(Mặt trận) - Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Hệ thống các chính sách dân tộc nói chung, chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số nói riêng được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích và quyền lợi cơ bản của Nhân dân làm nền tảng, đã bao phủ mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Qua đó, tác động trực tiếp và hiệu quả tới đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ sinh kế, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần gìn giữ, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự đồng thuận xã hội vì sự phát triển của đất nước.
|
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Biểu trưng và Giấy chứng nhận của Chương trình “Điểm tựa của bản làng” cho các đại biểu người có uy tín tiêu biểu. Ảnh: Quang Vinh |
Một số đặc điểm cơ bản cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, trong đó 53/54 dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước1. Đồng bào các dân tộc thiểu số thường cư trú ở vùng miền núi và biên giới, đây là những địa bàn "phên dậu" có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, với tiêu chí xác định “vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” là các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên2, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 xác định: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm 3.434 xã thuộc 51 tỉnh; được phân định theo trình độ phát triển, trong đó có 1.551 xã thuộc khu vực III (khu vực đặc biệt khó khăn), 210 xã thuộc khu vực II (khu vực còn khó khăn) và 1.673 xã thuộc khu vực I (khu vực bước đầu phát triển).
Đây là vùng giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu...; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số có xuất phát điểm thấp; địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn; chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai; đời sống vật chất và tinh thần còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước.
Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa tại 315 xã thuộc 92 huyện của 23 tỉnh (trừ Long An và Đồng Tháp), dọc tuyến biên giới đất liền của Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm khoảng 67,4%)3. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, đan xen với nhau và với dân tộc Kinh. Tình trạng cư trú xen kẽ dẫn tới sự giao lưu kinh tế - văn hóa, tăng cường sự hiểu biết, hòa hợp, xích lại gần nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Các dân tộc thiểu số Việt Nam có quy mô dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều; mỗi dân tộc có những sắc thái văn hóa riêng, độc đáo, tạo nên sự phong phú, thống nhất của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong 53 dân tộc thiểu số luôn tồn tại đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng; một số nơi phong tục tập quán còn lạc hậu. Nhiều dân tộc thiểu số có quan hệ sắc tộc, anh em dòng họ và có chung đặc điểm văn hóa với các dân tộc bên kia biên giới.
Những năm qua, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào các dân tộc thiểu số, gây mất an ninh, trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đe dọa sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - kim chỉ nam trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 54 dân tộc anh em sinh sống trên mọi miền đất nước đều là anh em một nhà, đều là thành viên không thể chia cắt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”4.
Phương thức thực hiện đại đoàn kết dân tộc dựa trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc và những lợi ích chính đáng của nhân dân lao động. Đường lối, chủ trương của chính quyền phải phản ánh được tâm tư nguyện vọng và lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, chính quyền phải thật sự vì dân, phấn đấu cho quyền lợi của Nhân dân: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”5. “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”6.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán về thực hiện chính sách dân tộc: “Trong chính sách có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”7; yêu cầu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số phải thiết thực, thận trọng, phải tiến hành từng bước vững chắc để phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội: "Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương, chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội"8.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển“ là nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm không ngừng nâng cao đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của từng dân tộc.
Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định lại và tiếp tục bổ sung, phát triển phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Các văn kiện Đại hội Đảng từ lần thứ II đến lần thứ V đều nhấn mạnh nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc; nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định và bổ sung: Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau (Đại hội VI, VII); Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ (Đại hội VIII), Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển (Đại hội IX); Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ (Đại hội X); Bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ (Đại hội XI);
Đảng xác định đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội XII); đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.
Trên quan điểm Đại hội XIII, ngày 24/11/2023, Nghị quyết số 43-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành về “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, đồng thời nêu quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn dân: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng;... Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc... trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng...
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế”9. Nghị quyết số 42-NQ/TW cũng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành cùng ngày (24/11/2023) về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội”, theo đó, xác định mục tiêu việc đổi mới nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030: “Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin...
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: “Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%...; 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp;... Có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương...”10.
Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 về một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong đó có quan điểm: “Phải phát triển miền núi toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng. Quan tâm đúng mức đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội IX, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân”.
Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 7 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết khẳng định quan điểm cơ bản của Đảng đối với công tác dân tộc: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”, “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”, “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi”, “Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xoá đói, giảm nghèo”, “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị”. Qua hai lần tổng kết thực hiện Nghị quyết 24-NQ/CP, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 57-KL/TW (năm 2009) và Kết luận số 65-KL/TW (năm 2019) về tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong thời kỳ mới với nhiều điểm mới, mang tính đột phá cho giai đoạn 2021 - 2030.
Chính sách dân tộc tác động trực tiếp và hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Quán triệt Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi: “Xây dựng cơ cấu kinh tế của miền núi theo hướng chuyển sang kinh tế hàng hóa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng tiểu vùng, từng dân tộc...; mở rộng giao lưu kinh tế giữa miền núi với miền xuôi và với nước ngoài. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và củng cố an ninh, quốc phòng”11.
Để Nghị quyết 24-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP “về công tác dân tộc” nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc: “Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”, với 13 nhóm chính sách lớn12.
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chính sách dân tộc; tập trung hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 135 (Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg); Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005 (Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg); chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg); các chính sách về giáo dục, y tế,...
Tính đến hết năm 2018, có khoảng 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi13; trong đó có 54 chính sách trực tiếp đầu tư, hỗ trợ, dành riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số; 64 chính sách chung cả nước có nội dung ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số.
Đến hết năm 2022, qua thống kê sơ bộ, nước ta có 188 chính sách đang triển khai thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, có 136 chính sách dân tộc; có 38 chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 98 chương trình, chính sách có nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi14.
Đặc biệt, bên cạnh 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt đề án tổng thể, Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số) với 10 dự án (trong đó có 14 tiểu dự án) thành phần:
(1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; (3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; (4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; (5) Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
(6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; (7) Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; (8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (9) Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; (10) Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Đây là sự kiện nổi bật, trọng đại, có ý nghĩa đặc biệt trong công tác dân tộc; bởi lần đầu tiên Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình là quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, được xây dựng trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung, tích hợp nhiều chính sách, chương trình, dự án để khắc phục tình trạng chồng chéo, tản mạn chính sách; tập trung, thống nhất các nguồn lực; phân công rõ cơ quan đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm chính tham mưu cho Chính phủ trong việc quản lý, chỉ đạo; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong triển khai, thực hiện.
Về nguồn lực, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên kinh phí thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số: giai đoạn 2011 - 2015 là 690.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là 998.000 tỷ đồng15; riêng Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số được bố trí hơn 137.664 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc, theo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW (2003 - 2019)16, đến năm 2019, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số: 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa...
Bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số giảm 2-3%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn, giảm 3-4%/năm; các huyện nghèo giảm 5-6%/năm17. Năm 2019, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo còn 35,5%. Giai đoạn 2015 - 2018, đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn; 124/2.139 xã, 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135; có 1.052 xã (trong đó có 106 xã đặc biệt khó khăn), 27 đơn vị cấp huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới18.
Từ năm 2021 đến năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số đã đầu tư 4.092 công trình cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số (trong đó: xây mới 163 công trình đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; 1.717 công trình đường giao thông thôn, bản; 37 cầu giao thông nông thôn; xây mới và cải tạo sửa chữa 114 chợ, 94 công trình trường học, 315 công trình thuỷ lợi; 40 công trình điện; 302 nhà văn hoá; 44 trạm y tế; 34 công trình nước sinh hoạt; duy tu, bảo dưỡng trên 200 công trình hạ tầng các loại...);
Hỗ trợ đất ở cho 489 hộ, đất sản xuất cho 641 hộ, chuyển đổi nghề cho 14.119 hộ, nước sinh hoạt cho 102.989 hộ; đầu tư xây dựng 492 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ triển khai 445 mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất theo cộng đồng, 249 mô hình khởi nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề cho 64.195 người; xây dựng 8 mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...19.
Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh.
Những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Để các chính sách dân tộc hiện nay thực sự đi vào cuộc sống, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp mang tính nguyên tắc sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền về công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới. Tiếp tục học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về dân tộc và đại đoàn kết dân tộc trong các nghị quyết của Đảng và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số không tin, không nghe, không làm, không theo kẻ xấu; tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước. Tăng cường nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò và ý nghĩa to lớn của vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, kiên định đường lối đại đoàn kết dân tộc, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách dân tộc nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây là giải pháp có vai trò quyết định vì trên cơ sở kinh tế - xã hội phát triển mới có điều kiện để từng dân tộc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, gắn bó với nhau hơn. Đồng thời, đó chính là con đường cơ bản để đảm bảo quyền bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc và đấu tranh chống kẻ địch lợi dụng vấn đề dân tộc phục vụ âm mưu chống phá cách mạng nước ta.
Ba là, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hoá và xã hội hoá nguồn lực để đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng; biểu dương, tôn vinh và thực hiện tốt các chính sách nhằm động viên người tiêu biểu có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc, chức việc, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; có kế hoạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ cơ sở trực tiếp tiếp xúc với dân, qua đó họ có thể đi sâu, đi sát, gần gũi và tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc và kịp thời nắm tình hình, diễn biến trong quần chúng nhân dân.
Năm là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tích hợp các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu, đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ làm công tác dân tộc ở địa phương, nhất là cấp cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, tăng cường sự bình đẳng, củng cố tình đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển.
Sáu là, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chú thích:
1. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính trên 63 tỉnh, thành phố có 14.142.720 người dân tộc thiểu số với 3.612.331 hộ dân tộc thiểu số.
2. Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 của Chính phủ.
3. Báo cáo số 13/BC/CP ngày 5/1/2023 của Chính phủ.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 244.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, tr. 65.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, tr. 372.
7,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, tr. 608, 611.
9. Tiểu mục 1, Mục II Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
10. Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
11. Quyết định số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
12. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ.
13. Báo cáo số 426/BC-CP ngày 4/10/2018 của Chính phủ “Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.
14. https://dangcongsan.vn/bao-dam-quyen-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so/tin-tuc/viet-nam-co-136-chinh-sach-dan-toc-dang-duoc-thuc-thi-645543.html
15,16. Báo cáo số 68/BC-BCĐTW ngày 4/9/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khoá IX về công tác dân tộc (Nghị quyết số 24-NQ/TW).
17. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
18. Kết quả điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
19. Báo cáo số 511/BC-CP ngày 4/10/2023 của Chính phủ về kết quả 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số.
HẦU A LỀNH - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc