Thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng

(Mặt trận) -Với 10 dự án, gồm 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Sau gần 2 năm triển khai, tỉnh Lâm Đồng đã tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS

 Lâm Đồng hiện có hơn 330.000 người dân là đồng bào DTTS, chiếm hơn 25,7% dân số toàn tỉnh. Việc cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các nội dung  Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi không chỉ giúp ổn định, nâng cao đời sống bà con DTTS mà còn góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2022, tổng vốn bố trí cho chương trình là hơn 232 tỷ đồng, gồm hơn 126 tỷ đồng vốn đầu tư công, gần 66 tỷ đồng vốn sự nghiệp và 40 tỷ đồng vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Năm 2023 là hơn 370 tỷ đồng, gồm hơn 162 tỷ đồng vốn đầu tư công, hơn 171 tỷ đồng vốn sự nghiệp, 30 tỷ đồng vốn tín dụng và hơn 6 tỷ đồng huy động từ nguồn đối ứng của người dân và ngân sách huyện. 

Một trong những trọng tâm của chương trình là hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Theo đó, các địa phương đã hỗ trợ nhà ở cho 146 hộ với số tiền gần 6 tỷ đồng. Tỉnh đã bố trí vốn thực hiện 7 dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư và 1 dự án chuẩn bị cho công tác đầu tư; tính đến hết tháng 10 đã giải ngân được gần 20 tỷ đồng. Về cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã triển khai thi công 16 công trình, nhiều công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng; riêng 10 tháng đầu năm đã giải ngân hơn 77 tỷ đồng (70,8% kế hoạch). Các nội dung của chương trình còn giúp người dân phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm  cho người lao động là đồng bào DTTS…

Bên cạnh đó, chương trình cũng hướng đến chăm sóc sức khỏe người dân, bình đẳng giới cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS… với tổng nguồn vốn được phân bổ cho năm 2023 (không tính vốn năm 2022 chuyển sang) là gần 28 tỷ đồng. Từ nguồn vốn của chương trình, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống và xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một... Với mục tiêu bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các huyện, thành cũng đã tổ chức các lớp hướng dẫn, thành lập và vận hành 69 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 16 cuộc truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới… Các mục tiêu này sẽ được tiếp tục phát huy và đẩy mạnh trong thời gian tới, từ đó, tạo sức bật đưa đời sống văn hóa, xã hội của người dân vùng DTTS ngày một tốt đẹp hơn.

Theo ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, để phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tỉnh đã ban hành Nghị quyết của HĐND về quy định cơ chế huy động, phân bổ, nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa chương trình MTQG với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Tỉnh cũng xác định rõ tỷ lệ huy động, đóng góp vốn từng chương trình, dự án được lồng ghép; thống nhất định mức chi theo từng nội dung, hoạt động được lồng ghép. Đồng thời, phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện hoạt động lồng ghép.

Sau gần 2 năm thực hiện, chương trình bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc ổn định và phát triển toàn diện đời sống kinh tế - xã hội người dân vùng đồng bào DTTS tại Lâm Đồng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS của tỉnh đã giảm trên 2% theo tiêu chí đa chiều; hộ cận nghèo giảm từ 3 - 5%; thu nhập bình quân của người đồng bào DTTS cuối năm 2023 ước đạt 44,9 triệu đồng/năm. 73/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn NTM mới…

Để Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát huy hiệu quả, theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thời gian tới, Ban sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, người dân về chương trình; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc các cấp, người có uy tín, trưởng thôn… giúp triển khai thực hiện chương trình từ tỉnh đến cơ sở được đồng bộ và đảm bảo đúng chính sách. Ngoài ra, Ban sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở, nhằm đánh giá hiệu quả, phát hiện khó khăn và có giải pháp tháo gỡ kịp thời; phối hợp chặt chẽ hơn với các sở, ban, ngành để việc tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chương trình được hiệu quả.

N.Q