, kiện toàn, hoàn thiện bộ máy làm công làm công tác dân tộc các cấp. Cơ quan làm công tác dân tộc các cấp cần thay đổi tư duy, đổi mới nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai, tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc và công tác dân tộc.